NHẬN VÀ SỬA LỖI LÀ VĂN MINH RỒI

Người xem: 165

Khoai@

Sự kiên được coi là hy hữu trong văn chương xảy ra với cuốn sách Những Dấu Chân Của Mẹ. Biên tập viên đã mắc lỗi thay thế tất cả các chữ “Vô” thành chữ “Vào”, Tông rbieen Tập cũng không kiểm tra lại, dẫn đến một thảm họa về văn chương. 

Đã có nhiều tiếng nói phản ứng dữ dội.

Thật may, Nhà xuất bản Văn học đã nhận lỗi, xin lỗi và sửa lỗi. Thiết nghĩ, đó là hành vi ứng xử văn minh, cần được ghi nhận và tôn trọng.

Mời các bạn đọc 2 bài báo sau về sự kiện trên:

Bài 1

Hồi âm của Nxb Văn học về bài báo “Biên tập viên không biết chữ”



Bạn đọc thân mến. Sau khi QTXM in bài viết “BIÊN TẬP VIÊN NHÀ XUẤT BẢN KHÔNG BIẾT CHỮ”, ngay tức khắc chúng tôi đã nhận được phản hồi của lãnh đạo NXB Văn học, với nội dung chân thành tiếp thu khuyết điểm. Chúng tôi xin công bố nguyên văn bức thơ để bạn đọc cùng bàn luận. Vì chúng tôi cho rằng đây là một khiếm khuyết rất nghiêm trọng làm cho độc giả quay lưng lại với sách.

NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC
Số: 9/XBVH 

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2014

Kính gửi: Nhà văn Ngô Minh.

Vừa qua, trên blog của ông có đăng bài viết “Biên tập viên Nhà xuất bản không biết chữ”, đề cập đến những lỗi “ngờ nghệch” trong việc biên tập tiểu thuyết Những dấu chân của Mẹ, tác giả Hà Khánh Linh, Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2013. Cụ thể, toàn bộ chữ vô trong cuốn sách bị chữa thành chữ vào.

Trước hết Nhà xuất bản Văn học chân thành cảm ơn ông về những góp ý, phê bình hết sức kịp thời đối với những ấn phẩm của chúng tôi. Sau khi rà soát, kiểm tra lại bản bông và quy trình biên tập cuốn sách Những dấu chân của Mẹ, Nhà xuất bản Văn học phát hiện thấy đây hoàn toàn là lỗi kỹ thuật từ phía bộ phận chế bản, biên tập viên cuốn sách không hề sửa chữa chữ vô thành chữ vào.

Nhà xuất bản Văn học đã có văn bản xin lỗi nhà văn Hà Khánh Linh về sai sót này. Hiện tại, Nhà xuất bản Văn học đã cho dừng phát hành và thu hồi cuốn sách Những dấu chân của Mẹ. Trong thời gian tới, Nhà xuất bản Văn học sẽ tiến hành sửa chữa và in lại cuốn sách này để đổi cho những khách hàng đã mua bản in bị sai sót.

Một lần nữa, Nhà xuất bản Văn học xin chân thành cảm ơn nhà văn Ngô Minh đã có những ý kiến phê bình, góp ý hết sức quý báu để Nhà xuất bản kịp thời phát hiện sai sót, góp phần nâng cao chất lượng sách văn học nhằm phục vụ bạn đọc ngày một tốt hơn.

Trân trọng.
Nguyễn Anh Vũ

————————
Bài 2

BIÊN TẬP VIÊN NXB KHÔNG BIẾT CHỮ !
Chuyện hy hữu văn chương

Trong cuộc gặp gỡ đầu năm 2014 của Chi Hội Nhà vănViệt Nam tại Huế ngày 17-1-2014 vừa qua, nữ nhà văn Hà Khánh Linh giơ cao một cuốn sách dày, bảo:” Các bạn chú ý, đây là cuốn tiểu thuyết mới của Linh có tựa đề là Những dấu chân của mẹ, NXB Văn học ấn hành năm 2013, là cuốn thứ ba trong bộ tiểu thuyết ba tập của Hà Khánh Linh viết về chủ đề Cố Đô Huế trong chiến tranh cách mạng ( Người Kinh đô cũ (2004), Lửa Kinh đô( 2010), Những dấu chân của mẹ( 2013) ). Nhưng thật buồn và thật đau khổ cho tôi là trong cuốn sách này, tất cả các chữ“vô” trong bản thảo đều bị biên tập viên chữa thành chữ “vào”…”

Chị Hà Khánh Linh cho biết, tôi không thể đếm bao nhiêu lỗi ngờ nghệch do biên tập viên chữa như thế. 100% chữ “vô” đều bị bỏ. Ví dụ :“vô tình” thì thành“vào tình”, vô cùng thành vào cùng, họa vô đơn chí thành họa vào đơn chí, vô phương thành vào phương; vô học thành vào học.v.v.. Thành ra đọc cuốn sách buồn cười đến khóc được. Tôi mượn chị Hà Khánh Linh cuốn tiểu thuyết”Những dấu chân của mẹ”, lật qua lật về bìa sách, hóa ra đây là loại sách kỷ niệm 65 năm Nhà xuất bản văn học (1948-2013), Tủ sách Tác phẩm mới. Chịu trách nhiệm xuất bản là Nguyễn Anh Vũ, biên tập ( và sửa bản in) là Thạch Toàn, in tại Công ty Cổ phần in Thiên Kim. Mở tiếp vài chục trang đầu tiên, tôi gặp những câu văn ngớ ngẩn do chữ “vô” bị biên tập viên sửa thành “vào” . Ví dụ trong bức thư nhân vật Đoan Thuận gửi Hoàng thân Bửu Toàn có câu Tôi vô cùng biết ơn ngài và luôn cầu mong ngài được bình an, mạnh khỏe và hạnh phúc. ( tr. 23). Do sữa chữ “vô” thành chữ vào, câu văn bị biến thành : Tôi vào cùng biết ơn ngài…”. Nghĩa câu văn bị thay đổi theo chiều ngược lại. Sang trang 24 có câu : – Nếu mẹ Vĩnh Tuấn thương yêu chăm sóc được thì không gì tốt bằng. Anh vô cùng biết ơn…Do sửa chữ “vô” thành chữ “vào”, câu văn khi in thành sách bị biến thành”… Anh vào cùng biết ơn…”. Chỉ gặp hai câu văn bị sửa trên, tôi vô cùng ngán ngẫm, không đọc nữa, tôi tin chị Hà Khánh Linh nói đúng. Hôm đó, các nhà văn trong Chi Hội Nhà văn Việt Nam tại Huế có dịp đùa tếu : Vô tình, nghĩa là em không chú ý gì đến anh , theo cách biên tập của NXB Văn học thì nó thành trở “vào tình”, tức là anh đang vào em…Hay học sinh vô lễ, ông nội mắng học sinh vô học, thì học trò mừng lắm, vì các em hiểu như cách của NXB Văn học là ông bảo vào học…
Trong cuộc đời viết văn của mình, tôi chưa bao giờ gặp một biên tập viên nào mà không biết chữ “vô” như thế này. Ở Huế, ngày xưa, theo tục húy ky, chỉ có tên vua, tên bố mẹ vua, vợ vua… mới được đổi khi gọi. Còn dân thường, nếu cố nội, ông nội đã chết mà tên là vô thì do húy kỵ, khi gọi tên người ta cũng phát âm thành vào, thành vộ, nhưng chỉ gọi trong gia đình thôi, mà hy hữu lắm. Chữ vô trong giọng nói người Huế cũng có nghĩa là vào như người miền Bắc nói, nhưng người Hưế chỉ nói vô, ít người nói vào. Nói vô đây, nghe ấm áp hơn vào đây. Chị Hà Khánh Linh tên thật là Nguyễn Khoa Như Ý. Nguyễn Khoa một dòng họ lớn ở Huế mấy năm năm nay, nên chị viết văn theo lối Huế. Biên tập văn chương Cố Đô mà bỏ chữ vô, sửa thành chữ vào là không hiểu văn hóa Huế.

Thứ hai nữa, chữ vô của người Huế cũng như của người Việt Nam nói chung không chỉ có nghĩa là vào , mà còn có hàng trăm, hàng ngàn nghĩa khác, như vô tích sự, vô lễ, vô học, vô ơn, vô định, vô độ, vô chủ, vô duyên, vô khối, vô lý.v.v..Trong Từ điển tiếng Việt, in lần thứ hai có bổ sung, của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, năm 1977, từ trang 859 đến trang 861, chữ “vô” có 99 nghĩa khi đi kèm với chữ khác. Những nghĩa đó nếu sửa vô thành vào là sai nghĩa, hoặc nghĩa ngược lại. Ví dụ như vô hiệu ( nghĩa là không có tác dụng) thành vào hiệu ( nghĩa là có tác dụng, hoặc vào hiệu ảnh), vô tình nghĩa ngược với vào tình, vô đạo nghĩa ngược với vào đạo…

Nhà văn viết tiểu thuyết họ cân nhắc từng câu, từng chữ. Có khi vì một chữ không vừa ý phải thức đến khuya. Biên tập viên sửa chữa vô lối thế làm hỏng hết văn chương. Vì thế sai sót do bỏ chữ vô, thay bằng chữ vào trong tiểu thuyết Những dấu chân của mẹ là rất nghiêm trọng, chứng tỏ cán bộ biên tập không biết chữ Việt. ( tôi định đặt đầu đề bài viết là Biên tập viên không biết chữ “vô”. Nhưng nghĩ, không biết một chữ cũng có nghĩa là khồng biết chữ )

Chúng tôi đề nghị Nhà xuất bản Văn học phải xin lỗi nhà văn Hà Khánh Linh và in lại cuốn tiểu thuyết đúng chữ nghĩa như bản thảo nhà văn đã viết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *