GIÁO SƯ CARL THAYER: CĂNG THẲNG BIỂN ĐÔNG SẼ GIA TĂNG TRONG THỜI GIAN TỚI

Người xem: 179

Một loạt các sự kiện diễn ra gần đây trên biển Đông đã cho thấy sự suy giảm an ninh và gia tăng bất ổn trong khu vực.

Trong hơn 1 tháng rưỡi, biển Đông đã xảy ra không ít căng thẳng, từ công khai chỉ trích đến ngấm ngầm hành động. Cả trong ngắn hạn và dài hạn, căng thẳng vẫn không có dấu hiệu chấm dứt. Trong đó nổi bật lên 5 sự kiện có ảnh hưởng lớn trong ngắn hạn: 

1. Philippine thách thức lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc

2. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp tục bị động

3. Hải quân Trung Quốc tái khẳng định chủ quyền đối với bãi ngầm James (gần Malaysia)

4. Khả năng thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông

5. Hoa Kì chỉ trích mạnh mẽ vùng ADIZ và tuyên bố chủ quyền hàng hải của Trung Quốc

Đầu tiên, tháng 1.2014 ghi lại dấu ấn mạnh mẽ của Philippine khi công khai thách thức Trung Quốc và những tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này trên biển Đông.

Ngày 15.1, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình liên quan đến quy định cấm đánh bắt cá mới của tỉnh Hải Nam, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines, Emmanuel Bautista trấn an ngư dân nước này không nên lo sợ trước các hành động đe đọa và hăm he của Trung Quốc. Một ngày sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết Manila sẽ phớt lờ mọi các qui định mới của tỉnh Hải Nam, và cử tàu hộ tống ngư dân “nếu cần thiết”.

Ngày 18.1, truyền thông địa phương công bố các hình ảnh do thám chụp được tại bãi Cỏ Mây vào ngày 28.8.2013. Các bức ảnh cho thấy sự hiện diện của 2 tàu chiến Trung Quốc, gồm 1 tàu khu trục và 1 tàu tuần duyên.

Một báo cáo mật của chính phủ Philippines cho rằng sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc “có thể là một phần trong nỗ lực mới và quyết tâm loại bỏ sự hiện diện của Philippines tại bãi Cỏ Mây và những khu vực khác trong quần đảo Trường Sa”.

Ngày 04.02, Tổng thống Philippines Benigno Aquino, trong cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times đã kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhằm chống lại các yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông.

Thứ hai, Hội nghị hẹp của Ngoại trưởng các nước ASEAN tại Myanmar từ ngày 16 – 17.1 tiếp tục cho thấy sự bất đồng của tổ chức trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến khu vực.

Đại diện của Philippines, Ngoại trưởng Albert del Rosario, kêu gọi các nước ASEAN “duy trì sự đoàn kết trong khu vực” nhằm đối phó với việc Trung Quốc có khả năng áp đặt ADIZ và luật đánh bắt cá mới trên biển Đông.

Trong khi đó, Ngoại trưởng các nước ASEAN lại “bày tỏ quan ngại trước những diễn biến gần đây trên biển Đông. Họ cũng tiếp tục khẳng định nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về biển Đông và tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải, tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông.”

Quan điểm chuẩn mực của ASEAN là tất cả các tranh chấp nên được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Các bên liên quan nên thể hiện một sự “tự kiềm chế trong các hành động”.

Các Bộ trưởng từ chối đưa ra một kế hoạch cụ thể và bất kì hành động nào xa hơn.

Sự kiện thứ ba, Hải quân Trung Quốc tái triển khai lần thứ 2 đến bãi ngầm James và khẳng định lại chủ quyền một lần nữa.

Ngày 20.1, đội tàu chiến 3 chiếc của Hải quân Trung Quốc gồm tàu đổ bộ Trường Bạch, tàu khu trục Hải Khẩu và Vũ Hán đã rời căn cứ tại đảo Hải Nam, bắt đầu cuộc tập trận hải quân hàng năm trên biển Đông.
Sau khi hoàn thành các bài tập huấn luyện tại quần đảo Hoàng Sa, biên đội tàu của Trung Quốc tiếp tục đi về phía Nam quần đảo Trường Sa. Ngày 26.1, truyền thông Trung Quốc đưa tin, Hải quân nước này đã tới bãi ngầm James, cách Sarawak (Malaysia) 80 km.

Thủy thủ trên 3 con tàu đã tổ chức một buổi lễ, thề quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc. Một ngày sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Tần Cương khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi” của Bắc Kinh trên bãi ngầm James.

Tuy nhiên, Đô đốc Tan Sri Abdul Aziz Jaafar, người đứng đầu lực lượng Hải quân Malaysia đã lên tiếng phủ nhận các sự kiện diễn ra tại bãi ngầm James. Theo ông Aziz, “Trung Quốc không có bất kì hành động khiêu khích hay đe dọa chủ quyền Malaysia khi tiến hành các cuộc tập trận trên vùng biển quốc tế”.

Đây là lần thứ hai trong 2 năm qua Trung Quốc triển khai hải quân đến bãi ngầm James. Trong cả hai lần Trung Quốc đưa tàu đến khu vực, chính phủ Malaysia đều phủ nhận sự việc.

Phải chăng, Malaysia thực sự thiếu sót trong việc phát hiện ra tàu Trung Quốc hay chính nước này đã ra lệnh cho hải quân ra khỏi khu vực nhằm tránh các sự cố đáng tiếc?

Thứ tư, Trung Quốc bị Nhật “vạch mặt” kế hoạch thiết lập ADIZ trên biển Đông.

Theo tờ Asahi Shimbun, vùng ADIZ trên biển Đông, gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một số vùng khác, được soạn thảo bởi các sĩ quan không quân cao cấp tại Đại học Sĩ quan Không quân Trung Quốc.

Dự thảo được hoàn thành và trình lên chính phủ vào tháng 5.2013. Cũng theo tờ Asahi, Bắc Kinh hiện vẫn cân nhắc mức độ của ADIZ và thời điểm công bố.

Ngay sau khi sự việc bị công bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận. Theo cơ quan này, “Trung Quốc không cảm thấy bất kì mối đe dọa an ninh hàng không nào từ các quốc gia ASEAn. Do đó, việc lập vùng ADIZ được xem là không cần thiết”.

Thứ năm, Hoa Kỳ ngày càng trở nên quyết đoán trong việc phản đối ADIZ và các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Đông.

Evan Medeiros, Giám đốc khu vực châu Á, Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ cho biết bất kì một hành động nào của Trung Quốc trên biển Đông đều bị xem là một sự khiêu khích và gây bất ổn khu vực. Điều này chắc chắn sẽ thay đổi sự hiện diện và tư thế quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực.

Daniel Russel , Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cũng tuyên bố phản đối bất kì kế hoạch thiết lập một ADIZ mới của Trung Quốc. Ông này cũng đồng thời bày tỏ sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Philippines khi đưa vấn đề tranh chấp với Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Khép lại các vấn đề trên biển Đông, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều tập trung cho các kế hoạch dài hạn. Hai xu hướng chính gồm các đánh giá mới của Hoa Kỳ về cân bằng quyền lực trong tương lai ở châu Á – Thái Bình Dương và tiến trình hiện đại hóa của Hải quân Trung Quốc.

Trong tương lai, quá trình hiện đại hóa và mở rộng hải quân của Trung Quốc sẽ dẫn đến sự suy giảm tương đối tính ưu việt của Hải quân Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương.

Bảo Duy (Theo The Diplomat)
Một Thế giới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *