GÓC NHỎ HÀ NỘI

Người xem: 302

Mùa này ở Hà Nội, loa kèn đã trắng lóa từng cụm, từng vầng theo các chuyến xe thồ vào phố.
Tiêu Phong

“Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi”
(Tứ thời – Thôi Hiệu đời nhà Đường).

Ảnh: Blog Tiêu Phong.
Có lẽ bài thơ cổ này của Thôi Hiệu là kinh điển của Đường thi, tác giả ”Hoàng Hạc lâu” nổi tiếng. Trong một buổi chiều đầu tháng 4, khi xuân vẫn còn loang trải trên khắp các cỏ cây và không gian, với tiết dễ chịu và ấm áp, trên những con phố, người ta cứ thồ, cứ chở hàng thúng những sắc hoa, bừng lên và rực rạo một niềm gì đó, không định nghĩa được, thì chợt nhận ra, mình đang lẩm nhẩm những câu thơ trên…

Tôi cứ viết, viết ra những suy nghĩ, những ý niệm bất chợt này. Tháng 4, mùa bắt đầu của hoa gạo, còn gọi là hoa mộc miên. Rồi sẽ có những tán vầng ối đỏ trên những thân cây cao vút, khi rộ nở sẽ đẹp lắm, thân thương và gần gũi. Tôi nhớ khi xưa có đọc ở đâu đó, Lý Thường Kiệt có nói: “Nơi nào có cây hoa gạo, nơi đó là lãnh thổ đất Việt”. Ý ông nói về ranh giới khi xưa của cương thổ quốc gia. Những cây hoa gạo khi nở, luôn đem lại cho tôi một cảm giác ấm áp và yêu thương…
Ảnh: Blog Tiêu Phong.
Mùa này ở Hà Nội, loa kèn đã trắng lóa từng cụm, từng vầng theo các chuyến xe thồ vào phố. Loa kèn, hay còn gọi là huệ tây, một giống hoa di thực do người Pháp mang sang trong công cuộc thực dân xứ Đông Dương. Thứ hoa trắng, đẹp dung dị nhưng kiêu sa, tỏa những bông vươn trong bình lớn. Trong một thúng đầy, những bông nụ xếp lớp vẫn không hề lép vế với những sắc hoa khác, để khi mãn khai, một vẻ đẹp tinh khôi bừng trắng trong nhãn thức…
Ảnh: Blog Tiêu Phong.
Ảnh: Blog Tiêu Phong.
Ảnh: Blog Tiêu Phong.
Ảnh: Blog Tiêu Phong.
Những sắc hoa phi yến, phăng, hồng… đa sắc trên phố vào mùa này, từ những cánh đồng Tây Tựu, Nhật Tân… và bật lên sắc trắng loa kèn, như món quà xuân cho Hà Nội. Quả đúng với câu “Xuân du phương thảo địa…”

Những đầm sen mạn Tây Hồ cũng bắt đầu trổ lá. Một mùa đông lạnh đã qua. Những mặt nước đông giá trong eo sèo của cụ Trần Tế Xương, những lạnh lẽo ngơ ngắt phẳng veo ràn rạt gió đông quét thành lăn tăn gợn sóng giờ đã non xanh mặt lá sen mới, sắp thành hạ thưởng lục hà trì. Các nữ tú sẽ thay nhau áo yếm quần nâu mà chụp ghi những hình ảnh bên đầm sen xanh ngát…

Mùa này, cá rô phi hồ Tây là ngon nhất. Béo và thơm thịt. Bởi chúng chưa phải nuôi con. Cá rô phi đực rán giòn, chấm với nước mắm tỏi ớt thật cay, một vị thơm không đâu lẫn được trong từng miếng thưởng thức.
Ảnh: Blog Tiêu Phong.
Mùa này, cá rô phi đực chỉ quanh quẩn bên những hang mà chúng đã chuẩn bị sẵn cho mùa sinh sản. Cá cái đẻ và cá đực nuôi. Chúng sẽ ngậm đàn con trong mồm và bơi đi kiếm ăn. Lúc đó, chúng sẽ gầy và không ngon thịt nữa. Mùa này, cũng là mùa cá kim hồ Tây, thứ cá nhỏ, bé, thường đi đôi một và không có nhiều. Nhưng thật sự là một đặc sản của Tây Hồ đất Thăng Long. Cá kim cũng chiên giòn, và không thể thiếu rượu sen. Thứ rượu làm từ các nụ sen Tây Hồ. Óng như mật ong và khi đưa lên miệng, mùi sen thơm lan tỏa thứ hương dịu nhẹ, ngây ngất. Rượu sen cất lên cũng cầu kỳ gần bằng với trà sen, thứ trà có giá tối thiểu là 6 triệu đồng/kg. Người ta phải ra đầm từ khi chưa có mặt trời mọc, thu hái những nụ sen còn đẫm sương. Một điều kiện bắt buộc, là những bà làm sen phải là những bà đã qua hết thời kỳ phụ nữ. Có lẽ, sự thanh tao của sen đòi hỏi vậy chăng, không ai biết và cũng chưa ai đi tìm hiểu là tại sao, chỉ biết, nếu không sạch, sen sẽ hỏng hết…

Hồ Tây, những sản vật của hồ đã nuôi sống cả 13 làng trại quanh đó. Ao đầm quanh hồ như một quần thể hữu cơ, tạo nên một nét văn hóa ẩm thực rất sâu lắng. Cá hồ bắt lên, bọc lá sen nướng mọi. Xé thịt chấm muối ớt hay nước mắm cay, vị sen ngấm thịt, ngọt thỉu. Một ẩm thực khác, là cá ăn sen. Cá ăn sen là một cách gọi thôi. Bởi thân sen mọc dưới bùn nhưng chen nhau dày đặc lẫn thân gai. Những con cá sống trong đầm sen phải luồn lách bơi qua, tránh những đốt gai, vì vậy chúng vận động gần như là liên tục. Những con cá đó thịt rất chắc và dai. Những chén cứ rót theo tấm tắc của vị giác, đưa lên trong nồng tỏa hơi men ấm…
Ảnh: Blog Tiêu Phong.
Bây giờ, hồ Tây không còn nhiều tôm để mà bắt như xưa. Bánh tôm hồ Tây cũng đã khác. Ký ức tôi, những thơ bé rất, rất thỉnh thoảng mới được ăn bánh tôm ở nhà hàng nằm bên bờ hồ Trúc Bạch, vốn cũng là thuộc hồ Tây nhưng được chia ra bởi con đường Cổ Ngư xưa, là đường Thanh Niên bây giờ. Cảnh quan cũng đã khác nhiều. Rặng trúc trắng từ xa xưa để hình thành nên tên gọi của hồ, khi dân các làng Yên Hoa (giờ gọi là làng Yên Phụ) đắp một con đê để khỏi đi vòng xuống Yên Ninh, và cũng bởi góc hồ này sóng lặng nên cá tụ về, họ vừa đắp đê thành đường, vừa để giữ cá. Và sóng đánh, nên họ phải vừa đắp vừa gia cố, nên gọi là Cố Ngự (tức là giữ cho vững). Sau người Pháp chiếm đóng Hà Nội, đọc trệch đi thành Cổ Ngư.

Thế kỷ 17, một số cung nữ của chúa Trịnh phạm lỗi bị đưa ra đây, và họ phải tự sinh sống bằng cách lấy trúc ven hồ mà chế biến và dệt thành lụa, thứ lụa rất đẹp màu trắng nên hình thành tên gọi Trúc Bạch. Giờ quanh hồ vẫn còn làng đúc đồng Ngũ Xã. Nhưng cũng mai một nhiều, chả còn mấy nhà giữ nghề xưa nữa…
Ảnh: Blog Tiêu Phong.
Sâm cầm hồ Tây. Giờ chỉ còn là thảng hoặc đôi khi. Thứ chim mà làng Nghi Tàm bị vua Tự Đức sức chiếu, bắt tiến cúng mỗi mùa chim về 10 đôi. Đình làng Nghi Tàm giờ vẫn còn giữ sắc chiếu của Tự Đức khi xưa về việc tiến vua thứ chim quý này.

Hà Nội. Mỗi mùa mỗi cảnh. Chả biết ai có sáng kiến trồng loạt hoa ban ở vườn Hồng, trông sang lăng Bác. Mỗi độ xuân về, những nở bung hồng sắc trong se lạnh làm tâm ý người qua cứ vấn vương, vương vất…
Ảnh: Blog Tiêu Phong.
Ảnh: Blog Tiêu Phong.
Những góc phố, những hàng cây. Sự thân thương qua từng vùng, từng khu của Hà Nội. Trong tâm thế của người cảm nhận, mỗi vẻ sẽ mỗi khác. Tản văn này, xin chia sẻ với những bạn bè Hà Nội, và với những ai đã qua đây, và sẽ qua đây…

Vài nét về tác giả:

Buồn cái sự đời nhâm nhi cái vui buồn thường nhật – Tiêu Phong.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *