Tết trong kí ức tôi là nâng niu trên đôi tay nhỏ những tấm thiệp chúc mừng năm mới bố mẹ mang về từ cơ quan rồi hít thật dài mùi giấy mới. Là niềm vui háo hức khi được nhận những tờ tiền mừng tuổi mới tinh, phẳng lì, là cảm giác vuốt thật chậm, gấp rất khẽ, cất nhẹ tiền trong túi áo khoác, thi thoảng, mang khoe với tất cả sự hãnh diện và lại giấu kín như một gia tài. Sau này, cuộc sống bận rộn gấp gáp, phải chạy cùng thời gian, đôi lúc vô tâm quên trân trọng giá trị của đồng tiền.
Tết trong trí nhớ của tôi là đến nhà người quen nào đó và cúi đầu cảm ơn khi xòe tay xin một vốc hạt dẻ ấm sực. Là mứt dừa vị ngọt dịu, mứt gừng cay nồng, ô mai mơ chua mặn, là ấm trà nóng khói lửng lơ tan. Là kẹo bạc hà nhân chocolate, không đủ kiên nhẫn để ngậm nên cố gắng cắn vỡ kẹo để chocolate ngọt lịm đầu lưỡi. Là mưa bụi thơm lên tóc, là gió làm xanh lộc non, là đào hồng phớt, quất mọng quả, hoa trắng nhỏ xinh. Là mâm ngũ quả, xôi gấc, gà luộc, bánh chưng, rượu ngâm thắp hương dâng bàn thờ. Là đến lễ chùa mồng một tết, cầu bình yên, an lành, sức khỏe, thành đạt, hạnh phúc, sung túc trọn vẹn cho cả năm.
Là bánh chưng dẻo nếp hoặc rán vàng giòn chấm với mật ong, là ăn vụng thịt bò khô bị mẹ phát hiện. Là lén uống một ngụm rượu vang và nhìn bố cười. Là rải đầy sỏi trắng ở chậu cây, là cùng cả nhà dọn dẹp nhà cửa và than mệt. Là vặn vòi xả đầy nước vào những quả bong bóng rồi chị em mang ném nhau, hoặc lấy hết hơi phồng mồm thổi treo đầy nhà. Là mặc quần áo đẹp từ vài hôm trước Tết để lượn đi lượn lại trong nhà xem có ai khen không.
Là hương trầm quyện trong không khí, quen thuộc đến nỗi có lúc tự ngửi thấy thoang thoảng trong tiềm thức. Là vặn loa thật to và replay bài hát bất hủ “Happy new year” của ban nhạc ABBA. Một mùa Tết nữa đang gần, có lúc nào vô tình ngang qua con đường lạ, nơi đất khách, văng vẳng trên loa phát thanh khúc hát đón xuân về, lòng chợt thổn thức lẫn rộn ràng. Những ngày cuối năm, con người ta vội vã hơn để kịp mọi việc, nhưng cũng ngừng chậm một nhịp sống để cảm nhận trời đất giao mùa.
Là đi ngủ trước giao thừa và dặn bố mẹ gọi dậy ngắm pháo hoa, nhưng nhiều năm vẫn quấn mình ngủ vùi trong chăn và không chịu dậy. Lúc tỉnh, ngơ ngẩn tiếc vì bỏ lỡ khoảnh khắc quý giá một năm chỉ có một lần. Hồi còn bé, chỉ mong Tết đến thật nhanh. Lớn lên, vẫn nguyên vẹn những trông mong đợi chờ, tuy nhiên vẫn len lỏi chút nuối tiếc tiễn đưa năm cũ. Hướng đến tương lai với niềm tin về những điều tốt đẹp, nhưng ngoảnh đầu nhìn lại một năm đã trở thành quá khứ. Bởi thế, trong bữa cơm tất niên cuối năm, lòng người thường dịu như một nốt lặng!
Hồi còn bé, trước giao thừa cứ nằng nặc đòi bố mẹ được ra đường đi chơi với bố mẹ. Lúc lớn, bắt đầu xa nhà, thấm thía và thấu hiểu rằng: Tết là để trở về! Tết là dịp gần nhau hơn, là cái cớ để sum họp đoàn viên, là cơ hội lắng nghe và sẻ chia, là thời điểm khởi đầu để chân thành chúc vạn sự tốt lành cho cả năm. Là ấm áp cho mùa đông, là sức sống cho mùa xuân, là nồng nàn cho hạnh phúc, là những xúc cảm đặc biệt, là vô vàn yêu thương!
Nếu như ai đó cho rằng Tết là lãng phí tiền của, thời gian, công sức… Nếu ta đồng ý gộp Tết Âm lịch vào chung ngày với Tết Dương lịch tiết kiệm những thứ kể trên, hẳn khi ấy, ta cũng đã đánh mất rất nhiều. Có những thứ không thể đo đếm, tính toán như vật chất. Là những thói quen, phong tục, tập quán, là giá trị tinh thần, là sự thiêng liêng quý báu, là tâm trạng, nỗi niềm… không gì đánh đổi nổi. Tết còn là văn hóa, là bản sắc riêng, là nét đẹp cổ truyền. Hòa nhập chứ không hòa tan, đổi mới chứ quyết tâm không biến mất. Bởi Tết mang ý nghĩa quan trọng sâu sắc, chứ không phải là một kì nghỉ cuối năm!
Tin cùng chuyên mục:
Hà Nội: Hành trình kiến tạo bản sắc từ di sản văn hóa
Tinh gọn bộ máy – Khẩn trương, quyết liệt trong chỉ đạo của Tổng Bí thư
Mỹ viện trợ quân sự Ukraine thêm một tỷ USD
“Rận chấy cắn nhau” và bộ mặt thật của những kẻ cơ hội chính trị