Có lẽ ít mảnh đất nào như huyện Xín Mần của tỉnh Hà Giang, một huyện nghèo thuộc diện 30A, có 18 dân tộc anh em sinh sống nhưng hiện huyện này đã có 3 Di sản Quốc gia có giá trị to lớn về lịch sử và văn hóa được ghi nhận.
Sông và ruộng bậc thang, kỳ công của tạo hóa và con người
Nằm cách thị xã Hà Giang 150km về phía Tây, Xín Mần có diện tích tự nhiên trên 58.000ha, trên 56.000 người sinh sống. Lâu nay, Xín Mần được coi là vùng đất chứa nhiều điều bí ẩn. Từ Hà Nội, theo Quốc lộ 2 có thể đi được bằng 2 đường. Đường thứ nhất, đến huyện Bắc Quang, theo tỉnh lộ 279 đến thị trấn Yên Bình (Quang Bình) rồi theo tỉnh lộ 183 vượt Đèo Gió. Đường thứ 2 có qua Bắc Quang, lên đến ngã 3 Tân Quang, theo tỉnh lộ 177 để lên với Xín Mần.
Hiện Xín Mần đang lưu giữ không dưới 3 Di sản Quốc gia có giá trị to lớn về lịch sử, văn hoá đã được xác nhận. Khám phá Xín Mần để biết người Việt cổ sinh sống tại Nấm Dẩn, về Đèo Gió tìm hiểu di tích Thác Tiên, rừng nguyên sinh, hay tới Khuôn Lùng tìm hiểu lịch sử cha ông ta trấn giữ biên ải miền Tây Tổ quốc trong giai đoạn ngàn năm Bắc thuộc.
Ngôi làng dựa vào vách núi
Nếu theo tỉnh lộ 279 để lên Xín Mần, du khách sẽ qua thôn Nấm Chanh, xã Nấm Dẩn. Tại đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng và tìm hiểu về Bãi đá cổ. Hiện nay còn rất nhiều giả thiết về bãi đá này và chưa ai đưa ra một câu trả lời chính xác, cũng như việc dịch nghĩa về các ký tự được khắc trên đó.
Bãi đá cổ chia thành 7- 9 vùng quần thể bãi đá được tìm thấy trong vùng có dấu tích người Việt cổ sinh sống. Vùng Bãi đá lớn nhất trên phiến đá lớn nhất có các họa tiết hoa văn cổ để lại nhiều hình họa mang tính phồn thực ghi dấu ấn một thời xã hội Cổ đại Mẫu hệ. Trải qua hơn 2.000 năm tuổi, đến nay Bãi đá cổ còn rất nhiều điều bí ẩn chưa được giải mã. Các nhà khảo cổ học cho rằng, người Việt cổ trải qua thời kỳ Mẫu hệ ở nơi đây sinh sống, phát triển ra sao còn là bí mật với thế giới văn minh ngày nay.
Những ngôi mộ khó hiểu của người La Chí
Lên Xín Mần, ngoài khám phá bãi đá cổ, người ta không quên tới Bản Phùng để khám phá những ngôi mộ cổ được cho rằng của ông Hoàng Vần Thùng, một người khổng lồ, ông vua của người La Chí. Về ngôi mộ cổ và những mộ giả, to đều như nhau được đắp và sắp đặt như có sự bố trí, hiện nay cũng chưa có lời giải mã.
Dọc đường đi, du khách còn được “đánh bạn” với sông Chừng, sông Chảy uốn lượn cùng với những thửa ruộng bậc thang đẹp như một nét vẽ. Và trên những cung đường heo hút bám quanh các sườn núi, bờ vực là những ngôi nhà của dân, đính vào bờ đá trông như những con tem.
Đơn Thương
Tin cùng chuyên mục:
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga
Trừng phạt Nga hay cuộc ‘chiến tranh kinh tế’ tổng lực của phương Tây trên khắp thế giới