Đồng chiều sau vụ gặt bạc phếch một mầu cuống rạ khô xác te tua chạy tới chân tre làng người. Chân ruộng nào cũng như chân ruộng nào, cuống rạ dài chừng hai gang tay đều tăm tắp. Một vài chân ruộng ngập nước, mầm lúa mà có nơi người ta gọi là “chau lúa”, còn người miệt vườn Nam Bộ gọi lúa trời, đã thấp thô nhô lên xanh mượt mà.
Ảnh đẹp như tranh vẽ. Nguồn: Trên mạng
Vài ba con trâu nghỉ cầy thả rông đang bứt từng nhánh lá lúa trời xanh non một cách chậm rãi điềm đạm. Chiều bảng lảng hoàng hôn thời gian chẳng đợi chờ người. Chợt nhớ câu thơ “đảo tự” lạ lạ của cụ Nguyễn Du “nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng” (Kiều)…
Thấy rơm rạ đầy đồng không ai mang về làm “củi đốt nhà nông” như ngày xưa nên rất nhớ những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của giặc…trời. Nhiều gia đình sẵn sàng cho một con, hai con đi “nghĩa vụ quân sự” nhưng nếu chia “con đai” tức là lượm lúa đã đập hết thóc, chỉ còn rơm và thóc lép; chia mà không đều, đống to đống nhỏ hoặc thiếu “của người ta” là có bà, có chị “nhảy dựng ” lên ngay. Người mình lạ thế không biết.
Người viết trang tạp cảm này có thời gian dài trực tiếp đi lấy thóc lấy rơm chia cho từng gia đình xã viên theo công điểm nhiều lúc phân vân “cháu con chả tiếc tiếc gì…con đai rơm”. Hóa ra là mình trẻ người non dạ chưa hiểu lắm “luật đời”. Bà con cô bác “trong họ ngoài làng” hầu như ai cũng như ai, nhất định cho con cháu đi chia lửa với miền Nam với tinh thần “thóc không thiếu một cân quân không thiếu một người” vì không muốn, không thể để gia đình mình thuộc diện “lạc hậu”, “có vấn đề”.
Sống ở làng sang ở nước, không thể “chịu nhục” với dân làng, với họ hàng. Không thể để xẩy ra tình trạng “trốn tránh nghĩa vụ”, tệ hơn “bê quay” hay “tòm tem vợ người” vi phạm chính sách “hậu phương quân đội”. Thế nhưng “ăn chia” không đều, chỉ thiếu vài ba con rơm thôi không khéo là sinh chuyện to tiếng ngay. Việc gì ra việc ấy, người làm ruộng hai sương một nắng đòi hỏi sự công bằng và “thường trực tâm lý” tiếc của giời.
Làng quê thanh bình. Nguồn: Trên mạng
Có sống trong hoàn cảnh ngày giáp hạt ,không thiếu gia đình hết thóc, hết cả rơm rạ đun bếp, sai con cháu đi quét từng thúng lá tre ngoài bờ ao hay đi rẫy cỏ trên triền đê phơi khô làm “củi”, mới thấy từng con rơm thời hợp tác hợp trân quý thế nào. Giờ đầy đồng làng chân rạ bạc phếch khô nỏ, chả ai đoái hoài. Đầy đường là rơm thơm mùi lúa chín do “máy tuốt lúa chạy dầu” nhả ra từng đống, có người vội vã hất xuống cả mương nước tưới tiêu cho gọn, hàng đống rơm tươi trôi lềnh bềnh.
Nhà nào cũng đun bếp ga bếp điện; nghèo hơn một chút đun than tổ ong, ông táo bếp nhà quê ngày xưa đưa khói lam chiều lên trời ,trở nên thành tố “thơ mộng” của văn chương nhạc họa lãng mạn tiền chiến về “làng tôi xanh bóng tre”, từ lâu biệt vô tăm tích! Táo quân lên trời bây giờ không khéo trong mắt khối người hệ “chín X” thành chuyện tào lao. Khói lam chiều bếp Việt đâu? Bây giờ là “chiều quê thời hiện đại”!
Trong làng, xe máy “đủ kiểu” sang hèn của đám thợ nề ,thợ chạm gỗ, thợ sắt hết ca đi đón con ở nhà trẻ, bóp còi rầm rĩ trên đường. Một người mẹ trẻ ra tận chân tre ngoài bìa làng í ới gọi con đang đùa nghịch giữa đồng cùng đám trẻ chăn trâu. Nhớ quá câu thơ gợi cảm của “người thơ” tài hoa Lưu Quang Vũ: “Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm – Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về”. Cánh đồng dù đã khác xưa nhiều, song vẫn còn đấy trong mắt “người quê” đã trải sự đời những nét quê Việt muôn thủơ, thời nào cũng vậy mà thôi!
Như đồng chiều cuống rạ…không hiểu làm sao chiều về ngang cánh đồng, tôi lại chợt “thấy” câu ca dao xứ miền trung gió Lào cát trắng như một lời hỏi han nhau trong ký ức “Đầu mùa” to oc” rạ rơm khô – Bậu (bạn) về xứ bậu biết nơi mô mà tìm”. “Thà rằng chẳng biết thì thôi – Biết ra mỗi đứa một nơi thêm buồn…”
Lại tưởng ra đám trai thợ gặt đến làng cô gái gặt lúa thuê, hết vụ ra đi tìm việc khác, để nỗi nhớ “người dưng” cho cô con gái chủ nhà thấy người quê ấy sao mà dễ thương làm vậy. Người xa, người đã ra đi nhưng tâm tính bóng hình người ở lại. Câu ca dao Nam Bộ biểu tỏ cảnh huống này rất hay, như một lời thảng thốt của con tim “Cơm ăn một bát lưng lưng – Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này?”.
Chao ôi đời sống tâm cảm của người Việt mình một thời đã xưa, nên thơ quá đỗi, dù quê đâu trên đất Việt này thì cũng một vị “nghèo” với những rạ rơm bùn đất khô xác sau vụ gặt và những vết bùn non chưa sạch trên mặt người. . .
Đã có thời không khí “sôi sục cách mạng” làm thay đổi diện mạo cả cánh đồng lẫn hồn người chân quê chân lấm với tay bùn, hai sương một nắng. Thời bao cấp lên tới đỉnh điểm đói khổ, không thể quên cái cảnh gặt lúa đến đâu trâu cầy đuổi theo chân người ôm lúa đến đấy. Vừa ôm hết lúa chất đống lên bờ thì con trâu cũng cầy đường cuối cùng sát thửa ruộng nhà người “láng giềng đồng”.
Người người lấy cuốc vằm đất, vun thành luống, đặt khoai (tây) giống, vùi khoai, bỏ tro, bỏ trấu. Cả cánh đồng chỉ thấy người là người lặng lẽ cúi gập lưng xuống luống đất, trẻ con người già chả thiếu một ai, yếu làm việc nhẹ, khỏe làm việc nặng. Người làm như ma đuổi cho kịp thời vụ, đất cầy sới lên không kịp “thở”, bị băm vằm tơi tả hai vụ lúa một vụ khoai mà sao tháng ba ngày tám vẫn đói?
Nhớ làm sao những bữa cơm “quê” thời khốn khó ấy. Rổ rau diếp, sang hơn là rau xà lách đầy có ngọn, cùng với nồi canh khoai tây củ khoai nhỏ như hòn bi nên gọi khoai bi (khoai to đã hết, khoai nhờ nhỡ để giống, khoai bi cho lợn, người ăn ké) nấu suông, có bữa là thành phần dinh dưỡng chủ lực của cả nhà “hai già hai trẻ ba trẻ mỏ”.
Đâu được bữa nào cũng cơm dẻo canh ngọt như bây giờ mà đến bữa con cháu có đứa còn đứng múa theo nhạc sập sình, dửng dừng dưng, chả thèm ngó. Có đứa chúi mũi chơi “gêm”! Cũng phải thôi, mở tủ lạnh lúc nào chả có đủ sữa chua sữa “vi na miu”, có khi còn cả bánh mì, thì thiết gì đến cơm! Mỗi lần thấy con mèo mun “chê tóp mỡ” ngoảnh mặt đi không thèm nhìn “ông chủ”, thấy đám gà diều lặc lè “chê cơm nguội hẩm”, gà mái mẹ vừa nhớn nhác trông con vừa bới tung tóe đám cơm thừa canh cặn bọn trẻ dọn vội vã đổ tháo ra góc sân, lại chạnh lòng nhớ ngày xưa.
Chả cứ gì con cháu mình đang sức ăn sức lớn mà “đời thì đạm bạc chẳng có gì ăn”, kể cả các bậc cao niên ông già bà cả cũng đành “chết thèm chết nhạt’ những bữa cỗ ngày xưa cơm gà cá gỏi; hạ tiện hơn ,gói kẹo với “môi” đường, dù là đường phên, đường phèn vàng xỉn đầy sạn. Nói không quá lời, giờ làng quê tôi mỗi ngày ba bốn “phản thịt lợn”, vài tạ thịt, cũng hết vèo; chưa kể giò chả, thịt chó về chiều, cháo trai cháo hến, chè thập cẩm buổi trưa, sôi lạc, sôi vò, trứng vịt lộn “ăn sáng tráng miệng” vân vân và vân vân.
Đợi gì đến Tết mới có bành chưng, đợi gì ra biển mới được ăn tôm to gấp ba tôm càng ngày xưa! Chả thiếu hàng gì, chỉ thiếu hàng…tiền! Thế mới hay! Nhớ thời mới “khoán hộ”, thời mới mở he hé cửa có nhà báo nổi tiếng viết tuyên truyền sắc sảo, tuổi thuộc diện “bậc đàn anh”, đã viết chính luận gọi là “ông thần khoán” ca ngợi khoán ruộng về hộ như thần thoại.
Hình như sau đó được “thưởng” chuyến đi thăm hòn đảo anh hùng Cu Ba ! Ừ thì thần. Mà thần ấy cũng “đi lên” từ dân, từ cán bộ liêm chính với đời! Khoán chui Kim Ngọc Vĩnh Phú nổi tiếng, khoán chui ngoại thành Hải Phòng, khoán chui đâu đâu tổng kết thành khoán 10 Trung ương. Thật là ý Đảng lòng dân gặp nhau trùng phùng như long vân kỳ ngộ!
Vẫn đồng đất ấy, trước đất không kịp thở, năm hai vụ lúa, một, có khi hai vụ mầu mà người làm ra hạt thóc củ khoai vẫn đói, vẫn thiếu ăn rách mặc mà giờ đây đất ruộng tha hồ…nhởn nhơ chơi, tha hồ thư giãn, người làm ruộng “như ả chơi giăng” nhàn hạ thế mà cơ bản vẫn no đủ, thảnh thơi!
Đồng chiều cuống rạ…Sương buông như một làn khói mỏng. Những hình ảnh ,những âm thanh quen đấy mà lạ đấy. Xe máy chậm chậm về làng ,ngang qua sông Đuống. Tôi chợt thấy cay sống mũi nhớ câu thơ Hoàng Cầm “con lậy mẹ con lại về Kinh Bắc”, người viết đôi dòng tạp cảm này thấy sương chiều đã thấm lạnh vai áo mỏng…
Tác giả: Đào Dục Tú
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố