Tự cảm ngày Tết

Người xem: 261

LâmTrực@
Chúc mừng năm mới!


Không khí Tết ở quê anh chỉ thoang thoảng loãng qua, khác hẳn không khí chuẩn bị tết rầm rập và hầm hố ở Hà Nội. Tết đến từ tốn, nhè nhẹ, xâm chiếm dần lòng người, khiến mọi thứ dần trở nên thanh tao, man mác.

Anh về tết quê đã mấy ngày mà chưa thể đến thăm Thầy Thống. Ông là người Thanh Hóa, lấy vợ ở quê anh, bà cũng là một nhà giáo. Lâu quá rồi không gặp, chả biết giờ Thầy Cô như thế nào, tự nhiên thấy mình có lỗi. Có lẽ ông là một trong số hiếm hoi những con người để lại trong anh ấn tượng tốt về một vùng quê khốn khó, trầm mặc. 


Một căn nhà cấp 4 nho nhỏ, nằm bên vệ đường vắt qua một quả đồi, sát ngay trường tiểu học của xã. Một con đường nhỏ ngoằn ngoèo cũ kỹ ốm ho dẫn vào nhà của Thầy. Ngôi nhà đơn sơ luôn luôn sạch sẽ và ngăn nắp một cách đáng ngạc nhiên nhờ bàn tay của một người phụ nữ được ông gọi là bà, tất nhiên đó là bà vợ. Bà có một sự kín đáo và nhẹ nhàng mà có lẽ chỉ hợp trong cái không gian nhỏ hẹp đó. Vài bước chân ngược với lối vào, xa hơn trường học một chút là cái chợ ồn ào đến mọi rợ. Ông và bà không thuộc về nơi đó, vì thế ngôi nhà nhỏ bên vệ đồi với những cây cọ và cây mua, cây sim chỉ có hai ông bà già. 

Cô con gái xinh đẹp, đã một thời làm anh xiêu vẹo, và mấy thằng con trai đều trưởng thành, có nhà riêng, đầy đủ tiện nghi cố mời bố mẹ về ở với mình, nhưng ông bà cũng không về, nhất định ở lại đó như thể cố níu kéo một thế giới tàn úa đang dần trôi qua bên khung cửa sổ với một khoảng trời xanh rêu nhẹ bỗng. Ông hay tích rượu, toàn rượu ngon của đám học trò biếu, ông không bao giờ uống một mình, ông cứ để trong cái tủ ở góc nhà chờ có người đến thăm mới bỏ ra cho đám trẻ nhậu, rượu, đàn và những bài ca ướt sũng của thời ông. Kỳ lạ là bọn trẻ cũng rất hứng thú và say xưa, không hiểu sao chúng có thể thuộc được những bài hát mà thậm chí đến bố mẹ chúng còn chẳng buồn nghe nữa, chắc bởi ông có tấm lòng bao dung ấm áp, bất chấp xoay vần của con tạo.
 
Với ông bà giáo, anh vẫn mãi chỉ là cậu học trò cưng ngày nào, nhưng với anh đó là quãng đời êm đềm đẹp đẽ của cuộc sống trước khi xa rời lũy tre làng đến với một thế giới khác, được gọi là văn minh, nhưng nhơ nhớp, mọi rợ đến tàn khốc. Những xô bồ và bon chen nơi đô thị hình như đã xô đẩy anh thành một người xa lạ, như như một kẻ vãng lai. Chỉ đến khi về quê, anh mới là chính mình, cứ về quê anh lại nhớ đến Thầy.

Cuộc sống khốn nạn đầy biến động và những cái thứ êm êm đềm đềm là vô cùng lạc loài, ngớ ngẩn. Ấy thế mà cứ mỗi dịp hoa đào nở anh lại chỉ thích ai đó ngâm cho nghe bài “Ông đồ”, mà phải ngâm làm sao thấy nó thật cũ, thật mộc mạc, thật buồn và thật….tết, đó mới là ngâm. Chưa bao giờ anh thấy hết háo hức về cái không khí của ngày tết, có thể có nhiều năm anh quên tết, nhưng nếu được sống đúng trong cái không gian có mưa phùn lành lạnh, ngồi ngắm hoa đào nở, nhâm nhi chén trà và rít vài hơi thuốc, thì đó vẫn vẹn nguyên là cảm xúc tết, rộn ràng mà man mác. Theo anh, tết là phải man mác buồn. Ấy vậy mà người ta lại nói, vui như tết. Thế mới tài!

Chiều nay anh sẽ đến thăm ông, hi vọng ông sẽ vẫn nói: Thằng kia, mày về khi nào thế con? Đã hết ngỗ nghịch chưa hả? hả? hả?
***

Bên đời, đã gần 1 thế kỉ trôi qua, bài thơ “Chúc tết” của Nhà nho tài tử Trần Tế Xương (Tú Xương) vẫn đầy tính thời sự như đang viết về hôm nay và cho cả ngày mai.

 
Chúc tết
 
Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau: 
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu 
Phen này ông quyết đi buôn cối 
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu 
 
Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu: 
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu? 
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc 
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu 
 
Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang: 
Đứa thì mua tước, đứa mua quan 
Phen này ông quyết đi buôn lọng 
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng 
 
Lẳng lặng mà nghe nó chúc con: 
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn 
Phố phường chật hẹp, người đông đúc 
Bồng bế nhau lên nó ở non 
 
Bắt chước ai ta chúc mấy lời: 
Chúc cho khắp hết ở trong đời 
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước 
Sao được cho ra cái giống người.
 
Tú Xương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *