Lòng tự trọng và trách nhiệm người thầy
Bằng năng lực được tích lũy và khẳng định trong 30 năm giảng dạy, một PGS, TS (hiện là Chủ nhiệm Bộ môn ở học viện lớn, chuyên đào tạo các cán bộ ngành tài chính cho cả nước) được trường đại học ngoài công lập mời kiêm chức Chủ nhiệm khoa chuyên ngành, với mức thu nhập làm thêm tới 20 triệu đồng/tháng, tức gấp đôi số lương chính thức. Công việc đã khiến ông không còn thời gian nghỉ ngơi, nhưng cho phép ông thỏa đam mê nghề nghiệp và có thêm thu nhập. Tuy nhiên, vừa rồi gặp lại ông thì được biết, ông đã bỏ việc làm thêm tại trường đại học kia. Hỏi lý do, ông bảo thấy lòng tự trọng bị tổn thương trước hoạt động đào tạo của trường.
Để giảm tải chi phí cho nhà trường trước áp lực giảm nguồn sinh viên tuyển đầu vào, lãnh đạo trường đã thẳng thừng cắt giảm nội dung và số tiết giảng nhiều môn học, bỏ mặc sinh viên tự thực hiện kỳ thực tập tốt nghiệp không có giáo viên hướng dẫn. Lo ngại chất lượng đào tạo khó mà bảo đảm và khó mà thanh thản khi ký những quyết định liên quan với tư cách Trưởng khoa chuyên môn, ông đã nhiều lần kiến nghị việc này với lãnh đạo trường, nhưng không được chấp nhận. Vì vậy, ông đã đơn phương tự rút khỏi vị trí mà không phải ai cũng dễ dàng có được, đồng nghĩa với việc tự cắt giảm 2/3 tổng thu nhập hằng tháng đang ổn định của mình.
Mang câu chuyện này kể cho một nhà báo. Ông góp thêm chuyện “mắt thấy tai nghe” khác, cũng về một trường đại học ngoài công lập, do một doanh nghiệp mua lại từ tay người sáng lập vốn là một nhà giáo lâu năm. Khi có quyền trong tay, nhà đầu tư – ông chủ mới – đã thẳng thừng cho nghỉ việc và thậm chí lệnh cho bảo vệ trường “cấm cửa” toàn bộ giáo viên cũ của trường, bất chấp những công lao, kinh nghiệm, tâm huyết và mối quan hệ thầy – trò bao năm xây dựng, gây nhiều bức xúc xã hội ở địa phương và trong ngành…
Hai câu chuyện trên tuy khác nhau về vị thế chủ động và bị động, nhưng đều có chung nguyên nhân từ người đứng đầu nhà trường là nhà đầu tư – doanh nghiệp, lấy mục tiêu “hạch toán kinh tế” làm đầu. Đây cũng là một phần nguyên nhân gây hiện tượng hàng trăm nghìn sinh viên đã ra trường thất nghiệp, dù thị trường luôn thiếu hụt các lao động được đào tạo chuyên môn cao.
Chất lượng giáo dục tùy thuộc rất lớn vào nội dung, phương pháp và khả năng truyền tải kiến thức của người thầy. Khi người thầy còn giữ được tâm huyết, lòng tự trọng và trách nhiệm nghề nghiệp thì đó là phúc lớn cho “nguyên khí” nước nhà. Nền giáo dục quốc gia sẽ đi về đâu khi bị nhà đầu tư tham gia xã hội hóa kiểu “doanh nghiệp hóa”, quyết định quy trình và nội dung đào tạo tại cơ sở của họ chỉ vì mục tiêu lợi nhuận. Việc cắt xén giờ và nội dung giảng dạy; tình trạng thiếu hụt những nhà giáo có trách nhiệm và trình độ trong chương trình đào tạo có thể giúp nhà trường tiết kiệm chi phí, song điều đó có nghĩa những “lò đào tạo” kiểu này sẽ dẫn đến những sản phẩm giáo dục không đạt chuẩn.
Những khoản nợ dưới chuẩn đã, đang và sẽ tạo khủng hoảng nợ, gây đổ vỡ dây chuyền tệ hại trong ngành ngân hàng và nền kinh tế. Những sản phẩm giáo dục rẻ tiền, thiếu chuẩn, nhất là do hành xử phi giáo dục của nhà đầu tư trong ngành giáo dục các cấp, sẽ báo trước không chỉ những thất bại trong kinh doanh của họ, mà còn để lại nhiều hệ lụy đắt đỏ lâu dài cho ngành giáo dục nói riêng, cho xã hội nói chung.
Tin cùng chuyên mục:
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt