PetroTimes – Lời dạy “Lương y như từ mẫu” được nhắc nhở thường xuyên trong ngành y để răn dạy và khích lệ người thầy thuốc chăm sóc người bệnh với một tinh thần tận tụy như một người mẹ hiền chăm lo cho con cái của mình. Thế nhưng, ngày nay, câu danh ngôn này dường như đã dần mất tác dụng? Chuyện “nhân bản” hàng nghìn mẫu xét nghiệm của bệnh nhân, chuyện hai bác sĩ đánh nhau ở một hội nghị ngành y, tiêm vắc-xin hết hạn sử dụng, nạn phong bì hay chuyện một Phó giám đốc Sở Y tế có dấu hiệu “tham ô”… đã làm cho nhiều người ngán ngẩm và dần mất lòng tin vào y đức.
Năng lượng Mới số 253
Từ hàng loạt sai phạm…
Mới đây, câu chuyện hai bác sĩ hàng đầu của Bệnh viện Nội tiết Trung ương “châm chọc” nhau rồi xông vào đấm, đá nhau túi bụi khiến những người tham dự một hội nghị về ngành y ngỡ ngàng. Thì ra mâu thuẫn xảy ra khi bác sĩ Hưng phát biểu ý kiến nhưng bị bác sĩ Hùng ngắt lời với lý do bác sĩ Hưng không được dự hội nghị nên không được phát biểu. Tức giận, bác sĩ Hưng cự lại với lý do được lãnh đạo Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến cử đi dự hội nghị nên có quyền phát biểu. Sau một hồi lời qua tiếng lại thì hai vị bác sĩ lao vào đấm, đá nhau túi bụi. Kết quả là bác sĩ Hưng “được” đưa đi cấp cứu, còn bác sĩ Hùng thì “được” công an phường mời về làm việc.
Chuyện thượng cẳng chân, hạ cẳng tay có thể xảy ra ở chốn chợ búa, nay xảy ra ngay trong hội nghị ngành y thì không còn ra thể thống gì. Chính ông Nguyễn Quang Vinh – Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng cho rằng: “Sự việc hai bác sĩ đánh nhau xảy ra ngay trong bệnh viện là điều rất nghiêm trọng. Chính vì thế, ban lãnh đạo bệnh viện đã triệu tập tất cả những người có liên quan, yêu cầu tường trình. Ông Quang Vinh cũng cho biết thêm, bệnh viện không đưa ra quan điểm gì về sự vụ và chờ kết luận của cơ quan công an. Dù kết luận cuối cùng có là gì đi chăng nữa thì câu chuyện bi hài kể trên một lần nữa gióng lên hồi chuông về đạo đức của người thầy thuốc.
Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức – Hà Nội, nơi có hàng nghìn mẫu xét nghiệm được “nhân bản” gây chấn động dư luận thời gian qua |
Trước đó không lâu, vào ngày 16/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang đã đến Sở Y tế tỉnh Tiền Giang công bố quyết định khởi tố bị can và bắt giam bà Trần Thị Thật, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang để điều tra hành vi “tham ô” khi bà còn làm giám đốc bệnh viện trước năm 2012. Theo thông tin ban đầu, trong thời gian làm Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang, bà Thật ký hợp đồng mua bán thuốc với 18 doanh nghiệp dược trên địa bàn cả nước. Thanh tra Sở Y tế tỉnh nhận được đơn tố cáo và tiến hành kiểm tra các giấy tờ liên quan đến các hợp đồng mua bán này, phát hiện có 24 ủy nhiệm chi của bệnh viện có sửa chữa số hóa đơn (viết bằng tay), số tiền ghi trên hóa đơn cũng không trùng khớp với các ủy nhiệm chi mà bệnh viện chuyển cho các doanh nghiệp dược. Qua xác minh, Thanh tra Sở phát hiện các ủy nhiệm chi này được chuyển vào tài khoản ngân hàng của 5 cá nhân với tổng số tiền là 1,3 tỉ đồng. Người thực hiện chuyển số tiền trên được xác định là kế toán Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang. Kế toán này thừa nhận lập ủy nhiệm chi và chuyển tiền vào 5 tài khoản của 5 cá nhân trên là để rút tiền ngược lại sử dụng cho cá nhân và chi quyền lợi cho một số người, trong đó có bà giám đốc Thật.
Mới đây là chuyện “nhân bản” hàng nghìn kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội). Thật không thể tưởng tượng nổi là các “lương y” có thể làm ăn trên tính mạng của người khác một cách vô tâm như vậy. Thế nhưng, ba người dũng cảm dám nói lên sự thật để bảo vệ cái phải, cái đúng đã được Sở Y tế Hà Nội tôn vinh, khen thưởng chiếu lệ, bôi bác. Liệu rằng, trong ngành y còn nhiều người có sự can đảm như vậy không? Họ có dám vì lợi ích cộng đồng, vì lương tâm người thầy thuốc mà tố cáo những việc làm sai trái của đồng nghiệp hay không? Câu hỏi sẽ làm nhiều người suy ngẫm, day dứt.
Nói về sự vô tâm của người thầy thuốc thì nhiều người còn nhớ câu chuyện sáng ngày 20-5-2013, ông Phan Văn Ngọc (Phú Yên) đưa hai con trai đến tiêm vắc-xin ngừa quai bị tại Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa. Sau khi chích ngừa, ông nhặt vỏ lọ từ sọt rác, phát hiện sản phẩm đã hết hạn sử dụng. Giải thích sự việc tiêm vắc-xin hết hạn sử dụng, ông Phan Dinh, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa, nói: “Người tiêm có sai sót là không kiểm tra hạn sử dụng của vắc-xin trong khi đây là một quy trình bắt buộc”.
Những mẫu xét nghiệm khác tên nhưng giống hệt kết quả |
Còn ông Đoàn Hùng Ánh, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa thanh minh: “Do hạn sử dụng trên hộp vắc-xin ghi bằng chữ số La Mã, trong khi người tiêm là chị Khánh đã lớn tuổi nên… đọc nhầm”?… Và còn rất nhiều những câu chuyện khác liên quan đến những sai phạm trong ngành y, vi phạm đạo đức nghề thầy thuốc liên tục được nói đến trong thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cấp bách chấn hưng y đức.
Y đức: nước sôi lửa bỏng
Ở nước ta, vi phạm đạo đức trong ngành y phải chăng chỉ diễn ra ở một số người, nhóm người hay ở một vài nơi. Nhiều người cho rằng, đây không phải là kết quả ngẫu nhiên mà là một sai lầm có hệ thống. Sản phẩm “hư nhiều” thì phải xem lại “cái máy” như thế nào. Chứ không theo kiểu sai đâu – sửa đó; sai đâu – phạt đó thì không bao giờ hết được.
Cách đây không lâu, Giáo sư Y học nhiệt đới Trần Tịnh Hiền của ĐH Oxford Anh quốc (nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới) than thở: “Hiện nay, khi làm công tác nghiên cứu bệnh cần đi đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa tôi gặp khó khăn khi tìm kiếm bác sĩ trẻ. Các em bây giờ ra trường đâu có chịu về làm bệnh viện Nhà nước để nhận lương ba cọc ba đồng mà ra các bệnh viện tư để có lương cao hơn, làm như “mì ăn liền”. Kiếm nhiều tiền không có gì xấu nhưng nếu để kiếm tiền là cứu cánh thì không nên. Hệ lụy là gì? Bệnh chỉ cần ít thuốc mà bác sĩ kê nhiều; bệnh chưa đến mức phải dùng thuốc đặc trị nhưng vẫn “khuyên” bệnh nhân phải điều trị đến nỗi phải bán cả ruộng vườn… Bác sĩ giỏi là người không chỉ cần có chuyên môn mà phải có tấm lòng. Nói không có người giỏi thì không đúng nhưng thực là rất ít, trong khi người làm chưa tốt, làm bậy thì quá nhiều”.
Qua đó để thấy rằng, từ nạn nhận phong bì, nạn khám qua loa, chẩn đoán nhầm bệnh, chữa bệnh tắc trách, “nhân bản” xét nghiệm, bớt vắc-xin khi tiêm, bác sĩ đánh nhau… cùng hàng loạt những câu chuyện sai phạm khác, thiết nghĩ đây chỉ là những giọt nước làm tràn ly. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân làm cho đạo đức ngành y ngày càng xuống cấp thì theo nhiều người có một yếu tố góp thành là do thu nhập ngành y thấp? Nên chăng Nhà nước cần có chế độ đãi ngộ, chẳng hạn phụ cấp thâm niên, phụ cấp vùng miền… cho thầy thuốc.
Nói như nhiều vị bác sĩ tâm huyết trong ngành y, cái chính để chấn hưng y đức là phải hình thành nhân cách người thầy thuốc từ trong trường y, phải “gọt giũa” cho ra hình tượng người bác sĩ (chuyên môn lẫn đạo đức) ngay trong trường, phải nhìn vào thầy như là tấm gương tốt thì mới hy vọng có những đứa học trò tốt, có những bác sĩ tốt về đạo đức, giỏi chuyên môn mà phục vụ bệnh nhân.
Nguyệt Anh
Tin cùng chuyên mục:
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt