NHÀ BÁO CŨNG SỢ BỊ QUAY PHIM CHỤP ẢNH KHI TÁC NGHIỆP

Người xem: 704

Khoai@

Biết là viết bài mà động vào cánh báo chí thì kinh lắm. Nhà báo lừng danh Hữu Thọ đã viết trong tập truyện ngắn “Chạy” của ông một bài với tiêu đề “sợ báo hơn sợ cọp” quả là không sai.

Đọc bài “Công an dí camera sát mặt phóng viên để ghi hình” trên Người Lao Động online mới thấy cánh phóng viên báo chí cũng sợ người khác quay phim, ghi hình của mình khi tác nghiệp. Nếu không bức xúc thì anh phóng viên này hoàn toàn có thể giật một cái tít khác, phù hợp với nội dung của bài đăng hơn nhiều.

Còn nhớ, mấy vụ cảnh sát giao thông khi tác nghiệp bị nhà báo quay trộm, đến khi bị phát hiện thì vin vào luật báo chí để biện minh cho hành vi quay trộm của mình, nhưng lại quên đi viện dẫn khoản 1 và 2, điều 31, Luật Dân sự về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình. Vậy là quay sang cãi cùn bằng cách dí máy quay vào sát mặt anh cảnh sát giao thông và gây sự, với mục đích để anh này nổi khùng lên rồi ghi lại. Kết quả ghi hình có thể được xử lý theo hai cách, một là gặp riêng giải quyết nội bộ, hai là đưa lên mặt báo. Người chịu thiệt là ai hẳn bạn đọc đều biết, còn anh không nói.

Tác nghiệp như thế là rất hèn.

Thế nhưng hôm nay, anh phóng viên báo Người Lao Động bị ngay anh công an (không biết có phải phóng viên không)  dí máy quay vào mặt, vậy là anh gào lên như mất trộm. He he, Đó là chuyện bình thường mà, mấy tay công an kia cũng là phóng viên thì sao nhỉ? họ cũng quay các anh như các anh quay cảnh sát giao thông đấy, có sao đâu. Vả lại, có điều nào cấm công an không được quay phim chụp ảnh nhà báo đâu nhỉ? Chả phải các anh báo chí luôn nói rằng người dân được làm những gì pháp luật không cấm đấy thôi? Đây cũng là cách mà người dân giám sát nhà báo tác nghiệp đây, có gì mà ồn ĩ lên?

Ấy là anh bựa thế cho vui thôi, chứ thực ra, quay phim hay ghi hình gì đi chăng nữa cũng cần có văn hóa. Hình ảnh anh cảnh sát giao thông và nhà báo khi tác nghiệp bị người khác dí máy quay vào mặt là rất phản cảm và dễ tạo ra bức xúc, dẫn đến không làm chủ được hành vi. Trong khi cảnh sát giao thông thì không biết làm thế nào để tự bảo vệ mình thì cánh nhà báo lại rất giỏi chuyện này. Nói như vậy để nhắc nhở các nhà báo cần tôn trọng người khác, tôn trọng sự thật khi tác nghiệp.
———————————-
Bài báo anh nhắc đến đây:

Công an dí camera sát mặt phóng viên để ghi hình

(NLĐO)- Hai cán bộ Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cầm máy quay phim dí sát vào mặt các phóng viên để ghi hình trong buổi cưỡng chế, thu hồi nhà văn hóa Nam Thăng Long II tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân sáng nay 31-7.

Một trong 2 cán bộ công an thường dùng camera dí sát mặt một số phóng viên để ghi hình. Và Phóng viên cũng trả đũa, quay sát mặt anh công an, he he.
Sáng 31-7, lực lượng Công an quận Thanh Xuân tổ chức cưỡng chế, thu hồi nhà văn hóa Nam Thăng Long II tại số 95 đường Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

Hàng chục cán bộ, chiến sĩ công an, dân phòng của quận Thanh Xuân và phường Nhân Chính đã được huy động để ngăn không cho người dân tiếp tục giữ nhà văn hóa. Nhà văn hóa này sẽ bị phá dỡ trong nay mai để bàn giao mặt bằng cho Công ty cổ phần Đào tạo – Xây lắp điện Hà Nội xây dựng cao ốc làm văn phòng cho thuê, nhà ở xã hội,…

Hàng trăm người dân phường Nhân Chính tiếp tục có mặt trước cửa nhà văn hóa Nam Thăng Long II để phản đối với việc thu hồi nhà văn hóa duy nhất trong khu vực này.

Người dân phường Nhân Chính tiếp tục có mặt trước cửa nhà văn hóa Nam Thăng Long II để phản đối với việc thu hồi nhà văn hóa duy nhất khu vực
Theo ông Đỗ Xuân Thịnh, Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc tổ dân phố kiêm Chủ nhiệm Nhà văn hóa khu dân cư Nam Thăng Long II, chính quyền địa phương đã không hề họp, bàn bạc với người dân trước khi ra quyết định thu hồi, phá nhà văn hóa để giao cho doanh nghiệp tư nhân xây dựng cao ốc, văn phòng kiếm lợi.

Là một công dân ở đây, TS Hoàng Mạnh Hùng, nguyên phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an, cho biết 300 người dân đang sinh sống trong khu vực này chỉ có duy nhất một nơi để sinh hoạt cộng động, văn hóa. “Bây giờ bị phá mất mà chưa rõ những cam kết của chủ đầu tư thì người dân bức xúc là phải” – TS Hùng nói.

Trong khi đó, nhiều hộ dân khác cho biết việc lấy nhà văn hóa chỉ là bước đi đầu tiên, bởi trong thiết kế xây dựng tòa cao ốc sẽ có hàng chục hộ dân đang sinh sống ổn định ở khu vực mặt đường ngã tư Khuất Duy Tiến – Lê Văn Lương thuộc diện bị giải tỏa. Theo thông báo của UBND quận Thanh Xuân mới đây, sẽ có nhiều hộ chỉ nhận được mức đền bù 50.000 đồng/m2 do chưa kịp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) như các hộ khác, dù có cùng nguồn gốc đất và thời gian đóng thuế.

Tại buổi cưỡng chế, Công an quận Thanh Xuân bố trí 2-3 cán bộ công an sử dụng máy quay phim cầm tay ghi hình lại toàn bộ những bức xúc của người dân. Trong đó có 2 cán bộ công an thường xuyên sử dụng camera cầm tay để ghi lại hoạt động tác nghiệp của phóng viên các báo.

Các cán bộ công an này thường xuyên dí sát camera vào mặt các phóng viên đang mải mê chụp ảnh, quay phim phỏng vấn người dân tại hiện trường. Khi bị phóng viên và người dân phản ứng lại thì hai người này im lặng hoặc nói rằng do phóng viên đang… chen lấn vào chỗ họ tác nghiệp, thực thi công vụ.

Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, trước đó, sáng 9-7, UBND phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội đã tổ chức ra quân thu lại Nhà Văn hóa Khu dân cư Nam Thăng Long II (số 95 Khuất Duy Tiến) để bàn giao cho chủ đầu tư là Công ty CP Đào tạo – Xây lắp điện Hà Nội xây dựng chung cư cao tầng. Tuy nhiên, hàng trăm người dân tại đây đã nhất quyết không mở cửa dẫn vào nhà văn hóa.

Một cuộc họp hiếm thấy đã diễn ra ngay trên vỉa hè đường Khuất Duy Tiến, trước cửa Nhà Văn hóa Khu dân cư Nam Thăng Long II giữa bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Nhân Chính, với hàng trăm người dân. Trước các ý kiến bức xúc của người dân, bà Tâm cho biết sẽ “báo cáo lên cấp trên xem xét giải quyết”.

T.K

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *