AI ĐÂU HAY ĐÀN BÀ CŨNG…KHỔ

Người xem: 405

Ai đâu hay đàn bà cũng… khổ


Đàn bà qua tranh Bùi Xuân Phái

Tôi không phải đàn bà, dĩ nhiên quá rồi và cũng không mượn son phấn nước hoa hay dao kéo để đội lốt người được coi là… hơn một nửa nhân loại. Họ là hơn một nửa không phải về định lượng mà là định tính hẳn hoi do cái phương vị của họ đổ bóng xuống gần một nửa còn lại trong nhân loại và trong cuộc đời.

Đứng ở vị trí đàn ông thử nhìn sang phía kia và thấy được vài nỗi khổ chiến lược, vĩ mô của họ.

Là đàn bà thì tuổi cứ phải giấu kín mít như một bí mật thuộc an ninh quốc gia, kẻ nào lỡ làm rò rỉ kẻ ấy đáng bị tội. Còn tên thì, toàn là những cái tên tố cáo sự ẻo lả, yếu đuối dễ… ngã vào vòng tay người khác. Hoặc dễ bị “cưa” đổ, theo cách nói tại An Nam bây giờ. Một anh chàng người Mỹ sang đây làm gì không biết, nói trên TV rằng anh gặp “chi ay” (chị ấy) là người quá khó nhưng anh đã “nhan… nạ” (nhẫn nại) và cuối cùng thì “cưa” hoài cũng đổ.

Đàn bà qua tranh Bùi Xuân Phái – Ảnh: TL

Sau tên tuổi là… ăn. Cái khổ của đàn bà là ăn vặt, ăn từ khi còn là cô bé đi học và ăn cho đến lúc biết đi shopping, khi lên bà ngoại trẻ. Quà vặt đường phố ở Việt Nam quá ư phong phú đa dạng chính là để phục vụ nỗi khổ này của đàn bà. 

Sáng sớm khi đèn đường chưa tắt, ra đường tôi đã thấy những toán đàn bà đi như những chú gà tây lao về phía trước hoặc đang múa võ gì đó để giảm các chỉ số đo. Quá trình này thật gian khổ và lâu dài, thách thức lòng kiên trì ở liều cao, nhưng thật không hiểu nổi là cũng khi đường phố còn vắng tanh, những con người kiên trì này lại là sức hút cho hàng rong bu tới. Luẩn quẩn, dây dưa, lằng nhằng… là những nỗi khổ có tính cơ bản trong đời đàn bà.

Hơn nửa đàn bà còn một cái khổ là… hay quên. Đi đâu họ chẳng bao giờ không nhớ trang điểm cho ra người… khác mình, cái quên là dung nhan chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. 

Thơ tình, nhất là thơ thất tình dễ làm cho người ta nổi tiếng nhưng chính cái lối thơ thất tình này ở những nhà thơ nữ lại là một rào cản ngăn sông cấm chợ cho chính họ. Đàn ông làm thơ thất tình có khi lại được những nữ Bồ tát ghé thăm còn đàn bà làm thơ ấy có nghĩa là tự mình ra tuyên ngôn đời đã chẳng còn chi và…đàn ông đi hết. 

Thế vậy mà có không ít đàn bà lại tung ra vô số những vần thơ kiểu ấy. Hồi trước năm 1975 có một nhà thơ nữ xuất bản liên tục tập thơ chung một nhan đề “Em là gái trời bắt xấu” tập 1, 2, 3… không rõ đường tình ái của chị ấy sau ra sao, tôi không có “hồi sau” nên không rõ.

Có khá nhiều đàn bà mang nỗi khổ gặp phải đàn ông…văn nghệ, những con người ngơ ngơ ngáo ngáo, trải nghiệm nhiều nhưng thiếu lịch lãm mà thành quê mùa, mộng tràn ra thực gây lũ lụt cho chính mình. Cái đám đàn ông này có khi còn nuôi ý tưởng phạm tội hình sự… sát nhân. “Làm sao giết được người trong mộng/Để trả thù duyên kiếp phũ phàng” (thơ Hàn Mặc Tử). Ghê quá! Đám đàn ông này còn dựng nên câu “Cái nết đánh chết cái đẹp” gây ra nỗi lo sợ thường trực bị “đánh tử vong” cho những người mà nói cho cùng thì ai cũng đẹp cả.

Đẹp mà bị đánh chết, tội quá chừng!

Sang thời công nghệ thông tin nổ cái bùng, đàn bà gánh thêm một nỗi khổ trước kia cũng có nhưng có một cách thủ công nhỏ lẻ. Còn bây giờ nhiều người suốt ngày phải lặn lội cày sâu cuốc bẫm trên mạng làm cái việc gọi là “tám” nôm na là hóng chuyện, đưa chuyện để giết thì giờ (sát nhân) và không ít người bị lừa đảo.

Đàn bà luôn không nhận ra… dung nhan chỉ là phần nổi của tảng băng chìm – Ảnh: TL (minh họa)

Hơn nửa đàn bà còn một cái khổ là… hay quên. Đi đâu họ chẳng bao giờ không nhớ trang điểm cho ra người… khác mình, cái quên là dung nhan chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, tảng băng chìm là nội tâm, phải như vậy không? Đàn ông trả lời được câu hỏi này trong khi nhiều đàn bà lại không thể, thậm chí không muốn nhớ. Nhân loại khổ lây vì cái hay quên này của đàn bà.

Nhiều nỗi khổ vây quanh, nhưng khổ nhất cho đàn bà và cho cả các thi nhân là “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu” (Người đẹp từ xưa như tướng giỏi/Chẳng hẹn chờ ai thấy bạc đầu), đàn bà đẹp sẽ chết yểu thì ai dám đẹp (?!). Nhưng lo là lo còn đẹp cứ đẹp và còn ra sức phấn đấu làm cho đẹp thêm, là thực hiện phương châm “sống chung với lũ” của người dân Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có những phụ nữ lấy phù sa nắng gió và đức chân thật làm mỹ phẩm nuôi nhan sắc rắn rỏi mặn mà của mình.

Bài: Cao Thoại Châu
Ảnh: Tư liệu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *