Lần đầu mẹ đi máy bay

Người xem: 228

Máy bay vẫn bay đều đều, bồng bềnh lâng lâng trong những tầng mây. Tay mẹ bất chợt nằm gọn lỏn trong bàn tay của con, nằm thật ngoan trong những vết chai sạn của cuộc đời.

(Kính tặng bác Nguyễn Thị Vĩnh và tất cả những người Mẹ đã dắt chúng con đi suốt vạn dặm cuộc đời)

Lần đầu mẹ đi máy bay. Lúc sáu mươi tuổi, tóc bạc màu mây.

Tuần trước con trai nói dắt mẹ đi chơi hơn 700 cây số ở tận miền Trung bằng máy bay. Mẹ vừa mừng vừa sợ. Mẹ sợ. Hồi đó tới giờ mẹ có đi đâu xa, luẩn quẩn trong quê nhà bé tẹo, chèo xuồng đưa đẩy dọc dòng kinh, đội thúng bán buôn lơn tơn ra tới hết Xóm Chòi là xa lơ xa lắc. 

Cho đến khi con trai đi làm xa, mẹ mới nhịn tiền bán vịt lên Sài Gòn thăm con. Leo lên chiếc xe đò cũ mèm chạy ầm ầm, thấy cảnh vật chuyển động vù vù, là bụng mẹ bắt đầu lạnh ngắt, tay chân bủn rủn rồi nôn thốc nôn tháo chẳng còn biết trời trăng, cho đến khi chú lơ xe la làng, dì ơi, tới bến hết tiền rồi xuống giùm con! Nghe mấy bà hàng xóm nói đi máy bay còn ác nghiệt hơn nữa. Nó bay ào lên trời rồi nhào độp xuống đất như mình chơi thả diều, làm ruột gan lộn tùng phèo một đống. Nghe mà ớn!

Nhưng mẹ mừng. Cả xóm này có ai được như mẹ. Mỗi lần về quê, con trai của mẹ khệ nệ rinh về từng cái nồi, cái chảo mua ngoài siêu thị mà mẹ thích, rồi dúi cho mẹ vài trăm nghìn. Mẹ nghe xốn xang trong dạ.

Mẹ nghèo. Đến lúc biết chạy chơi thì con phải đi chăn vịt chạy đồng. Lớn lên rồi con đi theo bè bạn đập đá trên Gia Kiệm, Đồng Nai để kiếm tiền đóng học phí và mua đồng phục cho năm học sau, mà không kỳ kèo xin một đồng của mẹ. Mẹ không biết làm gì hơn, lén ra gốc dừa ngồi khóc rưng rức.

Ba tháng sau con về. Đen thui, cao nhồng, ốm nhách. Mẹ sợ điếng cả người, chợt nhận ra con mình lao lung đến dường vậy. Mẹ sợ mất con. Lúc còn nhỏ, con trai của mẹ đứt ngón tay chút xíu mà mẹ tưởng như dao cắt vào lòng. Vậy mà nắng gió đồi Soklu nỡ làm hư hao con mẹ, trái tim của mẹ quặn thắt.

Mẹ khóc rấm rứt một mình trong chòi bếp. Con trai vô tư, ngồi kế bên dúi đầu vào nách mẹ. Mẹ phải giả vờ nói củi dừa chưa khô, hun nhiều khói xanh cay mắt. Con lẳng lặng ra ngoài sau vườn, chặt mớ trâm bầu, phơi áng chừng vài đợt nắng để củi khô cháy đượm không còn làm cay mắt mẹ.

Con trai lớn rồi. Mẹ mừng. Cả xóm này có con cái nhà ai đẹp đẽ như con trai của mẹ. Mũi thẳng băng, cao ngời ngời giống hệt cha nó. Trán rộng, sáng trưng, mà mỗi khi vuốt lên tóc của con, mẹ lại khấn cầu Phật Bà Quan Âm độ trì cho con trai được sáng sủa học thành tài. Không như mẹ chẳng biết mặt chữ con số là gì. Đến cái tên còn phải nhờ người ta viết hộ. Hồi đó đi làm giấy chứng minh nhân dân, chú công an cứ hỏi tên bà là Vĩnh hay Dĩnh. Mẹ ấm ớ nói, cái gì cũng được. Dớ mèn ơi, bà này giỡn mặt chánh quyền hả? Nghe mắc sợ. Dạ, chú mần ơn, tui hổng biết chữ. Để kêu sắp nhỏ về hỏi ông ngoại nó…

Mẹ mừng. Cả xóm này có ai được đi máy bay như mẹ. Ai cũng đầu tắt mặt tối ruộng vườn, heo cúi. Đẻ con ra, nuôi nó đặng người đặng nết thì dựng vợ gả chồng. Rồi đời chúng nó cũng như ông bà, cha mẹ mà thôi. Đẻ con, rồi heo cúi, vịt gà. Con trai của mẹ sớm đã có chí lập thân. Phải tội mẹ nghèo, học xong cấp ba thì con đi lên Sài Gòn kiếm sống. 

Người ta kháo rằng muốn làm diễn viên phải đi học đóng kịch ở Sài Gòn. Con khăn gói lên Sài Gòn để đi làm có tiền học làm diễn viên. Kiếm được miếng cơm manh áo làm con cứng cáp, nhưng làm mềm lòng của mẹ.

Con đi làm thuê làm mướn, chật vật ở xứ người. Bẵng qua mấy năm thì ước mơ tàn lụi. Lắm khi con về quê xem phim cùng mẹ, mẹ thấy ánh mắt của con đượm buồn vời vợi nhìn lơ đãng lên màn hình. Mẹ biết, con chỉ có thể là diễn viên của cuộc đời con, và mẹ là khán giả duy nhất ngồi xem cuộc đời ấy mà thôi. Mẹ lén chui vào mùng nằm chùi nước mắt.

Lần này mẹ mừng. Con trai nhín tiền, nói mẹ đi chơi nhe, con mua vé máy bay rồi, mẹ hổng đi bỏ uổng tiền lắm. Mẹ ừ. Mừng chứ sao hổng mừng. Mẹ đi khoe với bà con dòng họ bên nội lẫn bên ngoại. Chưa hết, gặp ai mẹ cũng khoe. Khoe với ông bán dừa, rồi khoe luôn với con nhỏ bán bún mắm ngoài chợ. Gặp ai thì kiếm cớ hỏi này hỏi nọ, vậy chứ chú/thím/con biết Đà Nẵng chưa? Chưa hả? Mèn ơi, chị/bác/dì/thím sắp đi ra ngoài đó nè. Có mần ăn gì đâu, đi du lịch chơi thôi. Con trai nó bao. Đi bằng máy bay…

Hàng xóm tụ tập. Bà con cũng hỏi thăm. Chắc là tò mò, hay là ghen tỵ? Mẹ mặc kệ. Đi máy bay trên trời, chứ phải đi xe đò thì khoe làm gì cho hao nước miếng! Mẹ không dám kể lại với con chuyện người ta thắc mắc, sợ nó mặt mày chù ụ khi biết mẹ khoe. Khoe gì nỗi mà khoe. Máy bay giá rẻ, chẳng dám mua thêm hành lý ký gửi sợ tốn tiền nữa kìa mẹ!

Mẹ khoe con, chứ khoe làm chi chuyến đi du lịch, càng khoe làm gì chiếc máy bay đâu phải sở hữu của mẹ. Mẹ mát lòng khi người ta xúm vào chắt lưỡi hít hà, con trai có hiếu quá trời quá đất!

Vậy là mẹ bắt vịt nấu cháo, mời người ta ở lại. Không dám nói là tiệc tùng, chỉ nói đại khái rằng thôi thì huỡn huỡn ở lại ăn cháo vịt chơi! Cứ như là mẹ sắp từ biệt họ để đi nước ngoài không bằng.

Khách khứa về rồi, mẹ ngồi rửa chén và khóc một mình. Mẹ sợ tốn tiền của con. Nghe bà con tới chơi nói rằng có người phải bán vàng để mua vé máy bay. Mẹ sợ điếng hồn. Vội vàng nín khóc, hỉ mũi, chùi tay vào quần, mẹ vào buồng lục tìm khoen vàng mẹ may giấu trong lớp áo bà ba để phòng khi gia đình có người đau yếu. Mẹ xỏ nó vào ngón tay, lẩm bẩm, thôi kệ, lên Sài Gòn rồi bán cũng được…

Mẹ lấy cớ đường xa, lên Sài Gòn trước một đêm để được ở với con. Con trai nằm kế bên, thình lình quay sang ôm mẹ chặt cứng. Nó cười hăng hắc, nói mẹ nôn lắm sao mà ngủ hông được, lêu lêu, con nít sáu mươi tuổi đây nè! Tổ cha mày…

Mẹ nằm im nghe con ngáy đều đều, rồi lén rờ bàn tay của con. Lâu rồi mẹ chưa đụng vào da thịt của con. Bàn tay chai sần, nóng hổi. Mẹ nghe như máu thịt của mình đang tan chảy dần sang bàn tay của con. Người ta giàu có cho con cái của mình bàn tay hồng hào phúc đức. Mẹ nghèo hèn chỉ đủ mua phong trần chai sạn vào lòng bàn tay của con mà thôi.

Con trai của mẹ nằm nghiêng một bên. Sống mũi cao cao, trán rộng ngang tàng. Mẹ thèm được vuốt lên tóc của nó một chút, rồi hít vào trán của nó, ngửi mùi mồ hôi của nó, nghe mùi nắng Sài Gòn làm săn lại những vết chân chim bên khóe mắt của nó. Mẹ chỉ dám nhìn, không dám chạm vào con, sợ nó trở mình, sợ nó buông mình ra rồi lăn qua bên kia ngủ tiếp.
Mẹ thao thức suốt cả đêm, ước gì ngày nào mình cũng có cớ đi du lịch như thế này để được nằm bên con. Đó là ước mơ xa xỉ, còn hơn cả việc đi máy bay. Sài Gòn rộng lớn biết bao, cuộc đời bất tận. Đêm trường rồi khép lại, bình minh sẽ đưa con đến tận đâu, hả con?

Lúc ra sân bay, mẹ sợ thiệt. Thấy ai ai cũng ăn mặc xinh đẹp, giàu sang, đi ngang bốc mùi thơm phức. Nghe giọng cô nào đó phát loa báo hành khách lên chuyến bay này chuyến bay nọ, lại thấy người ta nói tiếng tây xí xô xí xào. Mẹ sợ quéo cả người. Sợ người ta hỏi mình không biết đường trả lời. Mẹ bám vào tay con.

Cô gái ở quầy kiểm tra vé quát vào mẹ. Dì này, kỳ vậy nè! Giấy chứng minh nhân dân hết hạn từ đời cố lũy nào, lúc con còn chưa sinh ra nữa là, vậy làm sao mà đi được! Quái lạ, đi xe đò có ai kiểm thẻ căn cước của tui đâu cô! Dì này, kỳ vậy nè! Đi máy bay chứ phải xe đò sao dì nói!

Con trai đứng bên năn nỉ, em thông cảm, mẹ anh ở quê ra, anh lại sơ ý mua vé mà quên hỏi mẹ giấy tờ! Thông cảm gì mà thông cảm… Ngó mặt ra chợt thấy anh chàng đẹp trai, nên cô dịu giọng, thôi anh lại đằng phòng vé, đổi vé ngày mai đi, rồi tranh thủ làm một tờ đơn xác nhận bà này là bà này nè, không có đi tù phạm tội gì hết… Trời, đi máy bay phải xét cả tù tội nữa hả con?

Con buồn vì phải tốn thêm tiền đổi ngày đi. Mẹ mừng thầm vì lại ở được với con thêm một đêm, được nhìn cái trán rộng, sống mũi cao của nó cho đến sáng. Nhưng lại sờ sợ, vì thời gian cứ trôi. Đêm trường sẽ hết và ngày mới lại bắt đầu. Mẹ bỏ bàn tay của con ra, lúc con vừa trở mình ban sáng…

Hôm sau mẹ con ra sân bay lần nữa. Mẹ lập cập trình tờ giấy nhăn đùm mà thằng cháu cố công chạy ra công an xã chứng nhận lúc nửa đêm rồi hộc tốc chạy xe máy một lèo lên Sài Gòn để trao tận tay cho bà dì để đi máy bay. Lạ thiệt, lần này cô gái kiểm tra vé chỉ nhìn con trai của mẹ chằm chằm, cười tươi roi rói, nói anh đi vui vẻ nhe. Vậy là xong. Tự nhiên mẹ thấy mừng mừng, thì ra con mẹ trông cũng bảnh bao. Bây giờ mẹ mới nhìn kỹ con. Nó đẹp trai thiệt, ăn mặc lịch thiệp đàng hoàng, nào ai dám nói nó là con của bà già nhà quê như mẹ nữa.

Nhưng mẹ lại chạnh lòng. Quần áo bóng bẩy này phải đổi bằng những vết chai sạn trong lòng bàn tay, mà lẽ ra tất cả những chai sạn đó phải thuộc về phần của mẹ. Như quán tính, mẹ nắm lấy bàn tay con, sợ rằng vết chai sần đó sẽ thuộc về người khác…

Chân mẹ quíu lại khi bước lên cầu thang chiếc máy bay. Sao chiếc máy bay này dài thòng bằng mấy chiếc xe đò vậy ta? Mẹ lóng ngóng đi đằng trước. Con trai lịch sự nhường đường cho một cô gái trẻ đẹp nũng nịu nên đứng lại đằng sau. Một ông tây hỏi mẹ cái gì đó, mẹ ậm ừ, nói bừa, dạ tui đi Đà Nẵng chú ơi! Chú đi đâu mà có mình ên vậy hả? Anh thanh niên đứng kế bên cười sằng sặc, bà bác ơi, ổng hỏi bác ngồi ghế số mấy, phải 9A không? Dạ, vậy ha? Mèn ơi, bác có biết đâu nè con, bộ không phải ngồi ghế nào cũng được hả con?

Mừng quá, con trai đến rồi. Nó cười cười, nói con nhỏ đằng sau dễ thương ác đạn thiệt! Nhìn theo ánh mắt của con, mẹ thấy cô gái đang cong môi đỏ chót với con của mình. Xem ra con cái nhà giàu có, son phấn đủ đầy, nhưng sao ăn mặc lại kém cỏi đến thế, không sợ đi máy bay lạnh run người sao mặc chi cái áo mỏng mảnh thế hở con?

Mẹ nén tiếng thở dài, chẳng trông mong đứa con gái đó để mắt đến con của mình. Quần áo lượt là của con trai cũng chỉ là quần áo che đậy thân thể mà thôi. Tự nhiên mẹ muốn mua hai tờ vé số, giống như bữa hổm ngồi chồm hỗm ở bến xe chờ con trai đến đón, mẹ mua cầu may hai tờ vé số vậy mà. Có tiền rồi mẹ sẽ hỏi cuộc đời bao nhiêu tiền một vết chai sạn trong lòng bàn tay của con. Và mẹ cũng sẽ nắm lấy tay con đi lên Sài Gòn hỏi trường nào dạy con tôi đóng kịch, để được một lần con hát trên vô tuyến cho mẹ xem. Mẹ quay qua con càm ràm, quái lạ, bến máy bay này không bằng một góc bến xe miền Tây, muốn mua vé số ở đây cũng khó nữa con ạ!

… Con trai dắt mẹ vào ghế ngồi cạnh cửa sổ, rồi vòng người qua để thắt dây an toàn cho mẹ. Mẹ bảo, thôi cứ để thí đại nó đi, cột lại không thoải mái cái bụng con à! Con cười ha hả, mẹ ơi, phải thắt dây lại cho an toàn, nếu không sẽ té nhủi về phía trước hay bay bổng lên trên khi máy bay có chuyện bất thường! Ấy chết, đừng có nói chuyện gở như vậy nghe con!

Máy bay chạy ào ào trên đường băng. Mẹ không dám nhìn ra bên ngoài. Tự nhiên mẹ sợ. Nó chạy nhanh hơn xe đò nhiều lắm, đèn bên trong lại bị tắt tối mờ mờ, nhìn sang con chỉ thấy nó đang mỉm cười nhìn mẹ. Ánh mắt của nó trong veo, hệt như năm lên sáu tuổi mẹ dắt nó băng qua bờ cơm nếp ngoài đồng để đến trường và nó ngây ngô hỏi, mình đi qua nhà ngoại chơi hả mẹ? Không phải, mẹ dắt con vào đời từ đây con nhé! 

Máy bay bỗng đột ngột cất mình lên. Đôi tai của mẹ lùng bùng như có ai lấy bông cỏ may ngoái vào. Trời đất đảo lộn tùm lum. Sài Gòn nhỏ xíu xanh xanh, ngang hông mẹ là mây lớp lớp. Máy bay rùng rùng đi vào đám mây trắng xóa, Sài Gòn mất tiêu. Tim mẹ đập thình thịch. Mẹ chưa từng lên cao như thế này bao giờ. Nếu lỡ máy bay lên cao hết nổi nữa thì sao? Thì nó sẽ rớt tan tành chứ sao!

Mẹ hoảng sợ. Mẹ niệm kinh cứu khổ cứu nạn, lạy đức Quan Thế Âm từ bi cứu lấy con trai của con, con chí thành đảnh lễ, nguyện cầu cứu giúp con trai của con! Mẹ muốn quay qua con và nói, thôi con ơi, mình về nhà thôi con ơi! Con trai của mẹ không thể nào rớt ịch xuống đất được! Vầng trán đó, sống mũi đó là của con. Con là diễn viên của cuộc đời riêng con. Mẹ không thể nào đánh mất con được! Mẹ giơ tay lên, muốn chạm vào da thịt của con, mẹ không thèm đi máy bay, mẹ cũng không thèm đi du lịch!

Máy bay vẫn bay đều đều, bồng bềnh lâng lâng trong những tầng mây. Tay mẹ bất chợt nằm gọn lỏn trong bàn tay của con, nằm thật ngoan trong những vết chai sạn của cuộc đời.

Hãy để con dắt mẹ đi 700 cây số cuộc đời mẹ nhé! Chỉ 700 cây số trong khoảng một tiếng đồng hồ, như mẹ từng nắm tay con đi hơn vạn dặm, từ hồi lẫm đẫm tập đi cho đến khi giang hồ bụi bặm. Con cầm bàn tay run run của mẹ và bước vào cuộc đời.

… Lần đầu mẹ đi máy bay. Lúc sáu mươi tuổi, tóc mẹ bạc tựa mây bên trời.

Nguyễn Hồng Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *