Từ chuyện ông già bán me nuôi cháu gây xúc động “cộng đồng mạng”
Cái sự lợi lộc nhất (mà có thể là duy nhất) mà tôi thấy được ở facebook, đó chính là đã tạo nên một “cộng đồng” rộng lớn, mà ở đó, bất kì một thông tin nào được chia sẻ, đều có thể lan truyền nhanh với tốc độ chóng mặt. Đã qua rồi cái thời lên báo để hóng tin hot, giờ chỉ cần check facebook mỗi ngày là chẳng bỏ qua được bất kể thông tin đủ mọi lĩnh vực: chính trị có, giải trí có, sex sốc sến gì có hết… Chính vì cái sự đông đảo và tập hợp vô số các anh hùng bàn phím ngày ngày lấy chém gió làm vui, mà “cộng đồng mạng” trở thành một khái niệm dù mới xuất hiện nhưng có sức mạnh to lớn khiến bất kì nhà báo nào cũng phải đôi phần nể nang. Thế mới có chuyện giờ đọc tin trên báo toàn thấy minh họa bằng mấy hình chụp lại comment của “cộng đồng mạng” trên facebook, và dần dần người ta bắt đầu mặc nhiên thừa nhận luôn đó là ý kiến của tất cả mọi người.
Nói về chuyện ông già bán me. Nhiều người nói đây là một trong những “tác phẩm” thành công của lều báo và cộng đồng mạng. Khi mà một bên tung lên câu like theo kiểu: “LIKE nếu như bạn thương ông cụ”, “SHARE nếu như bạn muốn mọi người cũng thương ông như bạn” (!), còn một bên ngày ngày như hổ đói hóng tin, thấy có gì hot là cứ phải lên bài ngay cho kịp còn kiểm chứng như nào tính sau !
Câu chuyện đưa lên báo là thế này:
Mấy ngày qua, cộng đồng mạng chia sẻ hình ảnh của vợ chồng ông già ngày ngày trèo lên những cây me cao vút để bán cho người qua đường. Trên các diễn đàn, thông tin, địa chỉ của vợ chồng ông được cập nhật liên tục để mọi người có thể giúp đỡ hoàn cảnh đáng thương này.
Hình ảnh ông lão già ốm yếu, trèo lên tận ngọn, chuyền từ cành này sang cành khác, vươn người để víu những chùm me khiến không ít người thương cảm. Xót xa hơn khi bà Ánh chia sẻ vợ chồng đang mướn nhà bên đường Nguyễn Duy Trinh, P.Phú Hữu, Q.9 với giá 1,3 triệu đồng/tháng.
Hàng ngày, khoảng 3 giờ sáng, vợ chồng bắt xe buýt từ Q.9 lên trung tâm thành phố, rồi đi bộ trên các con đường để xem cây nào trái chín nhiều. Khoảng 4 giờ, trời rạng sáng, ông bắt đầu thực hiện công việc ròng rã suốt 30 năm nay vẫn làm.
Sau khi hái được kha khá, khoảng 6 giờ, bà Ánh mang tới ngã 3 Ngô Văn Năm – Tôn Đức Thắng, P.Bến Nghé, Q.1 bày bán. Bà Ánh cho biết một ngày kiếm hơn 100.000 nghìn đồng, có ngày bán ế chỉ được vài chục nghìn, ngày cao nhất thì gần 200.000 đồng.
Với thông tin được truyền đi với tốc độ chóng mặt, khá nhiều người có lòng hảo tâm đã đến giúp đỡ ông bà hái me.
Nhưng, câu chuyện này trở thành nỗi nghi ngờ lớn, khi có người phản ánh, khi đi qua đường Tôn Đức Thắng và định mua me giúp ông lão ít tiền, mà ông lão không còn ở đó.
Sau khi lên báo chán chê, đưa tin mệt nghỉ, dân tình động lòng trắc ẩn cũng đua nhau đến giúp đỡ. Bỗng nhiên có vài người chợt nhớ lại câu chuyện về bà cụ tội nghiệp bán trà đá ở hồ Thiền Quang thuở thì giật mình mới thử đi xác minh xem sao. Hỡi ôi sự thực chẳng ngoài dự đoán, vừa đến nơi hỏi người dân xung quanh đã thấy ai ai cũng lộ vẻ bức xúc cái sự nhiệt tình tốt bụng đặt nhầm chỗ của người hảo tâm:
Hỏi cô bé bán mấy bài hát cải lương và nhạc vàng cũng ngay chỗ đó, cô bé tên Oanh, sinh viên ĐHKHTN, đã bán nơi này lâu rồi kế bên chỗ ông lão, cô bé nói : “Mấy ngày nay em lên Facebook, em thật sự thấy bất ngờ, vì em ở đây, rõ hơn ai hết, nhiều người tới ủng hộ và giúp đỡ tiền ông lão rất nhiều. Em cũng không muốn nói ra làm gì, nhưng thật sự thấy mọi người giúp không đúng người, lòng tốt chưa đúng chỗ, đó chỉ là 1 trò lừa. Ông ấy có nhà ở Tây Ninh. Ông ấy có 4 đứa con, đều có nhà cửa ở SG, công việc họ rất tốt. Ông bán me về, đi xe máy, và không nuôi cháu bệnh gì cả, vợ ông cũng bán me gần đó, ông bán me nuôi 4 người con trưởng thành. Nhưng ông đề đóm, cờ bạc, con cái mua cho nhiều xe, rồi cũng bán hết ! Người con trai làm đô thị hay ghé thăm, kêu cha về đừng bán nữa ! Nhưng mỗi ngày ông kiếm hơn 500k nhờ sự ủng hộ của mọi người! Gần đây nhờ thông tin trên Facebook, mọi người ủng hộ còn nhiều hơn, các bạn sinh viên mang thức ăn, cafe đến cho ông, người hảo tâm cho tiền !”
Tới khu vực ông lão hay hái me thì được bác xe ôm tưởng chúng tôi là những người làm từ thiện liền nói: “Cô đã tìm hiểu về vợ chồng ổng chưa mà giúp đỡ? Cô vào chốt dân phòng hỏi đi cho rõ sự tình”. Gặp anh dân phòng của khu vực và được giải thích với thái độ khá bức xúc khi được hỏi về hoàn cảnh của vợ chồng ông già hái me xôn xao cộng đồng mạng: “Ổng hút xì ke 3 chế độ. Con rể (chồng của con nuôi bà bán me) là thanh tra xây dựng Phường Bến Nghé. Ổng bán để đành hút, chích, đổi xe liên tục, đánh bài, chơi đề. Hái me chỉ là hình thức thôi, để người ta thấy tội nghiệp rồi cho tiền. Ông già được cho tiền rất nhiều, nghe nói 60 mấy triệu. Vợ chồng ổng chỉ bán ở đây khoảng 2 năm”.
Quay lại gặp chú xe ôm, với bức xúc không kém, chú chia sẻ: “Vợ chồng dạng bụi đời. Mà tui thấy bức xúc khi từ thiện không đúng chỗ. Tôi làm ở đây sao không biết. Nhưng tui muốn em gặp dân phòng – người của chính quyền để xác thực thông tin. Một ngày đánh đề 2 cử.”
Thế đấy !
Lòng tốt giờ đã hiếm, sao có kẻ còn muốn chiếm không?
Xưa nay không hiếm những màn lật tẩy ăn xin kiểu ngày cầm ống bơ tối đi lượn lờ SH rồi, tưởng đâu chỉ có bọn thanh niên nhác nhưởi không chịu làm ăn mới sinh ra cái trò lừa lọc ấy, thôi thì bắt gặp được cùng lắm ai nóng máu đánh một trận cho chừa đi, ai không muốn bẩn tay thì báo dân phòng gô cổ lại thôi. Nhưng mà hiếm chuyện ông bà già cũng thích chơi “chiêu trò” thế này lắm, nên là dù giờ ăn xin thật giả lẫn lộn đến như nào, thì cứ thấy mấy cụ ông cụ bà là người ta sẵn sàng đưa tay giúp đỡ chẳng màng chút nghi ngờ ngay.
Giờ nghe câu chuyện ông già bán me, hẳn ai cũng phải chạnh lòng nhớ lại hình ảnh cụ già hồ Thiền Quang ngày nào. Người không liên quan thì buông tiếng thở dài ngao ngán, người đã “trót lỡ” xúc động mà giúp đỡ nhiệt tình thì chắc chỉ biết tự trách mình lớn đầu rồi mà còn dễ tin người mà thôi.
Lúc nào chẳng vậy, chuyện xảy ra lần đầu, tặc lưỡi bảo chắc hạn hữu mới có. Đến lúc chuyện y vậy tiếp diễn đến lần hai, cái lòng tin ban đầu sẽ ngay lập tức sụp đổ.
Thời buổi kinh tế thị trường, lạm phát giá cả tăng chóng mặt, ai mà chẳng muốn thành kẻ ăn không. Thấy của rơi vội vàng nhặt lấy, thấy người bán hàng trả nhầm vài nghìn là hí hửng cười cả ngày không thôi. Cái sự thèm khát vật chất ấy, có thể hiểu được là do hoàn cảnh thiếu thốn đưa đẩy. Nhưng đến cả lòng tốt chân thành (vốn đã hiếm hoi) cũng có kẻ tham lam muốn chiếm không chẳng chút tự trọng. Rồi xã hội này sẽ thành thế nào đây?
Lòng tốt bị lợi dụng, rồi ta có trở nên vô cảm
Một độc giả sau khi đọc bài viết lật tẩy sự thật đã thốt lên rằng: “Báo chí cứ đưa tin không chịu tìm hiểu thế này, dần dần chẳng trách ai ai cũng khép kín lòng tốt lại. Rồi báo lại đăng bài con người Việt Nam vô cảm mà thôi.
Người độc giả ấy không phải nói không có lý, khi mà giờ đi ra đường thấy ăn xin trong lòng phân vân chẳng biết có phải lại là đám người lười nhác giả đau giả khổ kiếm tiền? Thậm chí còn có trường hợp nhân danh chùa này hội khuyết tật kia để đến tận cửa nhà dụ người dân mua hàng, góp công đức… Cái thời buổi thật giả lẫn lộn, lòng tốt nhầm chỗ mãi, rồi cũng phải tự khép dần lại, chẳng tin được ai dễ dàng nữa mà thôi…
Nguồn: nhặt trên Net
Tin cùng chuyên mục:
Kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ
Tại sao Nga vẫn chưa đáp trả? Khi nào Nga mới áp dụng biện pháp răn đe hạt nhân như Học thuyết mới đã nói?
Công an Hà Nội lập công lớn trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia
Thực phẩm chức năng giả: Hiểm họa từ những lời quảng cáo thổi phồng