NHẬP NHÈM

Người xem: 179

Khoai@


Mấy tuần trước ông Tùng chủ tịch cần lao phát động “Lời kêu gọi ủng hộ chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” để xây dựng đền tưởng niệm 64 chiến sĩ trong trận Gạc Ma (huyện đảo Trường Sa, thuộc tỉnh Khánh Hòa) và hỗ trợ cha, mẹ, vợ, con, thân nhân của những người lính đã hy sinh trong hai trận chiến Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) đang gặp khó khăn trên báo Lao Động ngày 10/3/2014, ngay lập tức đã có những phản ứng, thậm chí rất quyết liệt trong dư luận.



Nhiều người cho rằng đó là một lời kêu gọi nhập nhèm, đánh lận con đỏ con đen và đánh đồng thiện ác.



Một cách khách quan và tôn trọng lịch sử, ta thấy sự kiện Hoàng Sa và sự kiện Trường Sa là hai sự kiện tách bạch không chỉ về mốc thời gian, mà còn ở ý nghĩa lịch sử của nó.



Sự kiện Hoàng Sa



Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc đánh chiếm từ tay Việt Nam Cộng hòa. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa để mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc trước hết là do bị Mỹ bán đứng. Một Việt Nam Cộng hòa quen ăn bám không thể đứng được trên đôi chân của chính mình khi ông chủ ngấm ngầm bật đèn xanh cho Bắc Kinh tấn công xâm lược. Một nguyên nhân khác cực kỳ quan trọng được các nhà sử học và các nhà bình luận quan tâm mổ xẻ là sự hèn nhát, bạc nhược của quân đội ngụy lúc đó, từ chỉ huy đến binh lính. Một quân đội được trang bị hiện đại đến tận răng hơn hẳn Trung Quốc mà nhanh chóng đầu hàng, buông xuôi. Một quân đội tệ hại đến mức không bắn nổi vào địch mà quay súng bắn vào nhau, mạnh ai lấy chạy, bỏ mặc hai tàu bị cháy, bỏ lại toàn bộ người nhái trên đảo (hồi ký của Trung tá Lê Văn Thự). Điều đáng nói trong số đó có cả những chiếc tàu vì sợ hãi, tim đập chân run mà tháo chạy sang đến tận Philippine. Nói như thế để thấy sự phụ thuộc của quân đội ngụy vào Mỹ là thế nào. Nó sẽ bị tan rã ngay cả về tổ chức, tinh thần và ngay cả tình đồng đội khi thiếu đi sự bảo kê của Mỹ. Trong khi đó, một số tướng tá ngụy, sau khi tháo chạy, rũ bỏ trách nhiệm và sống cuộc đời của những kẻ vong nô lại đêm ngày phét lác kể về những “chiến công” tiêu diệt quân đội cộng sản Bắc Việt trên bộ và trên biển. 



Thử hỏi, họ khoác lác như thế thì đâu là “hòa hợp, hòa giải dân tộc”? Quá khứ chĩa súng bắn vào nhân dân, hiện tại vẫn bải lải bài ca chống cộng, vậy vì sao nhân dân phải xây dựng đền thờ cho họ?


Một quân đôi bạc nhược như thế thì người ta chỉ thấy xót xa, tội nghiệp cho 74 tử sĩ kia. Họ đã lầm đường, lạc lối và bị buộc phải cầm súng phục vụ cho một chế độ tay sai hèn hạ.


Sự kiện Trường Sa


Cần khẳng định sự kiện Trường Sa năm 1988 khác hẳn với sự kiện Hoàng Sa năm 1974. Trước sự vượt trội về binh lực của quân đội Trung Quốc, các chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu bảo vệ quần đảo. Sự quả cảm, lòng quyết tâm, sự đoàn kết và tình đồng đội đã giúp cho chúng ta bảo vệ thành công các đảo Colin và Len đao. Do tương quan lực lượng và quá chênh lêch về hỏa lực, đảo Gạc Ma rơi vào tay giặc. 



Nói thêm trong diễn biến sự kiện Trường Sa năm 1988, các tàu của ta đã anh dũng đeo bám trận địa đến phút cuối cùng. Có chiếc tàu của ta bị hỏng nặng nhưng các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam vẫn cố gắng lao tàu lên bãi làm công sự chiến đấu, sau đó đưa xuồng ra cứu đồng đội bị chìm, bị thương…Tuyệt nhiên không có ai tháo chạy, không có ai bị bỏ rơi, không có ai đầu hàng. Đó đích thị là những anh hùng dân tộc.



Kết quả, 64 chiến sĩ đã hy sinh anh dũng vì bảo vệ biển đảo của tổ quốc. Hành động cao cả vì tổ quốc của các anh xứng đáng được nhân dân ghi nhận và tôn thờ.


Nhập nhèm để thờ giặc



Rõ ràng đây là hai sự kiện lịch sử khác hẳn nhau về bản chất, vậy tại sao người ta lại mượn danh “hòa hợp, hòa giải dân tộc” để đánh đồng 2 sự kiện này? Mục đích của họ là gì nếu không phải là đánh đồng các giá trị nhằm vực dậy cái thây ma Việt Nam Cộng Hòa?



Việc tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì tổ quốc là việc nhà nước và nhân dân ta đã làm, đang làm và sẽ tiếp tục làm dưới nhiều hình thức. Việc xây đền tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ Gạc Ma và giúp đỡ thân nhân các gia đinh liệt sĩ cũng là việc nên làm, nó không chỉ là tri ân các liệt sĩ mà nó còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam. Cùng với nó, chúng ta cũng nên tôn trọng các tử sĩ Hoàng Sa bởi dầu sao họ cũng là người Việt, bởi họ bị lầm đường lạc lối, bị dụ dỗ, bị ép buộc, bị lừa phỉnh mà tham gia phục vụ cho quân đội Việt Nam Cộng hòa. Và việc giúp đỡ các thân nhân của 74 tử sĩ Hoàng Sa hoàn toàn không phải là hành động tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì dân tộc, mà nó thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách” đầy tính nhân văn của người Việt Nam. 



Ở đây, bài báo trên tờ Lao Động, không hiểu vì lý do kém hiểu biết, hay sự yếu kém trong tác nghiệp đã nhập nhèm đánh đồng cái thiện với cái ác, anh hùng với tiểu nhân để đánh lừa dư luận. Cái liều của anh phóng viên chính là ở chỗ lợi dụng từ “Hòa giải” để che đậy ý đồ “tìm danh phận cho những người lính Sài Gòn đã ngã xuống trong trận chiến ở Hoàng Sa năm 1974“. Ơ hay, danh phận của lũ hèn, tháo chạy và rũ bỏ trách nhiệm với đất nước đã rõ ràng, sao lại cần làm rõ danh phận? Xin nói thẳng luôn, đó là âm mưu của lũ vong nô và cơ hội chính trị nhằm chia rẽ đoàn kết dân tộc, chia rẽ chính quyền với người dân, khoét sâu mâu thuẫn để đục nước béo cò.

Một blogger nổi tiếng đã nhận xét bài báo trên: “Xét về tình về lý thì những người nào ngã xuống cho đất nước tổ quốc thì đều được cần tôn vinh một cách xứng đáng. Nhưng ngược lại với những kẻ đã thiệt mạng vì mưu đồ và lợi ích của quan thầy chúng thì không bao giờ được xem xét chứ chưa nói đến chuyện tưởng nhớ hay ghi danh. Đó là cái chết vô ích và những người lính đó là nạn nhân. Hãy xem mục tiêu lý tưởng của những con người cầm súng đó thì biết tại sao. Hôm nay chúng ta . thương xót cho những thân phận đó, chúng ta giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn của thân nhân gia đình họ, nhưng đặt họ với những chiến sĩ đã kiên cường đến hơi thở cuối cùng trong các sự kiện sau này là một sự sỉ nhục lớn,sự việc đó là cào bằng xương máu có tội với người đã khuất”.

Đừng nhầm lẫn việc hòa giải dân tộc, gắn kết người Việt toàn thế giới thành một khối thống nhất với việc nhập nhèm đánh giá bản chất các sự kiện. Chuyện gì ra chuyện đó. Ý tưởng của ông Tùng cho dù có xuất phát từ trái tim của ông thì cũng là ý tưởng nhập nhèm. Nó, cái ý tưởng nhập nhèm ấy, bản chất là đang kêu gọi hợp pháp hóa cái thây ma Việt Nam cộng hòa, những kẻ tay sai đã một thời cầm súng bắn vào dân tộc, vào nhân dân, và vào chính các anh hùng liệt sĩ.

Vậy nên,  đừng biến “hòa giải” thành thờ giặc!
—————-
Buôn Ma Thuột 22/3/2014
Bài có sử dụng nhiều tư liệu của các blogger khác

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *