TRUNG QUỐC ĐÃ BẮT TAY VỚI MỸ – ĐÀM PHÁN TRÊN LƯNG NHÂN DÂN VIỆT NAM

Người xem: 128

Nếu trước đây những người lãnh đạo Trung Quốc ngấm ngầm làm yếu cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam thì trong thời kỳ 1969-1973, nhất là từ năm 1971, họ công khai câu kết với đế quốc Mỹ xâm lược, cứu nguy cho chúng trước cuộc tiến công chiến lược mới của nhân dân Việt Nam, lấy con bài Việt Nam để buôn bán với Mỹ.

Năm 1969, cuộc “đại cách mạng văn hoá” ở Trung Quốc về cơ bản hoàn thành. Những người cầm quyền Bắc Kinh bên trong thì ra sức củng cố quyền lãnh đạo của chủ tịch Mao Trạch Đông, ổn định tình hình, đẩy mạnh sản xuất, bên ngoài thì thi hành mọi biện pháp để đẩy nhanh quá trình nhích lại gần đế quốc Mỹ nhằm ngoi lên địa vị một cường quốc lớn, bình thường hoá quan hệ Trung Mỹ và giải quyết vấn đề Đài Loan. Họ mưu toan dùng con bài Việt Nam để đạt mục tiêu đối ngoại đó. Năm 1969 là năm đầu của Níchxơn vào Nhà Trắng. Ông ta đưa ra cái gọi là “học thuyết Nichxơn” nhằm cứu vãn và khôi phục địa vị của đế quốc Mỹ trên thế giới đã bị suy yếu nghiêm trọng do hậu quả của cuộc chiến tranh Việt Nam và bắt đầu thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá” chiến tranh nhằm rút được quân Mỹ ra khỏi miền nam Việt Nam mà vẫn giữ được chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu. Thời kỳ 1969-1973 là thời kỳ nhân dân Việt Nam đẩy mạnh tiến công trên chiến trường cũng như tại Hội nghị bốn bên ở Pari, ngày càng giành thêm nhiều thắng lợi. Đây cũng là thời kỳ Bắc Kinh và Oasinhtơn tăng cường tiếp xúc, bắt tay công khai với nhau, bàn bạc không những các vấn đề tay đôi mà cả các vấn đề thuộc về chủ quyền của nhân dân Việt Nam và của nhân dân các nước ở Đông Dương.

1- Công khai phản bội nhân dân Việt nam

Từ tháng 11 năm 1968, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố tỏ ý muốn nối lại các cuộc đàm phán Trung Mỹ ở Vácsava và cùng với Mỹ ký một thoả thuận cùng tồn tại hoà bình. Tiếp đó phía Trung Quốc đã tích cực đáp ứng những tín hiệu của phía Mỹ. Sau khi lên làm tổng thống, Níchxơn báo cho phía Trung Quốc là các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tiến hành ở Trung Quốc. Phía Trung Quốc đã trả lời là “ bản thân Níchxơn có thể đến Bắc Kinh hoặc cử một phái viên đến để thảo luận về vấn đề Đài Loan” Tháng 6 năm 1970, Trung Quốc và Mỹ thoả thuận là đại sứ Trung Quốc Hoàng Chấn và Kitxinhgiơ sẽ tiến hành những cuộc đàm phán bí mật mỗi lần Kítxinhgiơ đến Pari đàm phán với phía Việt Nam” Ngày 10 tháng 12 năm 1970, qua người bạn thân tín Étga Xnâu, chủ tịch Mao Trạch Đông đưa ra lời mời Tổng thống Níchxơn sang thăm Trung Quốc. : “Ông ta chắc chắn sẽ được hoan nghênh vì hiện nay những vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ phải được giải quyết với Níchxơn” Đây là bước ngoặt của Bắc Kinh có ý nghĩa quyết định trong quan hệ Trung Mỹ, đồng thời là bước ngoặt công khai phản bội cách mạng Việt Nam và cách mạng Đông Dương, phản bội cách mạng thế giới. Bắc Kinh tăng cường các cuộc tiếp xúc công khai với Mỹ: Tháng 3 năm 1971, Trung Quốc mời một đoàn bóng bàn Mỹ sang thăm Trung Quốc, mở đầu cái mà dư luận thế giới gọi là “ngoại giao bóng bàn”. Tháng 7 năm 1971 và tháng 10 năm 1971 Kitxinhgiơ, đặc phái viên của Níchxơn sang Bắc Kinh. Tháng 2 năm 1972, Níchxơn sang thăm Trung Quốc. Thông báo cho phía Việt Nam biết cuộc đi thăm Bắc Kinh lần thứ nhất của Kítxinhgiơ, ngày 13 tháng 7 năm 1971 Đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc đã nói: “ Vấn đề Đông Dương là quan trọng nhất trong cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi và Kítxinhgiơ. Kítxinhgiơ nói rằng Mỹ gắn việc giải quyết vấn đề Đông Dương với việc giải quyết vấn đề Đài Loan. Mỹ nói có rút được quân Mỹ ở Đông Dương thì mới rút quân Mỹ ở Đài Loan. Đối với Trung Quốc, vấn đề rút quân Mỹ khỏi miền nam Việt Nam là vấn đề số 1. Còn vấn đề Trung Quốc vào Liên hợp quốc là vấn đề số 2” Khi Níchxơn kết thúc cuộc đi thăm Trung Quốc, hai bên đã ký Thông cáo Thượng Hải ghi nhận kết quả hội đàm giữa hai bên, trong đó có một đoạn như sau: “Mỹ khẳng định mục tiêu cuối cùng là rút hết các lực lượng và cơ sở quân sự ra khỏi Đài Loan. Trong khi chờ đợi, tuỳ theo tình hình căng thẳng trong khu vực này giảm đi, Mỹ sẽ dần dần giảm lực lượng và cơ sở quân sự của Mỹ ở Đài Loan” Đầu tháng 3 năm 1972, khi thông báo cho phía Việt Nam về cuộc hội đàm vơi Níchxơn, đại diện những người lãnh đạo Trung Quốc đã giải thích về đoạn thông cáo trên như sau: “Muốn bình thường hoá quan hệ Trung Mỹ, muốn làm dịu tình hình ở Viễn Đông thì trước hết phải giải quyết vấn đề Việt Nam và Đông Dương. Chúng tôi không đòi giải quyết vấn đề Đài Loan trước. Vấn đề Đài Loan là bước sau” Thâm tâm của Bắc Kinh là lợi dụng vấn đề Việt Nam để giải quyết trước vấn đề Đài Loan. Nhưng Việt Nam kiên quyết giữ vững đường lối độc lập tự chủ của mình. Do đó những người lãnh đạo Trung Quốc và Tổng thống Nichxơn mới thoả thuận: “Trong khi chờ đợi, tuỳ theo tình hình căng thẳng trong khu vực này giảm đi…” Điều đó có nghĩa là nếu Bắc Kinh muốn thúc đẩy việc rút lực lượng và các cơ sở quân sự của Mỹ ra khỏi Đài Loan thì họ cần ép Hà Nội đi vào một giải pháp thoả hiệp với Mỹ. Phía Trung Quốc dùng “củ cà rốt” viện trợ: nếu năm 1968 vì phản đối Việt Nam đàm phán với Mỹ họ đã giảm kim ngạch viện trợ cho Việt Nam thì năm 1971 và năm 1972, để lôi kéo Việt Nam đi vào chiều hướng của Bắc Kinh thoả hiệp với Mỹ, họ đã dành cho Việt Nam viện trợ cao nhất của họ so với những năm trước đó. Đây cũng là thủ đoạn nhằm che đậy sự phản bội của họ nhằm xoa dịu sự công phẩn của nhân dân Việt Nam. Đi đôi với tăng thêm viện trợ là sự thúc ép liên tục để Việt Nam chấp nhận giải pháp của Mỹ. Ngày 18 tháng 7 năm 1971, phía Trung Quốc thông báo cho phía Việt Nam phương án bốn điểm của Mỹ: rút quân và thả tù binh Mỹ trong 12 tháng kể từ ngày 1 tháng 8 năm 1971, ngừng bắn toàn Đông Dương và giải pháp theo kiểu Giơnevơ năm 1954. Về rút quân, “vì thể diện” Mỹ muốn để lại một số cố vấn kỹ thuật; về chính trị “Mỹ không muốn bỏ Nguyễn Văn Thiệu cũng như không muốn bỏ Xirích Matắc” Trong cuộc hội đàm với phía Việt Nam tháng 11 năm 1971 họ nói: “Việt Nam nên tranh thủ thời cơ giải quyết trước vấn đề rút quân Mỹ và quan tâm giải quyết vấn đề tù binh Mỹ, việc đánh đổ nguỵ quyền Sài Gòn là lâu dài” Cũng trong dịp này, sau khi nhắc lại ý của phía Mỹ là “Mỹ có nhiều bạn cũ, Mỹ phải giữ” chủ tiach Mao Trạch Đông nói: “Vấn đề Đài Loan là vấn đề trường kỳ. Có lẽ mấy năm không giải quyết xong. Nếu xét nhanh hay chậm thì tôi thiên về chậm hơn. Hiện nay Tưởng có 65 vạn quân, ở giữa lại có eo biển. Chúng tôi không sang được, nó vẫn cứ đóng ở đó, chổi không đến nơi thì bụi không đi” Sau khi Níchxơn kết thúc chuyến đi thăm Trung Quốc, Kítxinhgiơ nói với các nhà báo ngày 1 tháng 3 năm 1972 rằng từ nay Níchxơn và bản thân y “chỉ còn việc nhìn về Mátxcơva và nghiền nát Việt Nam” Từ tháng 4 năm 1972, Mỹ ném bom lại và thả mìn phong toả các cảng miền bắc Việt Nam và đánh phá ác liệt miền nam Việt Nam nhằm đối phó với cuộc tiến công chiến lược mùa xuân năm 1972 của nhân dân Việt Nam, cứu vãn sự sụp đổ của chế độ Nguyễn Văn Thiệu. Bước phiêu lưu quân sự này chính là hậu quả rõ ràng của sự đồng loã giữa những người cầm quyền Trung Quốc và Níchxơn. Việc Hiệp định Pari không được ký tắt vào cuối tháng 10 năm 1972, ai cũng rõ đó là do sự lật lọng của Níchxơn- Kítxinhgiơ. Nhưng những người cầm quyền Trung Quốc lại đứng trên quan điểm của Mỹ để gây sức ép với Việt Nam. Ngày 1 tháng 11 năm 1972, họ yêu cầu Thứ trưởng Bộ Ngoại thương Việt Nam dân chủ cộng hoà báo cáo với lãnh đạo Việt Nam: Việt Nam nên nhân nhượng về hai vấn đề rút quân miền bắc và miền bắc Việt Nam không nhận viện trợ quân sự để có thể ký kết được hiệp định. Và ngày 5 tháng 12 năm 1972, đại sứ Trung Quốc Hoàng Chấn chuyển tới phía Việt Nam lời đe doạ của Kitxinhgiơ: “Đàm phán đã đến lúc có hậu quả nghiêm trọng: Bắc Việt Nam đòi Mỹ hoặc trở lại hiệp định cũ, hoặc nhận một hiệp định xấu hơn: Mỹ không thể chấp nhận cả hai điều kiện đó. Nếu Việt Nam cứ giữ lập trường đó thì đàm phán đứt quãng và Mỹ sẽ có mọi hành động bảo vệ nguyên tắc của mình” Đó chính là giọng lưỡi chuẩn bị cho cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 những ngày cuối năm 1972 nhằm huỷ diệt Hà Nội và Hải Phòng, hòng khuất phục nhân dân Việt Nam, buộc nhân dân Việt Nam chấp nhận giải pháp do đế quốc Mỹ áp đặt. Trước sự câu kết của Bắc Kinh với Oasinhtơn phản bội nhân dân Việt Nam , nhân dân Việt Nam vẫn kiên cường đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ và tin tưởng vào thắng lợi của mình. Khi phía Trung Quốc thông báo với phía Việt Nam rằng trong chuyến thăm Trung Quốc, Níchxơn cũng sẽ cùng những người lãnh đạo Trung Quốc bàn về vấn đề Việt Nam, những người lãnh đạo Việt Nam đã thẳng thắn nói: “Việt Nam là của chúng tôi; các đồng chí không được bàn với Mỹ về vấn đề Việt Nam . Các đồng chí đã nhận sai lầm năm 1954 rồi, bây giờ không nên sai lầm một lần nữa” Khi phía Trung Quốc thông báo chuyến đi thăm Trung Quốc của Níchxơn, những người lãnh đạo Việt Nam nói: “Trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, nhân dân Việt Nam phải thắng. Tới đây, đế quốc Mỹ có thể đánh phá trở lại miền bắc ác liệt hơn nữa, nhưng nhân dân Việt Nam không sợ, nhân dân Việt Nam nhất định thắng” Bất chấp mọi sức ép của Bắc Kinh và Oasinhtơn, nhân dân Việt Nam không những không nhân nhượng về những vấn đề có tính nguyên tắc, mà còn trừng trị đích đáng đế quốc Mỹ về những tội ác của chúng và cuối cùng buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari về Việt Nam ngày 27 tháng 1 năm 1973.

2 -Nắm trọn vấn đề Campuchia

Trong khuôn khổ đường lối hoà hoãn và câu kết với đế quốc Mỹ , dọn con đường bành trướng xuống Đông nam châu Á sau này, đồng thời phá hoại Mặt trận đoàn kết nhân dân các nước ở Đông Dương, gây thêm sức ép đối với Việt Nam, từ năm 1970 Bắc Kinh tìm cách nắm các lực lượng Campuchia, thi hành một chính sách rất phức tạp đối với Campuchia, nhưng trước sau chỉ nhằm một mục tiêu: lợi ích ích kỷ của họ. Dư luận còn nhớ bọn đế quốc và phản động đã gây ra cuộc đảo chính ngày 18 tháng 3 năm 1970, lật đổ chính phủ của ông hoàng Nôrôđôm Xihanúc, đưa lon Non lên cầm quyền. Lon Non vốn là người Campuchia gốc Hoa, lại là người của Mỹ, cho nên những người lãnh đạo Trung Quốc muốn dùng y và bỏ rơi ông Xihanúc. Tại Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung quốc nói với đại sứ Việt Nam: “ Xihanúc không có lực lượng. Việt Nam cần ủng hộ Lon Non; Trung Quốc đón Xihanúc nhưng vẫn quan hệ tốt với đại sứ quán của PhnômPênh “ Tại PhnômPênh, đại sứ Trung Quốc cũng nói những điều tương tự với đại sứ Việt Nam. Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nói với đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh là Trung Quốc không đồng ý để sinh viên Việt Nam ở Trung Quốc biểu tình chống Lon Non. Ngay sau khi nổ ra cuộc đảo chính ở PhnômPênh và ông Xihanúc tới Bắc Kinh, thủ tướng Phạm Văn Đồng đã sang Trung Quốc thuyết phục những người lãnh đạo Trung Quốc nên ủng hộ ông Xihanúc, đồng thời trực tiếp biểu thị với ông Xihanúc sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với ông ta và lực lượng kháng chiến Khơme. Ngày 23 tháng 3 năm 1970, ông Xihanúc công bố bản tuyên cáo 5 điểm lên án cuộc đảo chính của Lon Non và kêu gọi nhân dân Campuchia đoàn kết chống đế quốc Mỹ và bè lũ Lon Non. Ngày 25 tháng 3 năm 1970, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà tuyên bố hoàn toàn ủng hộ bản Tuyên cáo đó. Ngày 7 tháng 4 năm 1970, Chính phủ Trung Quốc mới ra tuyên bố ủng hộ Tuyên cáo của ông Xihanúc. Tuy vậy, họ tiếp tục có những cuộc tiếp xúc bí mật với chính quyền Lon Non. Trong khi đó, với sự giúp đỡ của các lực lượng vũ trang Việt Nam, lực lượng kháng chiến Khơme giành thêm nhiều chiến thắng mới, giải phóng một phần tư đất nước. Chỉ sau khi Níchxơn đưa quân Mỹ xâm lược Campuchia, gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ trên thế giới và ngay cả ở Mỹ, Chính phủ Trung Quốc mới cắt đứt quan hệ với chính quyền Lon Non ngày 5 tháng 5 năm 1970. Rõ ràng là do Việt Nam kiên quyết ủng hộ Chính phủ kháng chiến Campuchia và do tình hình thực tế trên chiến trường phát triển có lợi cho các lực lượng kháng chiến, những người cầm quyền Bắc Kinh mới chuyển sang ủng hộ ông Xihanúc, Chủ tịch Mặt trận thống nhất dân tộc Campuchia chống Mỹ xâm lược. Từ đó họ tìm cách nắm chặt ông Xihanúc làm con bài độc quyền của họ để chuẩn bị cho những cuộc mặc cả với Mỹ. Tuy ủng hộ ông Xihanúc và Chính phủ kháng chiến Campuchia, họ vẫn ngấm ngầm duy trì những quan hệ bí mật với bè lũ Lon Non-Xirích Matắc, mặt khác tích cực dùng bọn Pôn Pốt-IêngXary, dần dần biến Đảng Khơme thành một đảng phụ thuộc vào Đảng cộng sản Trung Quốc như kiểu các đảng, các nhóm theo Mao ở Đông nam châu Á và ở một số nước khác trên thế giới. Những người lãnh đạo Trung Quốc đã lợi dụng Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương lần thứ nhất tháng 4 năm 1970 và cố tình làm cho dư luận thấy rằng họ đã “đóng góp” nhiều vào hội nghị đó. Họ muốn chứng tỏ cho Mỹ hiểu rằng họ có thể giúp Mỹ tìm một giải pháp cho cả vấn đề Đông Dương và chính họ là người “thay mặt” cho Việt Nam và các nước khác ở Đông Dương để đàm phán với Mỹ. Trong bối cảnh nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào và nhân dân Campuchia liên tiếp giáng những đòn mạnh mẽ vào các kế hoạch phiêu lưu quân sự của Níchxơn, ông Xihanúc đề nghị triệu tập Hội nghị cấp cao lần thứ hai của nhân dân các nước Đông Dương vào cuối năm 1971, nhằm phát huy thắng lợi, đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân các nước ở Đông Dương. Bề ngoài những người lãnh đạo Trung Quốc tán thành đề nghị đó, nhưng bên trong họ giật dây bọn Pôn Pốt-Iêng Xary phản đối. Mặt khác, nhân chuyến đi thăm Việt Nam tháng 3 năm 1971, họ gợi ý triệu tập hội nghị 5 nước 6 bên (hai miền Nam, Bắc Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc và Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên) trên đất Trung Quốc nhằm mục tiêu chống Nhật. Ý đồ của họ là phá hoại khối đoàn kết, lái chệch mục tiêu đấu tranh của nhân dân các nước ở Đông Dương, đồng thời tập hợp lực lượng dưới sự chỉ đạo của Bắc Kinh để họ có thêm thế đi vào đàm phán với Mỹ. Phía Việt Nam ủng hộ đề nghị của ông Xihanúc, không tán thành họp hội nghị 5 nước 6 bên như Trung Quốc gợi ý, cũng không tán thành quan điểm cho rằng nguy cơ bấy giờ là Nhật vì kẻ thù chính của nhân dân ba nước Đông Dương vẫn là đế quốc Mỹ xâm lược. Do đó, kế hoạch hội nghị 5 nước 6 bên của Bắc Kinh đã hoàn toàn thất bại. Trong lúc tìm cách nắm trọn vấn đề Campuchia, những người lãnh đạo Trung Quốc còn mưu toan nắm con đường vận chuyển quân sự qua ba nước Đông Dương. Trong mấy năm liền cho đến năm 1972, họ đề nghị giúp làm đường và vận chuyển hàng phục vụ chiến trường từ miền bắc đến miền nam Việt Nam, Lào và Campuchia trên con đường mòn Hồ Chí Minh và hứa cung cấp cho Việt Nam đủ xe, người lái và khoảng 20 vạn quân nhân Trung Quốc để bảo đảm công việc này. Ý đồ của họ là qua đó nắm toàn bộ vấn đề Đông Dương để buôn bán với Mỹ và chuẩn bị bàn đạp đi xuống Đông nam châu Á. Tất nhiên phía Việt Nam không chấp nhận đề nghị đó.

Nếu trước đây những người lãnh đạo Trung Quốc ngấm ngầm làm yếu cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam thì trong thời kỳ 1969-1973, nhất là từ năm 1971, họ công khai câu kết với đế quốc Mỹ xâm lược, cứu nguy cho chúng trước cuộc tiến công chiến lược mới của nhân dân Việt Nam, lấy con bài Việt Nam để buôn bán với Mỹ. Nếu trước đây họ ngấm ngầm chia rẽ nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia nhằm cô lập Việt Nam thì trong thời kỳ này họ bắt đầu dùng bè lũ Pôn Pốt-Iêng Xary để phá hoại cách mạng ba nước Đông Dương, tích cực chuẩn bị biến Campuchia thành bàn đạp để tiến công Việt Nam, khống chế bán đảo Đông Dương, từ đó bành trướng xuống Đông nam châu Á sau này. Họ đã phơi trần bộ mặt ghê tởm của kẻ phản bội: phản bội nhân dân Việt Nam cũng như phản bội nhân dân Lào và nhân dân Campuchia.

Nguồn: VHNst/amaritx

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *