PetroTimes – Dư luận ở hai địa phương râm ran câu chuyện về ứng xử vụ lợi của hai quan chức đầu tỉnh từ khi các ông tại vị đến khi “hạ cánh” an toàn.
Bảo Dân (NLM số 253)
Có người gọi thẳng ra đây là dấu hiệu tiêu cực tham nhũng. Có người luận bàn rằng, nếu các quan chức địa phương ai cũng xử sự như hai ông cựu chủ tịch này, lấy tư lợi làm gốc thì câu khẩu hiệu “lấy dân làm gốc” theo như cương thường đạo lý sẽ không còn chỗ treo.
Chuyện thứ nhất là, chuyện nhà riêng của ông cựu chủ tịch tỉnh V đã xôn xao từ khi ông mới là cán bộ nguồn. Lúc ấy con đường nội đô mới là dự kiến. Bàn tới bàn lui vẫn chưa khởi sự. Theo thiết kế chính thức trong dự án đường Bạch Đàn chạy thẳng, nếu thành hiện thực thì gần như toàn bộ đất nhà ông sẽ bị giải tỏa. Nhưng rồi chỉ giới và “tim” của con đường lại xê dịch không chỉ theo thời gian, mà còn theo chiều thăng tiến chức vụ của ông này.
Năm 2002, ông được bầu làm Phó chủ tịch, rồi lên chức Chủ tịch UBND tỉnh. Thế là bỗng nhiên con đường… bé lại, do có sự tham mưu điều chỉnh thiết kế từ chỗ rộng 30m chỉ còn có 18m. Con đường bé lại bao nhiêu, thiệt hại cho người dân gần đấy cũng tăng bấy nhiêu. Kiện cáo nổ ra, tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm rồi tòa án tối cao vào cuộc…
Chưa biết kết cục ra sao. Nhưng khi đó, cả căn nhà ông chủ tịch cho ngân hàng thuê và nhà ở của ông đều thoát khỏi tầm quy hoạch một cách ngoạn mục. Chủ đầu tư con đường nội đô này cãi rằng, đường thẳng tưng hay cong queo thì vẫn nằm trong quy hoạch ban đầu. Một loạt quan chức cốt cán của tỉnh này bỗng nhiên hưởng lợi khi ra mặt tiền, giá trị tăng cả chục lần.
Thế là vì nhà ông mà đường bé lại. Không những thế ông còn làm bậc thang lấn gần hết vỉa hè. Công trình chướng tai gai mắt cứ mặc nhiên tồn tại vì ông vẫn đương chức, ai dám động đến!? Có người mang thước ra đo phần lấn ra hè phố của ông chiếm mất 4,2m trong 4,5m vỉa hè. Mãi đến năm 2013 này, ông đã trở thành… cựu chủ tịch, vụ việc mới được xới lại. Rút cục, cơ quan chức năng đã bắt đầu đập phần lấn ra hè phố của ông này, mở rộng vỉa hè cho đúng 4,5m theo dự án phê duyệt.
Đến bây giờ, trả lời báo chí, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải mới dám thừa nhận rằng, việc “nắn” đường Bạch Đàn hồi ấy là vì “ngán” ông chủ tịch tỉnh!? “Ngán” là “sợ” và một bộ phận đã từ “sợ” chuyển thành “hèn” và từ “hèn” thành “nịnh”?
Trước dư luận, ngạc nhiên là ông cựu chủ tịch tỉnh bất ngờ lên tiếng: Tôi xây nhà còn chưa hết đất. Chỉ là do anh em người ta làm, người ta láng trước, láng sau chứ có phải lấn chiếm gì đâu!? Đúng là muốn nói gian làm quan mà nói! Bàn sâu về chuyện này để xem sự thật ở đâu. Rõ ràng là không thể chỉ do một phía nào cả. Nếu ông là cán bộ thường hẳn đã bàn giao mặt bằng để dọn đi khu tái định cư rồi. Và cũng con đường không bé lại, bậc thang chẳng nhô ra…
Từ vụ nhà ông chủ tịch liên hệ tới vụ hàng ngàn ngôi nhà không phép của người dân tại huyện Bình Chánh (TP HCM) vừa bị đập bỏ kéo vụ “trảm” hàng loạt cán bộ tiếp tay xây nhà không phép.
Hai sự tiếp tay cùng vì nhà, ở hai thời điểm, hai địa phương khác nhau. Một đằng là được “dự án hóa”, một đằng là “liều mình như chẳng có”.
Chuyện thứ hai là, chuyện ông cựu chủ tịch tỉnh T không liên quan đến chức trách đầu tỉnh mà lại là chuyện sòng phẳng tiền nong. Chuyện không lớn nhưng nhiều người biết vì đã 8 năm liền ông không chịu trả tiền nước sạch. Ông nại ra lý do “chưa minh bạch trong thu chi” nên “xù” luôn từ khi đương chức đến khi về hưu. Người làng ông ai cũng biết giá nước tăng là do chi phí đầu vào tăng. Cả làng chấp nhận giá mới và đóng đầy đủ, chỉ riêng ông là không chịu. Mà với lương bổng của ông, mấy chục khối nước một tháng dăm chục ngàn đồng có đáng là bao mà phải lăn tăn? Ông cấp nước cũng “ngán” ông chủ tịch à? Thử là dân thường xem, chậm một tháng là bị khóa vòi nước tắp lự, liệu mà khoan giếng để dùng. Một quan chức lãnh đạo, chịu tiền nước tới gần chục năm mà không ai làm gì được kể cũng lạ. Không lẽ xếp chung mấy người cấp nước này vào danh sách hèn” như ở tỉnh V. Được biết, lãnh đạo nơi ông cựu chủ tịch này cư ngụ đang tìm cách giải quyết cái vụ tiền nước “khó đòi” này cho yên chuyện. Nghe tin người dân chất vấn: Ô hay, sao lại quýt làm cam chịu nhỉ? Chẳng lẽ về hưu ông được xếp vào diện xóa đói giảm nghèo hay cận nghèo?
Chuyện hai ông cựu chủ tịch khiến dư luận xã hội bàn luận ồn ào. Có thể khẳng định tư cách cán bộ, đảng viên của họ đều có vấn đề. Có câu: Cóc chết để da, người chết để tiếng. Đây là thì tương lai. Hãy còn đủ thời gian để rửa tiếng!
B.D
Tin cùng chuyên mục:
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt