ĐỪNG DỄ DÀNG QUỲ LẠY NHƯ THẾ

Người xem: 629

VOV.VN – Nam thí sinh Vietnam Idol quỳ lạy giám khảo xin vào vòng trong, cô gái quỳ lạy CSGT xin tha phạt. Danh dự có phải là điều xa xỉ?

1. Cuối tuần qua, cộng đồng mạng được một phen dậy sóng khi clip một cô gái kẹp ba tham gia giao thông sai luật trên một chiếc xe máy đã tìm mọi cách chạy trốn cảnh sát giao thông được tung lên mạng. Chạy không được cô ta đã bất chấp liêm sỉ quì lạy luôn miệng van xin rối rít làm náo loạn cả một ngõ nhỏ.

Người cảnh sát trên liên tục di chuyển để tránh cô gái, nhưng anh ta quay đi đâu là cô gái lại chạy theo để quỳ lạy, thậm chí cô này còn vừa quỳ vừa nắm lấy quần người cảnh sát để van xin.

2. Tối chủ nhật vừa rồi, dư luận lại thêm sốc khi chứng kiến màn quỳ lạy của một nam thí sinh 21 tuổi quỳ lạy van xin 4 vị giám khảo cho anh ta cơ hội vào vòng trong sau khi phần trình diễn của mình không đạt do chất giọng bình thường.

Dù được biểu diễn thêm một lần nữa nhưng tài năng của anh ta chưa đủ để thuyết phục được ban giám khảo. Thay vì rời phòng quay, anh ta lại tiếp tục màn van nài với nhiều lý do trong đó có việc “các bạn trên Facebook rất rất mong em có thể đi tiếp” và “hãy cho em một cơ hội làm lại cuộc đời”…

Thí sinh ấy sẵn sàng gạt bỏ sĩ diện trước giám khảo và khán giả cả nước để quỳ xin được vào vòng trong vì không muốn các bạn trên Facebook thất vọng và muốn có cơ hội “làm lại cuộc đời” bằng việc xin xỏ tấm vé phải dành cho một người có tài năng hơn, xứng đáng hơn. 

3. Hành động của hai người thanh niên này khiến nhiều người không khỏi suy nghĩ. Anh bạn tôi than thở: “Chả nhẽ danh dự ngày càng xa xỉ?”. Hành động quỳ lạy ngày nay chỉ nên diễn ra trước bàn thờ tiên tổ để bày tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn công đức của tiền nhân đã hi sinh bao công sức, xương máu để thế hệ con cháu có được cuộc sống tốt đẹp, hoà bình hôm nay.

Tôi thắc mắc sao họ dễ dàng gạt bỏ danh dự, lòng tự trọng để quỳ lạy những việc cỏn con như thế? Anh ấy trả lời: “Bởi vì nó không quan trọng bằng những thứ kia.”


Người ta dễ dàng gạt bỏ danh dự, lòng tự trọng của bản thân đến thế sao? Thật nguy vì điều đó chứng tỏ họ sống mất phương hướng và không biết đâu là điều tốt đẹp thực sự nữa rồi.

4. Hai bạn trẻ này theo cách gọi của giới trẻ @ có một điểm chung: Một đằng là “anh hùng xa lộ” dám làm mà không dám chịu, một đằng là “anh hùng bàn phím” nuôi giấc mơ ảo tưởng về sự nổi tiếng.

Chắc hẳn họ không xa lạ gì với câu hỏi mà người chơi Facebook thường nói: “Sứ mệnh của mình đến trái đất này là gì?”. Nhưng đã bao giờ họ thực sự nghiêm túc để nghĩ về một lý tưởng sống đẹp đẽ và ý nghĩa?

Tôi bỗng nhớ về những người anh hùng trên sa trường cách đây 25 năm đã hiên ngang, bất khuất làm nên một “vòng tròn bất tử” trên đảo Gạc Ma. Và câu nói của thiếu úy Trần Văn Phương trước khi mất mà mỗi khi nhắc lại khiến nhiều người xúc động xen lẫn tự hào trào nước mắt: “Thà hy sinh chứ không thể để mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ …”.

Có lẽ chúng ta cũng nên tự vấn bản thân vì sao lại ra nông nỗi này. Người lớn với tư tưởng “đi tắt đón đầu” không phải là không vô can.

Hy vọng rằng với những điều không nên không phải mà hai bạn trẻ kia đã thể hiện hôm nay chỉ là những bồng bột nhất thời. Các bạn đừng suy nghĩ quá tiêu cực khi bị lên án. Bởi vì chẳng bao giờ là quá muộn. 

Đừng lãng phí những tháng ngày tươi đẹp nhất của cuộc đời.

Trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy (của tác giả Nikolai Ostrovsky), chàng trai Paven Copsagine đã nói thế này: “Cái quí nhất của con người là cuộc sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình.”/.

Mỹ Trà/Blog Trà Xanh/VOV online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *