KHÁT VỌNG HÒA BÌNH CỦA DÂN VIỆT

Người xem: 358

Cuteo@

Đây là bài của bác Phan Trang Hy gửi cho Tre Làng. Xin cảm ơn bác Phan Trang Hy.

Khát vọng hòa bình của dân Việt

Khát vọng hòa bình là khát vọng muôn đời của mọi dân tộc trên hành tinh này. Thế nhưng, khát vọng ấy bị đe dọa bởi lòng tham, thù hận của một số bọn cầm quyền có tâm địa quỷ dữ. Cũng thế, khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam đang có nguy cơ bị bóp chết bởi những hành động bá quyền, ác hiểm nước lớn của giới lãnh đạo Bắc Kinh.

Liệu hòa bình có không? Và người Việt Nam làm gì để có hòa bình? Câu trả lời không chỉ là tấm lòng yêu nước, thương nòi mà còn là bổn phận của từng người dân nước Việt.

Muôn đời nay, dân tộc Việt Nam luôn chống lại ngoại xâm nhằm bảo vệ cuộc sống yên vui, nền hòa bình vốn có. Giặc trước hiên nhà, giặc xâm phạm cõi bờ, dân ta yên làm sao được, nói chi đến hai tiếng hòa bình. Lịch sử dân tộc từ khi vua Hùng lập nước đến nay là lịch sử đánh giặc không ngừng nghỉ của mọi người Việt yêu nước, thương nòi. Chính vì thế, người Việt luôn thức tỉnh, cảnh giác với mọi mưu đồ ác hiểm của kẻ thù. Càng yêu hòa bình, người Việt càng ý thức chuẩn bị, sẵn sàng chống giặc ngoại xâm, nếu có.

Là người Việt, tôi luôn tin hòa bình ngự ở đất nước này. Luôn tin từng tấm lòng, lời ca tiếng hát của người Việt thể hiện khát vọng hòa bình. Tôi tin hòa bình sẽ tồn tại mãi với dân tộc tôi. Thế nhưng, hòa bình sẽ không có bởi hành động gầm ghè thò lưỡi bò nuốt sống biển Đông của giới cầm quyền Trung Hoa. Hòa bình đâu có được khi lòng tự trọng dân tộc Việt Nam bị kẻ thù nhạo báng. Và hòa bình sẽ không có khi các nước trong khu vực tạo thành vòng vây chống lại hành động coi thường luật pháp quốc tế của thế lực China “trỗi dậy hòa bình”.

Ngàn lần tôi mãi gọi hòa bình, hòa bình, hòa bình… Tôi tin sẽ mãi hòa bình. Chắc chắn là vậy. Hòa bình sẽ có khi công lý được thi hành. Phải kiện, phải kiện thôi! Đất nước của ta, ta không kiện khi kẻ cướp chiếm đóng trái phép, có khác chi ta coi kẻ cướp là người nhà. Và cũng thế, hòa bình sẽ có, nếu toàn dân ta một lòng chống giặc. Hai chữ “đồng bào” thiêng liêng biết chừng nào! Còn đối với Trung Hoa, “đồng chí” chỉ là cái vỏ bọc, cái áo tắc kè, giờ đã hiện hình là chân tướng kẻ cướp, cầm trước tác xâm chiếm đất nước Việt Nam.

Tôi tin hòa bình là sự thật. Dân tộc ta cần phải biết sự thật của lịch sử. Có thật sự tin vào lịch sử, dân tộc ta mới thật sự hòa bình. Sự dối trá lịch sử đồng nghĩa với sự bức tử lịch sử. Lịch sử là sự thật chứ không phải là hư cấu. Xin trả lại sự thật muôn đời của lịch sử dân tộc để đồng bào ta tự hào, tin vào nhân nghĩa. Đó chính là sức mạnh kế thừa truyền thống tổ tiên: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy chí nhân mà thay cường bạo.

Tin hòa bình, nên thấy chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào trước tham vọng của Trung Hoa. Tham vọng của họ ngày càng lộ rõ. Họ trút cái vỏ bọc, cái áo tắc kè quấn bó họ bấy lâu nay, bởi những mỹ từ “trỗi dậy hòa bình”, “4 tốt”. “16 chữ vàng”, “người Trung Hoa không có gien xâm lược” v.v…, để giờ thè lưỡi tham lam khuấy động biển Đông. Lòng tham Trung Hoa chắc không thể đem sự ổn định trong khu vực, nói chi hai tiếng hòa bình.

Tôi mong hòa bình. Tôi tự nhủ, hòa bình chỉ có được khi mỗi người dân Việt có lòng yêu nước, thương nòi. Chỉ yêu nước là chưa đủ mà còn phải có thương nòi. Bởi yêu nước không phải là quyền của một số người, một số tổ chức, đoàn thể. Phải lấy lời dặn của Lạc Long Quân để lo cho vận mệnh dân tộc khi quốc biến. Xin vì hai chữ “đồng bào”. Muôn đời nay, người Việt ta nói đến đồng bào là nói đến dân tộc. Phải đặt dân tộc lên trên tất cả. Tổ quốc Việt Nam là trên hết với đồng bào Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Không chỉ dân nghĩ, mà Chính phủ, chính quyền cũng cần nghĩ như vậy. Có thế mới là hồng phúc cho Tổ quốc Việt Nam.

Hòa bình! Chiến tranh! Có đời ai muốn chiến tranh? Tôi tin tôi, tin đồng bào tôi không muốn chiến tranh. Phản đối chiến tranh, căm ghét chiến tranh, mong muốn hòa bình, ủng hộ hòa bình là tấm lòng của dân tộc Việt. Thế nhưng, trong những ngày biển Đông đầy sóng dữ, cũng như về sau, bên cạnh một thế lực lớn với mộng bá chủ cuồng tham phi lý như Trung Hoa, hòa bình càng trở nên mong manh như ngọn đèn trước gió.

Trong lòng tôi là Bạch Đằng, Như Nguyệt, Chi Lăng, Đống Đa. Chợt trước mắt tôi hiện lên dòng chữ Muốn hòa bình, phải chuẩn bị chiến tranh.

Tháng 7 – 2014
Phan Trang Hy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *