XIN ĐỪNG HIỂU SAI TỪ PHẢN BIỆN

Người xem: 261

Nếu tác giả của quyết sách sai lầm lại coi như không nghe thấy các ý kiến phản biện, hoặc chê đó là phản biện Chí Phèo, thì tư duy ấy còn thua xa tư duy đẽo cày giữa đường của bác nông dân kia.
Một bên đẽo cày giữa đường, một bên…Chí Phèo?

Lẽ ra phản biện xã hội là chuyện bình thường, chẳng cần phải bàn cãi. Thế nhưng, có một vài chủ trương chính sách, dự án đầu tư lớn (sau đây gọi gộp là quyết sách) được quyết trong tình thế vẫn còn nhiều tranh cãi trong dư luận. Không ít người có ấn tượng dường như việc góp ý (phản biện) của dân lại chưa được xử lý thỏa đáng.

Trong bài viết “Phong cách Chí Phèo và văn hóa phản biện”, dường như tác giả Phạm Hoài Huấn lí giải những rắc rối dạng ấy là do bên phản biện có những người hành xử theo kiểu Chí Phèo, và bên nhận phản biện ứng xử theo tư duy đẽo cày giữa đường.

Theo tác giả, phản biện kiểu Chí Phèo là do không am hiểu vấn đề nên phản biện thiếu lập luận, chỉ nói cho bõ tức, “chỉ cần nói ngược lại những điều nhà nước nói”. Nghĩa là nói lấy được, không xét hậu quả. Nguyên nhân do họ nghĩ rằng phản biện ở ta không thể có tác dụng tích cực. Mặt khác do lời lẽ phản bác “càng đao to búa lớn thì càng nhận được ủng hộ nhiệt liệt của cộng đồng dân cư mạng” – “hào quang của thế giới ảo” ấy rốt cuộc đã khiến họ “bước ra khỏi ranh giới của quyền tự do ngôn luận”. Hậu quả là “một loạt chủ nhân các blog đã gặp quá nhiều rắc rối về mặt pháp luật vì lý do này”.

Cũng theo tác giả, tư duy đẽo cày giữa đường là tư duy của “người tiếp nhận phản biện không có được một sự vững vàng về mặt lập trường(?), cùng với một nền tảng kiến thức tốt trong lĩnh vực mà người này đang đảm nhận”. Nó phản ánh một tồn tại lớn hiện nay: Thiếu trình độ chuyên môn, chưa nghiên cứu tính toán nghiêm cẩn đã vội vàng đưa ra quyết sách lớn, do đó khó tránh sai lầm, nếu thực thi sẽ gây tổn thất khôn lường cho nước nhà.

Đúng là không loại trừ khả năng có người có thái độ bất mãn, nói cho bõ tức, nhưng số này rất ít. Đa số dân ta thực sự lo cho vận mạng đất nước trong thời điểm có nhiều nguy cơ như hiện nay. Tuy nhiên, nếu coi phản biện kiểu Chí Phèo và ý muốn “tạo hư danh trên cộng đồng mạng” là nguyên nhân chính dẫn đến việc một số blogger “bị tuýt còi”, thì e rằng chưa phản ánh đúng và đủ thực tế.

Chúng ta cũng không thể phủ nhận thực tế, thời gian qua nhiều ý kiến phản biện cũng chưa được coi trọng, thậm chí không có hồi đáp, và chưa được lắng nghe, do đó không thể nói phản biện đã có tác dụng tích cực. Vì thế dĩ nhiên xuất hiện cách phản biện kể trên.

Tư duy đẽo cày giữa đường không tồi. Bác nông dân chưa biết cách làm chiếc cày nên có sáng kiến ra đầu đường vừa đẽo cày vừa hỏi ý kiến người qua lại. Cho dù cuối cùng làm hỏng khúc gỗ nhưng thái độ khiêm tốn học hỏi ấy rất đáng hoan nghênh và bác rút ra được bài học quý hơn nhiều so với khúc gỗ đẽo hỏng: “Làm việc gì cũng phải có chính kiến riêng và kiên trì con đường đã chọn”.

Rõ ràng, nếu tác giả của quyết sách sai lầm lại coi như không nghe thấy các ý kiến phản biện, hoặc chê đó là phản biện Chí Phèo, thì tư duy ấy còn thua xa tư duy đẽo cày giữa đường của bác nông dân kia.


Quyết sách sai lầm sớm muộn sẽ bị chính thực tế phản bác. Một khi quyết sách đã đưa vào thực thi thì thất bại sẽ được sử sách ghi vào loại “nghìn năm công tội”. Đây là thất bại của bệnh chủ quan duy ý chí rất phổ biến trong các xã hội thiếu dân chủ.

Tác giả có lý khi cho rằng “phản biện là một việc làm cần thiết”, “để hoạt động phản biện có hiệu quả, trước hết giới cầm quyền phải chấp nhận việc phản biện”. Nếu được như thế thì đã chẳng có phản biện kiểu Chí Phèo.

Xin đừng hiểu phản biện là phủ nhận

Thế nhưng, câu “phản bác, (í quên, phản biện chứ!)” để lại ấn tượng tác giả chưa phân biệt rõ phản biện với phản bác. Đây là vấn đề cần bàn cho ra nhẽ.

Phản biện là một từ hoàn toàn do người Việt tạo ra, ghép bởi hai từ gốc chữ Hán-Việt. Trong tiếng Trung Quốc có từ phản và từ biện, nhưng không có từ phản biện. Phản là ngược lại, chống lại; vì thế phản biện dễ bị hiểu là biện luận theo chiều ngược lại, chiều phản đối, phản bác, phủ nhận.

Theo chúng tôi, có lẽ từ phản biện là dịch từ tiếng Nga opponent (vì ở Liên Xô cũ, khi bảo vệ luận án học vị phó tiến sĩ hoặc tiến sĩ nhất thiết phải có opponent), đúng với định nghĩa của Từ điển tiếng Việt : “Phản biện là đánh giá chất lượng một công trình khoa học khi công trình được đưa ra bảo vệ để lấy học vị trước hội đồng chấm thi”.

Vì phản biện không có từ tương đương trong tiếng nước ngoài (trừ tiếng Nga), cho nên hợp lý hơn cả là tất cả chúng ta nên thống nhất hiểu nó theo giải thích nói trên: phản biện là đánh giá chất lượngmột cách khoa học các chủ trương chính sách, dự án làm việc gì đó (đầu tư, kinh doanh …), công trình nghiên cứu, tác phẩm v.v…

Tác giả bài Lại nói về “Phong cách Chí Phèo” trong phản biện cũng viết: Mọi người dễ hiểu nhầm phản biện là phủ nhận, phản bác lại cái đang có. Đó là cách nhìn phiến diện, thiếu thiện cảm với người phản biện. Người phản biện là những người trước tiên phải nắm vững thông tin, có kiến thức chuyên môn về vấn đề phản biện.

Tóm lại, tuyệt đối chớ nên hiểu nhầm phản biện là phản bác, phản đối, phủ nhận – những chuyện người phương Đông chúng ta chẳng ai thích cả, nhất là lãnh đạo.

Thực ra, việc phát triển các tổ chức tư vấn là một trào lưu tiến bộ trên thế giới. Trong xã hội dân chủ, đây là các tổ chức tập hợp nhà trí thức – thường được gọi là Kho Trí tuệ, tiếng Anh là Think tank – nhằm thực hiện quyền công dân tham gia quá trình quyết sách.
Chính quyền các nước phát triển đều tranh thủ tận dụng được trí tuệ của các Think tank, vì vậy nhìn chung quyết sách của họ ít sai và hợp nguyện vọng đa số dân. Chúng ta có nên theo trào lưu nói trên hay không?

Chịu học và nghe cái mới
Trung Quốc hơn Việt Nam cả nghìn năm tuổi, do đó không còn là “nước 4000 năm vẫn trẻ con” (Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu). Thời gian qua người Trung Quốc đã rút ra được bài học quý giá về chuyện tại sao họ cố gắng phấn đấu hy sinh nhiều đến thế, tiến hành bao nhiêu cuộc cách mạng, bao nhiêu phong trào mà vẫn ì ạch đi sau thế giới rất xa. Thiết tưởng ta nên thử xem qua bài học đó như thế nào.

Ngân hàng Thế giới đánh giá trong thời gian kế hoạch 5 năm lần thứ 7 đến kế hoạch 5 năm lần thứ 9, các sai lầm về quyết sách đầu tư của Trung Quốc gây thiệt hại kinh tế ước khoảng từ 400 đến 500 tỷ nhân dân tệ (1 nhân dân tệ tương đương 0,146 USD).

Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Ngô Bang Quốc nói lãng phí lớn nhất của nước này là do các sai lầm quyết sách chiến lược gây ra. Giáo sư Mao Chiêu Huy ở Đại học Nhân dân Trung Quốc đánh giá tỷ lệ quyết sách sai lầm của Trung Quốc là 30%, của các nước phát triển là 5%.

Người Trung Quốc thông minh không kém người phương Tây, lại đông dân, lắm nhân tài, cớ sao nhiều quyết sách sai? Đó là vì hầu hết quyết sách ấy đều do một nhóm (thậm chí một cá nhân) lãnh đạo cao nhất làm ra mà không tận dụng trí tuệ của xã hội – nguồn lực quý nhất, quan trọng nhất của mỗi quốc gia.

Cách quyết sách ấy có căn nguyên sâu xa là truyền thống tư tưởng Đại Nhất Thống. Tần Thủy Hoàng “đốt sách, chôn nhà Nho” vì nhà Nho là nhà trí thức, biết nhiều nên hay “phản biện” mà vua Tần chỉ muốn Nhất thống thiên hạ, tập trung toàn bộ quyền lực vào tay mình, tự mình quyết hết.

Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông tôn Lỗ Tấn là Đệ nhất thánh nhân Trung Quốc, nhưng chính ông lại nói nếu bây giờ còn sống thì Lỗ Tấn hoặc không viết gì nữa hoặc ngồi tù.

Để sửa cách quyết sách nói trên, thập kỷ 80 Đặng Tiểu Bình đề xuất Khoa học hóa quyết sách. Một số chuyên viên cấp cao rời cơ quan nhà nước ra ngoài lập cơ quan nghiên cứu của mình. Năm 2003 Ủy ban Phát triển Cải cách công khai tổ chức mời thầu đề tài lập quy hoạch 5 năm lần thứ X.

Năm 2004 Trung ương ĐCSTQ chỉ thị: Phải làm cho giới khoa học xã hội trở thành “Kho tư tưởng” và Think tank của Đảng và Chính phủ. Hiện nay Trung Quốc đã xây dựng được hệ thống tư vấn lớn thứ 2 thế giới với hơn 2000 Think tank nhà nước và dân lập, vài trăm nghìn nhân viên.

Đầu năm 2009, Chính phủ Trung Quốc cấp 5 triệu nhân dân tệ lập “siêu Think tank” Trung tâm Giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc (CCIEE), do nguyên Phó Thủ tướng Tăng Viêm Bồi cùng nhiều vị bộ thứ trưởng và thống đốc ngân hàng lớn đương chức hoặc nghỉ hưu phụ trách.

CCIEE sẽ tiến tới trở thành một Think tank dân lập, không dùng tiền nhà nước. Để học kinh nghiệm nước ngoài, họ đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Think tank toàn cầu (7/2009), Hội nghị đối thoại chiến lược Think tank Trung Quốc-ASEAN (10/2010)…

Trung Quốc đang tiến tới thực hiện quá trình quyết sách theo quy trình khoa học, dân chủ: trước tiên các Think tank nghiên cứu đề xuất kiến nghị quyết sách. Sau đó đưa ra công luận bàn thảo đánh giá (tức phản biện). Cuối cùng Chính phủ lựa chọn tiếp nhận quyết sách tốt nhất và trình Quốc hội xem xét quyết định.

Lãnh đạo nước này đổi mới tư duy nhanh như vậy là họ rất chịu khó học cái mới. Bộ Chính trị, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thường xuyên tổ chức học tập thể, mời chuyên gia mọi ngành đến giảng dạy về các trào lưu phát triển mới trên thế giới.

Tóm lại, khoa học hóa, dân chủ hóa quá trình làm quyết sách là xu thế tất yếu của nhân loại.
Lựa chọn lấy cái tốt nhất

Quá trình quyết sách ở ta trước nay khác với thiên hạ: Quyết sách được quyết rồi sau đó mới đưa ra bàn, xem xét, mà nhiều khi, việc bàn bạc ấy, nhất là đưa ra công luận, lại mang nặng hình thức.

Khâu nghiên cứu của hệ thống cơ quan tư vấn phần nhiều bị bỏ qua, vì thế, không tận dụng được trí tuệ xã hội, ảnh hưởng tới chất lượng quyết sách.

Thêm vào đó, ta lại có bệnh sợ (ghét) phản biện, vì sợ ảnh hưởng tới uy tín của lãnh đạo, và lòng tin của dân và hệ quả của nó là việc tìm cách hạn chế các phát biểu ngược chiều. Thế nhưng, thực tế hoàn toàn ngược lại, khi ý kiến trái chiều bị hạn chế, lòng tin và uy tín mới thực giảm. Còn khi các chủ trương, chính sách được chủ động đưa ra xin ý kiến dân, chắc chắn, sẽ tận dụng được trí tuệ xã hội. Phản biện khi ấy sẽ có tác dụng tích cực, chứ không phải là phản biện “kiểu Chí Phèo” cùng các rắc rối kèm theo.

Quá trình quyết sách ở ta nên tiến hành theo quy trình khoa học đã nói ở trên. Với cách làm này nếu có phản biện thì chỉ là phản biện đối với các tổ chức tư vấn (Think tank) – nơi đưa ra kiến nghị quyết sách, chứ không có phản biện đối với nhà nước. Từ những kiến nghị ấy, Chính phủ và Quốc hội chỉ việc lựa chọn lấy cái tốt nhất. Như vậy vừa tránh được quyết sách sai, vừa tăng được sự đồng thuận trong xã hội.

Điều đáng mừng là gần đây ta đã bước đầu có nhận thức về nhu cầu làm công tác tư vấn, phản biện.

Tất nhiên nói dễ làm khó, nhưng nếu không làm thì chúng ta sẽ tụt sau ngày một xa các nước láng giềng. Muốn làm thế, trước hết tầng lớp lãnh đạo phải đổi mới tư duy cho hợp trào lưu quốc tế.

Thậm chí, có người còn nói: Người Việt mình nói hay, làm dở và chưa biết … đi. Bây giờ đã đến lúc dù té ngã cũng phải cố mà cất bước tập đi, kẻo quá muộn.

Theo TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *