Lại là Nguyễn Quang Lập – Chủ blog Quê Choa

Người xem: 268

Cuteo@


Entrry này được trích nguyên văn từ một bài viết của nhà văn Chu Giang trên Tạp chí Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh về nhân vật Nguyễn Quang Lập.


BÔI NHỌ CẢ CHẾ TIÊN SINH

Quyển Chân dung nhà văn do Nhà xuất bản Văn học in nhưng không phát hành, đã tự tiêu hủy lâu rồi. Tác giả cuốn sách, người đứng ra in sách và rất nhiều người được dựng chân dung… cũng đã qua đời. Nên để cho các vị được yên nghỉ. Nhưng vừa rồi, khi nhắc đến Xuân Sách, Nguyễn Quang Lập cho rằng Chân dung nhà văn là rất trúng rất đúng, rất hay, rất đau. Rằng anh Xuân Sách sống đôn hậu, người ta chỉ làm phiền anh chứ anh có làm phiền ai đâu, thế mà cũng lắm kẻ không ưa, rằng đám tang anh thiếu vắng rất nhiều người… rằng “… phàm là nhà văn, được Xuân Sách “bôi xấu” là vinh dự, sao lại ghét anh. Suy cho cùng, đám nhà văn được anh “bôi xấu” trừ một vài người, còn lại văn tài cũng có ra gì đâu mà tự ái”. Cũng đoạn văn này, trên Blog Quê Choa viết “khủng” hơn “Suy cho cùng, đám nhà văn được anh bôi xấu, trừ một vài người, còn lại văn tài, tư cách cũng có ra cái đéo gì đâu mà tự ái”.

Trên Blog Quê Choa tác giả còn viết: “… một thiên tài sinh nhầm thời, ra sức chạy vạy cho hợp thời, cuối cùng chẳng được cái gì sất trước khi tan thành tro bụi. Than ôi Chế tiên sinh, tiếc cho Người lắm thay!

Như vậy là vẫn còn sự ngộ nhận về Chân dung nhà văn, ngộ nhận về Chế Lan Viên. Ngộ nhận về một vài chi tiết thì có thể bỏ qua. Nhưng đánh giá sai hẳn về nhân cách nhà thơ như Chế Lan Viên, thì cần phải nói lại cho rõ. Bởi Chế Lan Viên đã và sẽ còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa, văn học ở nước ta hôm nay và lâu dài về sau: “Kỷ niệm 90 năm sinh Chế Lan Viên (1920-2010) ta càng hiểu hơn tầm cao rộng của một sự nghiệp trước tác đồ sộ, phong phú, đa dạng của một bậc thầy lớn. Những ảnh hưởng thật quý giá mà nhà thơ đã mang lại cho thơ hiện đại Việt Nam, không chỉ ở thế kỷ XX, mà chắc chắn sẽ còn nhiều năm tháng nữa với chúng ta trong thế kỷ này”.
(Tạp chí Thơ. Hội Nhà Văn Việt Nam số 11-2010)

Cần trở lại một chút về tác giả Chân dung nhà văn:

Anh Xuân Sách họ Ngô sinh ngày 4-7-1932. Mất ngày 2-6-2008. Quê anh ở Nông Cống – Thanh Hóa. Nói đến Thanh Hóa, người ta không thể quên được Trạng Quỳnh – Xiển Bột. Truyện Trạng Quỳnh – Xiển Bột là truyện trào phúng với tiếng cười sảng khoái có sức mạnh phi phàm, giết chết cả vua chúa:

Trạng chết chúa cũng băng hà
Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn.

Biệt tài của Trạng Quỳnh – Xiển Bột là tìm ra được những nét, những chi tiết, những mảnh vụn… của đối tượng và đời sống, sắp xếp lại thành ý tứ, đánh đổ, giết chết đối tượng. Những truyện Ăn cắp mèo, Dâng canh cải cho vua, Tiên sư cha thằng bảo thái,… là tiêu biểu. Anh Xuân Sách thừa kế được chất Trạng Quỳnh trong Chân dung nhà văn của mình. Chỉ với những tên tác phẩm của một tác giả, hoặc một đặc điểm gì đấy trong con người tác giả mà sắp xếp lại, tạo thành một chân dung, tính cách của tác giả đó. Có trúng, có đúng hay không, đúng đến đâu … thì còn phải bàn. Nhưng đọc lên là cười… cười chảy nước mắt. Người này thì cười nhưng người kia thì tím ruột bầm gan. Chẳng hạn câu “Đất làng có một tấc/ Bao nhiêu người đến cày”… thì cười cho ai? Đau cho ai? Thấy nhà văn nọ có cài đầu hói, mà nói “Mao đầu tận lạc tạo mao luân”… thì cười cho ai? Đau cho ai? Đến câu “Lựa sắc nắng trên đầu mà đổi sắc phù sa” hoặc “Bình thơ đến thuở bạc đầu/ Cũng không thể tất một câu nhân tình”,… thì không còn là cười cợt nữa, mà là bỉ báng rất nặng… có phải là trúng quá, đúng quá, hay quá hay không? Chỗ này phải nhìn nhận thật nghiêm túc. Rằng hay thì thật là hay/ Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào (Kiều). Hay thì thật hay. Giỏi thì thật giỏi nhưng không đúng, mà đầy đố kỵ. Chỉ xin lấy vài trường hợp để cùng xem xét.

Ai cũng biết câu “Lựa sắc nắng trên đầu mà đổi sắc phù sa” là chỉ Chế Lan Viên. Bản chất, nhân cách của Chế Lan Viên có phải như thế không? Nếu xem xét cuộc đời và toàn bộ thơ văn của Chế Lan Viên thì câu trên nếu không phải là hời hợt nông nổi thì là sự xuyên tạc vu khống. Xưa nay, con người nói chung và đặc biệt là kẻ sĩ, giới trí thức, rất khinh bỉ sự giả dối, đón gió trở cờ, theo đóm ăn tàn. Phẩm chất cao quý nhất của con người là sự chân thực, trung thực. Vì nếu không có phẩm chất này thì con người đó sẽ là giả dối. Một người trí thức, một nhà văn nhà thơ mà cơ hội, giả dối thì nó là cái gì? Có ích gì cho người đọc, cho xã hội?

Chế Lan Viên mất ngày 24-6-1989, đã hơn hai mươi năm. Tro hài cốt của ông đã được thả xuống sông Sài Gòn – hẳn là theo lời dặn của ông – (Xem Cha tôi – Phan Thị Vàng Anh. Tạp chí Thơ số 11 năm 2010, tr.62). Tác phẩm của ông đã được xuất bản thành toàn tập. Nghiên cứu, viết về ông thì rất nhiều. Đủ điều kiện để đánh giá về ông. Đó là công việc của nhà nghiên cứu. Ở đây tôi chỉ dẫn một chi tiết, để xem Chế Lan Viên có phải con người lựa nắng đổi màuhay không? Chế Lan Viên có câu thơ: Người thay đổi thơ tôi/ Người thay đổi đời tôi… Nhưng thay đổi như thế nào? Nói thì dễ, nhưng hành động, cuộc sống thì không dễ chút nào. Chế Lan Viên có bài thơ “Kết nạp Đảng trên quê mẹ”. Vì sao ông vào Đảng. Đó là, sau một đêm đi với đơn vị Vệ quốc đoàn, đánh đồn giặc, chứng kiến và rung cảm mãnh liệt trước sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ ông đã tình nguyện xin vào Đảng. Lúc đó tình nguyện xin vào Đảng là tình nguyện chấp nhận gian khổ, hy sinh như các chiến sĩ đã ngã xuống trong chiến trận, đâu phải vào Đảng để ngồi thảnh thơi mà làm thơ làm phú. Sự thay đổi của Chế Lan Viên, là đi từTa là ai đến Ta vì ai: Ta là ai một câu hỏi siêu hình/ Ngọn gió hư vô thổi nghìn nến tắt/ Ta vì ai khẽ xoay chiều ngọn bấc/ Bàn tay người thắp lại vạn chồi xanh… Từ chữ là đến chữ vì là một cuộc cách mạng thật sự. Đâu chỉ là chữ nghĩa.

Có thể biện hộ rằng khi viết chân dung Chế Lan Viên, Xuân Sách chưa được đọc Di cảo, chưa có Toàn tập Chế Lan Viên… không được đâu. Hoặc là anh Xuân Sách chưa hiểu cuộc đời Chế Lan Viên, hoặc là do một sự đố kỵ nào đấy. Chỉ cần nêu một chuyện Chế Lan Viên xin vào Đảng ở mặt trận Quảng Trị chứ không phải ở trụ sở Hội Nhà văn sau ngày Hòa bình… cũng đủ hiểu được con người Chế Lan Viên. Dựng chân dung một con người phải hiểu sâu sắc về họ tìm ra được những nét đặc trưng bản chất nhất của họ chứ không phải là suy bụng ta ra bụng người mà lắp ghép những tiểu tiết theo ý định chủ quan của mình.

Chúng tôi thấy cần phải nói lại câu trên mạng đã viết về Chế Lan Viên: … một thiên tài sinh nhầm thời, ra sức chạy vạy cho hợp thời, cuối cùng chẳng được cái gì sất trước khi tan thành tro bụi… Một thiên tài như Chế, cần gì phải chạy vạy cho hợp thời. Để được cái này được cái kia. Chế tiên sinh đâu phải người như thế. Ông Trần Trọng Tân – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, người đã chứng kiến lễ kết nạp Đảng cho Chế Lan Viên đã kể lại rất xúc động trong đoạn hồi ức “Tôi biết về Anh” đã đăng trên Văn Nghệ số 26 ngày 26-6-1999. Vì không phải ai cũng có điều kiện đọc lại số báo trên nên xin tóm lược: Năm 1949, mặt trận Quảng Trị tiếp đón một số văn nghệ sĩ từ Khu IV vào, trong đó có Chế Lan Viên. Đã biết tiếng Chế Lan Viên, ông Trần Trọng Tân gợi ý muốn Chế Lan Viên vào Đảng. Chế Lan Viên bảo: Lúc Đảng khó khăn, mình đã không vào. Nay Đảng mạnh rồi, mà xin vào thì thành ra người xu thời. Nên muốn làm một người Cộng sản người Đảng. Chế Lan Viên xin xuống một đơn vị cơ sở và gặp một tình huống: Một tiểu đội được lệnh đi đánh đồn Tà Cơn, cần ba chiến sĩ cảm tử. Đồng chí Bí thư chi bộ nêu yêu cầu xong thì tất cả tiểu đội đều giơ tay xung phong. Vì vậy phải bốc thăm lấy ba người. Đêm đó trận đánh thắng lợi. Nhưng hai trong số ba chiến sĩ cảm tử đã hy sinh. Chế Lan Viên rất xúc động. Sau đó mấy hôm ông nói với Trần Trọng Tân: Không thể đứng ngoài Đảng được mà phải xin vào Đảng. Phải đứng trong hàng ngũ của Đảng. Và Chế Lan Viên đã được kết nạp vào Đảng ở cơ quan Tỉnh ủy Quảng Trị. Ông đã ôm hôn cờ Đảng và khóc mộc cách chân thành. Chế Lan Viên là như thế. Trong đời mình, nếu Chế phải chạy vạy, thì chỉ là chạy vạy với thời gian để học và làm việc. Ông “… học văn chương và cả những gì dường như văn chương không bao giờ thèm đụng tới. Cho đến lúc gần bảy mươi tuổi, cha tôi vẫn là một học trò ngoan, bất chấp tuổi già mà len lỏi vào bất cứ góc nào của khu vườn văn hóa”, “Phải học, học không phải để vui mà để không ai giết được mình”. Học để thành người. (Cha tôi – Phan Thị Vàng Anh, tạp chí Thơ số 11 – 2010, tr.62). Chế tiên sinh được gì ư? Không được gì ư? Hãy đọc ông:

Anh tồn tại mãi
Không bằng tuổi tên
Mà như tro nguội
Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên

Nếu chưa có điều kiện tìm hiểu đầy đủ về Chế Lan Viên, thì hãy hiểu lấy vài ba câu như thế.

Các chân dung về Tố Hữu, Huy Cận, Hoài Thanh… đều không đúng, mà đầy sự đố kỵ. Nếu viết rằng “Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt/ Máu ở chiến trường hoa ở đây” thì không phải là chuyện hiểu hay chưa hiểu đời và thơ Tố Hữu mà đó là sự cắt xén, xuyên tạc. Xin nói với đông đảo bạn đọc trẻ như thế này: Khi anh Xuân Sách còn tung tăng cắp sách đến trường thì tác giả Gió lộng đang bị thực dân Pháp giam cầm trong tù ngục, ông đã vượt ngục, trở lại hoạt động… Trong kháng chiến chống Mỹ, ông đã vượt Trường Sơn vào tận Tây Ninh – Chiến khu anh hùng và ác liệt – để hiểu, chia sẻ, động viên chiến sĩ. Câu thơ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai và tập thơ Nước non ngàn dặm ra đời từ đó và cuối đời, Tố Hữu đã viết: Sống là cho mà chết cũng là cho. Đâu phải Tố Hữu là người chỉ ngồi một nơi “Tọa hưởng kỳ thành” – “Máu ở chiến trường hoa ở đây”. Dựng chân dung như thế là cắt xén, xuyên tạc, áp đặt, sao lại là trúng quá – đúng quá, hay quá… được!

Xưa Trạng Quỳnh chỉ đánh vào đám cường quyền, bạo chúa, đám trọc phú rởm đời, vào cái Xấu cái Ác… Còn nay thì Xuân Sách đả kích vào đồng chí – cùng là đảng viên, đồng nghiệp – cùng là nhà văn và đồng sự – cùng một cơ quan như anh Xuân Thiều. Tiếc cho cái tài của anh dùng không đúng chỗ. Anh đã không tỉnh. Anh đã để cho những người cơ hội, hẹp hòi, đố kỵ tâng bốc, tung hô và lợi dụng. Thời điểm anh cho ra chân dung nhà văn là cực kỳ phức tạp và căng thẳng Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ Cả thế giới bị rung động. Ở Việt Nam, những người cơ hội và cực đoan ầm ĩ đả kích vào những uy tín lớn của văn học cách mạng mà họ cho là quan phương phải đạo, minh họa, phục vụ chính trị… Được “Chân dung nhà văn” của anh thì họ mừng lắm. Họ tâng bốc, tung hô anh. Đòi phong anh hùng và dựng tượng vàng cho anh nữa đấy. Họ mượn tay anh đấy thôi. Anh mang tiếng mà họ được việc. Của người phúc ta mà! Thương cho anh là thế. Anh đã không tỉnh. Tài năng có cao có thấp, có sự khác nhau, sở trường sở đoản là chuyện thường, là quy luật. Nếu văn tài của người khác mà “không ra gì” thì có nên “bôi xấu” họ không? Người có lòng nhân ái, có bụng liên tài, không ai làm thế. Còn nếu tư cách của họ “có ra cái đéo gì…” thì anh có quyền phê phán, chê trách, có thể “bôi xấu” cũng được. Nhưng phải đúng. Phải có cơ sở. Phải tâm phục khẩu phục, nói có sách mách có chứng… Khi còn sống, cụ Hoài Thanh bảo viết chân dung như vậy là nói OAN, nói ÁC cho cụ. Ở thế giới bên kia anh sẽ trả lời cụ thế nào? Nếu tỉnh ra, nghịch thì cứ nghịch – dân xứ Thanh, con cháu Trạng Quỳnh là thế – nhưng anh bảo với họ rằng: Đây là chuyện vui chuyện phiếm nơi bàn trà quán nước, chuyện vỉa hè, nghe đâu bỏ đó… thì hay biết mấy. Thì họ vẫn có trò để chơi, có hàng có họ để buôn dưa lê… Anh chỉ mang tiếng nghịch ngợm theo máu Tổ Trạng Quỳnh, người đời sẽ thông cảm cho anh. Anh bày trò chơi cho họ, anh phải cao hơn họ. Phải biết chơi cái gì, chơi đến đâu, việc gì anh phải chiều lòng họ. Anh dễ tính quá.

Đám tang anh Xuân Sách không phải thiếu vắng rất nhiều người, mà đông người. Tôi đã đến với Anh hôm đó, tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn. Gặp nhà văn Nguyễn Anh Biên ở đó. Anh Nguyễn Văn Biên – Bố nhà thơ Nguyễn Bảo Chân – là người nhà anh Xuân Sách.

Hôm đó, gia đình đưa anh Xuân Sách về quê chôn cất. Trên bàn thờ ở Nhà tang lễ hôm ấy có dòng chữ “Vô Cùng Thương Tiếc Cụ Ngô Xuân Sách”, không kèm theo chức danh chức tước gì cả. Chắc chắn đây là ý nguyện của anh, con cháu phải thực hiện. Và như thế là rất đúng, rất hay. Ồn ào mà làm chi. Bạn bè, người quen, kẻ thuộc, bạn đọc… ai biết thì đến. Thế thôi! Nếu đăng cáo phó, rồi Hội và cơ quan và gia đình cùng tổ chức tang lễ ở Nhà tang lễ quốc gia thì cũng được cũng thừa được. Nhưng sẽ phiền toái lắm. Trong đời anh Xuân Sách, cái đúng nhất, hay nhất, chính là đám tang của anh. Anh muốn trở về với cát bụi như một con người bình thường, như hàng vạn hàng triệu con người bình thường khác. Tôi thực sự xúc động và tâm niệm sẽ noi theo gương anh. Ta đến với cuộc đời này với hai bàn tay trắng và ra đi cũng với hai bàn tay trắng… Phật bảo thế và đúng là như thế. Mọi được mất, buồn vui, hay dở… Xin để lại cho Đời.

Trong lễ tưởng niệm mười năm ngày mất của Chế Lan Viên tại Thành phố Hồ Chí Minh do Trung tâm nghiên cứu quốc học tổ chức, nhà văn Vũ Thị Thường – quả phụ của nhà thơ – có nói, ông dặn lại vợ con là “không được quên ơn ai và cũng không được thù hận ai”. Chắc chắn ở thế giới bên kia, Chế Lan Viên sẽ khoan dung, dang rộng tay đón anh Xuân Sách với tấm lòng nhân ái của mình – Chúc các Anh ngàn thu vui vẻ. 

Được đăng bởi THANH DANH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *