KHÔNG THU HỒI BẰNG TIẾN SĨ CỦA ÔNG NGUYỄN CẢNH LƯƠNG

Người xem: 143

Vụ “đạo văn” của Hiệu phó trường Đạị học Bách khoa: Không thu hồi bằng Tiến sĩ!

(PetroTimes) – Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) công bố kết luận nội dung tố cáo ông Nguyễn Cảnh Lương, Hiệu phó Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội về việc đạo luận án tiến sĩ khoa học Toán. Theo đó, luận án không phải sao chép kết quả, mà chỉ lặp lại lý luận, phương pháp.

Theo nội dung tố cáo, trong luận án phó tiến sĩ toán của ông Nguyễn Cảnh Lương bảo vệ năm 1996 “có dấu hiệu đạo văn và không trung thực của một nhà giáo và đã sao chép lại gần như 100% của rất nhiều nội dung luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải – người trực tiếp hướng dẫn ông Lương”.

Theo đó, năm 1993, ông Nguyễn Cảnh Lương làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của GS Nguyễn Văn Mậu và PGS Đặng Văn Khải với đề tài “Hệ Cauchy-Riemann và hàm chỉnh hình trong đại số Clifford”. Ngoài các kết quả nghiên cứu mới, một số chương mục của luận án được ông này lấy theo phương pháp của PGS Đặng Văn Khải, R.Delanghe cùng một số tác giả khác.

Ảnh: Ông Nguyễn Cảnh Lương – Hiệu phó trường ĐH Bách khoa Hà Nôi.

Ông Lương thừa nhận, lúc đó do thiếu hiểu biết về các quy định, tầm quan trọng của việc phải trích dẫn, chú giải đầy đủ, rõ ràng những phần tham khảo cách làm của PGS Khải và các tác giả khác nên có khuyết điểm không thực hiện đúng nhắc nhở của các thầy hướng dẫn và của Hội đồng chấm luận án về việc trích dẫn.

Để có cơ sở đánh giá, xem xét nội dung tố cáo, Bộ GD-ĐT đã đề nghị Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Toán hành lập Hội đồng xác minh luận án tiến sĩ của ông này. Hội đồng này kết luận, kết quả Luận án chủ yếu tập trung tại Chương 1, đáp ứng yêu cầu của Luận án tiến sĩ về toán.

Hội đồng đánh giá, tuy có những thiếu sót trong trình bày ở luận án song chưa đến mức đặt vấn đề xem xét, thu hồi học vị tiến sĩ hoặc miễn nhiệm chức danh phó giáo sư của tác giả.

Theo phân tích của Hội đồng, việc đếm câu chữ trùng nhau trong một công trình toán học rất ít có ý nghĩa bởi nhiều công trình có những câu chữ giống nhau nhưng mang nội dung khác nhau khi nói về những đối tượng khác nhau, và nhiều công trình dùng những lập luận giống nhau, dẫn đến hành văn và câu chữ có thể như nhau.

Theo thông lệ quốc tế, nếu một chứng minh nào đó có thể thực hiện bằng cách lặp lại từng chữ chứng minh của người khác, thì tác giả cần nói rõ điều đó, mặc dù có thể viết vào luận án để chứng tỏ kiến thức của mình và làm dễ dàng cho người đọc. Ông Nguyễn Cảnh Lương đã có thiếu sót là không nói rõ như vậy trong luận án.

Bộ GD-ĐT kết luận, nội dung tố cáo ông Nguyễn Cảnh Lương chỉ đúng một phần, đó là vi phạm quy định về trích dẫn tài liệu. Ông Lương không hề che giấu nguồn gốc tài liệu tham khảo khi đã liệt kê luận án của PGS Đặng Văn Khải tại danh mục tài liệu tham khảo. Vì vậy không đủ cơ sở kết luận ông Lương không trung thực.

Bộ GD-ĐT đề nghị ông Lương liệt kê các nội dung trong Luận án có sử dụng lập luận của PGS Khải, của các tác giả khác và bổ sung trích dẫn theo đúng quy định. Đồng thời, có bản kiểm điểm trách nhiệm cá nhân đối với vi phạm đã kết luận ở trên.

Khánh An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *