TRƯỜNG THI LÀ NƠI THÍ SINH THI CỬ, KHÔNG PHẢI LÀ NƠI LĂM LĂM MÁY QUAY GHI HÌNH

Người xem: 261



Trường thi là nơi để thí sinh thi cử, thi thố, thi tài, không phải là nơi lăm lăm chiếc máy quay ghi hình.

Sản phẩm hậu Đồi Ngô sẽ làm méo mó trường thi
Quy định mới cho phép thí sinh được mang vào phòng thi “các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác” của Bộ GDĐT đang là mối quan tâm không chỉ đối với những người trong ngành giáo dục, mà với cả phụ huynh cũng như học sinh.

Phải chăng từ vụ Đồi Ngô, ngành giáo dục đã ra quy định này để phát huy dân chủ, “xã hội hóa” việc phát hiện tiêu cực, gian lận trong thi cử? Có thể như vậy, và cũng có thể Bộ GDĐT muốn chứng minh cho toàn xã hội biết, sẵn sàng rộng mở các kênh chống gian lận thi cử, không vì bệnh thành tích mà bưng bít. Cũng có thể, do sơ ý nên ban hành quy định này – một sản phẩm hậu Đồi Ngô.

Chính vì vậy nên tại hội nghị thi và tuyển sinh năm 2013 được tổ chức trực tuyến tại 6 điểm đầu cầu do Bộ GDĐT tổ chức vừa qua, một đại diện của Hà Nội phát biểu: “Chúng ta không thể chạy theo dư luận để mà thay đổi, không vì vụ việc ở Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) mà phải đưa ra quy định gây khó dễ cho ngành. Ở đây thanh tra, giám thị, lực lượng bảo vệ… có trách nhiệm đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn nghiêm túc. Thí sinh vào phòng thi có trách nhiệm để làm bài chứ không thể có chuyện quay ngang, quay dọc để ghi âm, quay hình làm ảnh hưởng đến các em khác”.

Ý kiến này rất thuyết phục. Trường thi là nơi để thí sinh thi cử, thi thố, thi tài, không phải là nơi lăm lăm chiếc máy quay ghi hình. Nhiệm vụ của học sinh đến trường thi là để thi, không phải để làm nhân viên chống tiêu cực trong thi cử. Phát hiện gian lận thi cử là việc của giám thị, là trách nhiệm của hội đồng thi và các cơ quan liên quan khác. Để nhầm lẫn vai trò, trách nhiệm thì đại nguy.

Giáo viên lo lắng là vì có thể không kiểm tra, kiểm soát được những thiết bị học sinh mang vào phòng thi, bởi vì không phải sản phẩm điện tử nào giáo viên cũng biết. Phụ huynh lo lắng con mình vì muốn trở thành anh hùng chống tiêu cực nên lo “tác nghiệp” hơn lo làm bài. Còn những học sinh ”không cố tình” làm anh hùng cũng sẽ bị mất tập trung vì những chiếc máy ghi hình hay chụp ảnh cứ lăm le sau gáy.

Từ xưa đến nay, trường thi, phòng thi là nơi yên lặng, nghiêm túc để thí sinh được tập trung cao nhất. Nếu biến trường thi thành nơi cho học sinh trổ tài quan sát phát hiện dấu hiệu nghi vấn phạm tội theo kiểu Sherlock Holmes thì đó là trường thi tuyển chọn thám tử.

Có vẻ như Bộ GDĐT lúng túng trước những vụ việc nảy sinh liên quan đến gian lận thi cử và áp lực của dư luận khi đề ra quy định này. Hãy cứ tổ chức trường thi theo truyền thống bao nhiêu năm nay, những quy định chặt chẽ, giám sát nghiêm túc, công tâm, công bằng thì sẽ hạn chế tiêu cực. Không nên để thí sinh xao lãng trong khi thi cử vì chuyện “phòng, chống gian lận”, làm ảnh hưởng đến chất lượng chung của kỳ thi.

Theo Lao Động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *