LâmTrực@
Nhân đọc được một bài “chưa bao giờ lòng dân bất an như thế này” bên nhà bác Mai Than Hải, (ở đây) mình xin nói ké, nói đế mấy câu.
Đúng là không đọc báo thì thôi, cứ đọc báo là mình lại lo lắng, bất an bởi những gì báo chí phản ánh. Không khó để thấy mỗi ngày có hàng chục, hàng trăm tin cướp, giết, hiếp, tham nhũng tràn lan trên mạng.
Nếu thông tin đó là thật, là chính xác, là khách quan, là trung thực thì đáng lo lắm. Người dân không lo sợ mới là lạ.
Sống sao nổi khi cứ ra đường, cứ đi một mình là “bị 4 tên cuồng dâm làm nhục“, dù có “nhảy xuống sông để tìm cách thoát thân nhưng vẫn bị lôi lên làm nhục tiếp“?
Sao không lo khi ra đường là thấy “côn đồ giết người xong lại giơ dao khoe máu tươi“. khi “vừa được đặc xá đã chém chết người“? Sao không sợ hãi khi thấy đến “phó thanh tra giơ cuốc bổ đầu dân“, khi đến “phó trưởng công an “lau súng”, bạn gái vỡ đầu“?
Về nhà thì sao? rất đáng lo khi “vợ tức chồng vì tư thế lạ, cho một nhát dao“; khi “con rể hiếp dâm mẹ vợ“, và “bố vợ gập vỡ sọ con rể“, khi “cháu giết bà vì 5000 đồng chơi game“? Nếu như thế thì niềm tin cuối cùng trong ngôi nhà hạnh phúc của ta để đâu mất rồi?
Không hoang mang sao được khi cái đẹp chả thấy đâu nhưng cứ đọc báo là thấy CSGT nhận hối lộ, thấy nhà giáo tìm mọi cách nhận tiền tiêu cực, thấy bác sĩ ác hơn quỷ sứ, thấy nhà báo tống tiền, thấy cầu thủ bán độ?
Cũng chả có gì là lạ khi đọc báo thấy tham nhũng tràn lan từ trên xuống dưới, chống mãi không xong. Vừa Vinashin đã lại Vinalines. Chưa xong ACB đã đến Agribank, và ngân hàng chính sách xã hội.
Đúng là, ngày nào cũng như ngày nào, 365 ngày/năm, với “Tốc độ gia tăng tội phạm còn nhanh hơn cả dân số”. Tội phạm có mặt hầu hết mọi nơi, mọi lĩnh vực, mọi đối tượng từ ông quan mũ cao áo dài, đến chàng CSGT, từ vị bác sĩ như từ mẫu, đến anh chị phóng viên hóng hớt, từ người thầy tôn kính đến vị quan thuế tận tụy..ở đâu cũng thấy tội phạm. Tất cả những khuôn mặt từ Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên…đều giống nhau ở chỗ hôm qua còn mũ cao áo dài mở miệng là nói đến quyết tâm, đến những lời lẽ tốt đẹp vốn không thể phân biệt. Đúng là chúng ta đang sống trong một thời kỳ nhiễu nhương, nơi tội phạm hoành hành từ phòng lạnh ra đường, từ phòng ngủ thiếu nữ đến những nơi cao cả thâm nghiêm như trường học bệnh viện.
Lại càng không ngẫu nhiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Bùi Đặng Dũng ngậm ngùi: “Trước tự hào ra ngõ gặp anh hùng thì giờ cử tri nói ra ngõ gặp tội phạm”.
Đó là một phần của sự thật.
Có người nói vì báo chí đưa cướp hiếp giết quá nhiều. Vậy nếu báo chí không đưa tin thì liệu chúng ta có biết đâu là sự thật? Và liệu rằng, xã hội sẽ bớt bất an hơn nếu như báo chí quay lưng với thực tế?
Không! Chúng ta cần cảm ơn báo chí vì báo chí cho ta biết được sự thật. Nhưng chúng ta cũng cần báo chí nói đúng sự thật. Có giết có hiếp cứ phản ánh, có tham những cứ chiến đấu. Chúng ta không cần thứ báo chí tô hồng, cũng không cần thứ báo chí thổi phồng hay bóp bóp sự thật. Người dân sẽ bất an gấp bội nếu như những sự thật không còn là sự thật, thay vào đó là sự nhào nặn, suy đoán từ phòng lạnh với mục đích bán được hiều hàng, đó là thứ báo chí suy đồi và thực ra nó còn nguy hiểm hơn cả tội phạm thực thụ.
Đúng là không có thứ báo chí trực tiếp xui người ta đâm chém nhau, và càng không thể có báo chí nào ngụy tạo ra những vụ tham nhũng hàng chục, hàng trăm tỷ. Nhưng nếu báo chí, một khi không còn chân chính thì chính nó thông qua việc phản ánh hiện thực xã hội lại trở giáo đâm vào mình xã hội bằng cách cổ súy, động viên cho những cái ác tàn phá xã hội, thậm chí chính nhà báo cũng có thể trở thành đạo tặc.
Sẽ bớt đi những bất an cho những bác sĩ nếu không có những bài viết kiểu “người dân tấn công bệnh viện vì bác sĩ tắc tắc trách“, sẽ bớt bất an cho anh công an nếu như báo chí không giật tít “cảnh sát bị người dân bắt“, hay “người dân mang quan tài diễu phố phản đối kết luận của công an về cái chết của anh Tuấn Anh“, “đeo khăn tang, mang di ảnh đến tỉnh ủy, UBND tỉnh khiếu nại”.., ấy là chưa kể đến những bài báo cổ súy cho những hành vi bất lương và tụng ca những hành vi đê hèn. Cách viết ấy đã làm thay đổi nhận thức người dân về những điều mà họ được phép, không được phép làm, hay nên làm và không nên làm.
Và rõ ràng lần này, cái bất an đến từ làng báo.
Đúng là xã hội còn nhiều bất an như tác giả ĐT phản ánh.
Một người thầy cũng có thể trở thành một tên hiếp dâm. Một bác sĩ có thể một sát nhân danh y. Ngay sau sắc áo của những người giữ gìn trật tự, bảo đảm an toàn cho dân chúng, cũng có thể là một tên tội phạm. Người giữ kho tiền cũng có thể trở thành kẻ trộm, một doanh nhân cũng có thể trở thành kẻ ăn cắp tiền thuế của dân và một phóng viên cũng có thể trở thành kẻ giết người hay kẻ cướp không dao không súng. Người quản trị, kinh doanh game trên mạng cũng có thể gián tiếp trở thành tội phạm nếu như vì lợi nhuận mà cổ súy cho những chò trơi bạo lực tàn phá xã hội.
Nói thế để thấy rõ hơn bất an đến từ đâu, và vì sao chúng ta luôn lo sợ.
Có lẽ, vấn đề đang nằm ở chính con người chúng ta. Mỗi ngày ta làm thêm một điều tốt, bớt đi một điều dữ và mỗi chúng ta làm tròn bộn phận chức trách của mình, người dân sẽ bớt lo sợ.
Tin cùng chuyên mục:
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt
Nhà báo quay clip xe múc đất rồi “gợi ý quà Tết”
Phương án cải tạo sông Tô Lịch: Cần làm rõ để đảm bảo hiệu quả