BỘ TRƯỞNG XUỐNG CHỢ – CƯỠI NGỰA XEM HOA

Người xem: 318


(NLĐO) – Kiểm tra an toàn thực phẩm phải làm từ gốc: kiểm soát nguồn nguyên liệu, giám sát quá trình sản xuất, xử lý doanh nghiệp vi phạm… chứ không thể ra chợ cân đo đong đếm

Có thể nói ít có bộ trưởng nào chịu khó “vi hành” kiểm tra thực phẩm như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Thế nhưng, cả hai lần bà “vi hành” là cả hai lần dư luận xôn xao. Kiểm tra thì gióng kèn gióng trống thật rầm rộ nhưng sau đó thì đâu lại vào đấy. Thực phẩm bẩn vẫn tràn lan các chợ, người tiêu dùng phải nhắm mắt ăn liều vì khó có sự lựa chọn nào khác.

Hãy thôi biểu diễn

Nhìn thấy những hình ảnh hoành tráng của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát kiểm tra thực phẩm tại các chợ ở Hà Nội, nhiều bạn đọc ngỡ ngàng. Bạn đọc Hoàng Khắc Kha nhận xét: “Đi kiểm tra mà rần rần như đi lễ hội như vậy thì làm sao mà phát hiện thực phẩm không an toàn? Sao các vị không thử tìm hiểu xem người dân hàng ngày sinh sống, ăn uống ra sao?”.

Bạn đọc Quốc Thịnh nói thẳng: “Đi kiểm tra kiểu này thì làm sao phát hiện được hàng kém chất lượng? Đoàn kiểm tra chưa đến nơi thì cả chợ đã biết rồi nên ai dại gì đưa thực phẩm có vấn đề ra bày bán. Các quan nhà ta đi tới đâu rình rang đến đó, nào phái đoàn đưa đón, báo chí đưa tin… Chắc sợ người dân chúng tôi không biết các vị vi hành sao?”.

Trước những hình ảnh kiểm tra nhanh không phát hiện thực phẩm không an toàn, cả đoàn kiển tra vỗ tay tán thưởng trên truyền hình, bạn đọc Hữu Luân bày tỏ: “Quá biểu diễn! Đoàn đi kiểm tra có báo trước không? Cách kiểm tra như vầy là một kiểu hình thức, thông báo cho báo chí đến phỏng vấn chụp hình rồi loan báo: “Chúng tôi có đi kiểm tra thực tế đây, cách kiểm tra như vậy thì tốt đẹp rồi…”. Nếu muốn biết thực hư như thế nào, vài ngày sau các phóng viên cứ âm thầm vào chợ lấy mẫu về kiểm tra riêng thì sẽ rõ”.



Chán nản với cách làm này, bạn đọc Quang Vinh phân tích: “Không riêng gì kiểm tra thực phẩm mà bất cứ việc gì khi có đoàn cán bộ lớn đến thì địa phương, cơ quan liên quan được thông báo rầm rộ. Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri thì địa phương chọn lọc “cử tri mẫu”. Công an kiểm tra lấn chiếm lòng lề đường thì bà con buôn bán được báo trước dọn dẹp cho vừa mắt. Kiểm tra trường học thì học sinh được học trước bài và thực tập để “giơ tay thẳng hay giơ tay cong”… Cái bệnh hình thức đã ăn sâu vào mọi lĩnh vực, mọi hoạt động. Người dân ai cũng biết nên đâu thể “lòe” mãi được. Hãy gắng làm việc gì thực chất đừng cố đóng kịch làm gì”.

Lớt phớt phần ngọn

Nhiều bạn đọc cho rằng cách kiểm tra này không mang lại một chút kết quả thực tế nào. Không phát hiện thực phẩm bẩn tại chợ Đồng Xuân nhưng ai dám chắc tại đây không có thực phẩm bẩn? Rất nhiều chợ khác tại nhiều tỉnh, thành khác cũng thế, tực phẩm bẩn luôn tồn tại. Ngay những ngày này, quản lý thị trường các tỉnh biên giới phía Bắc còn phát hiện tràn lan thực phẩm bẩn từ Trung Quốc tràn về thì khó có thể nói thực phẩm hiện nay an toàn. Điều đáng lo ngại là trước “thành công” của chuyến vi hành này, nhiều người sẽ mất cảnh giác với nguồn thực phẩm tại các chợ.

Bạn đọc lấy tên Tám Sài Gòn cho biết: “Một năm 365 ngày, thử hỏi các bộ trưởng đi ra chợ kiểm tra được mấy lần, mà có đi kiểu này thì dân buôn cũng biết hết và đề phòng rồi. Không cần thiết phải hô hào như thế, hãy giao nhiệm vụ sát sao cho từng bộ phận có trách nhiệm và kiểm tra giám sát công việc chặt chẽ hàng ngày thì hiệu quả hơn nhiều”.

Bạn đọc Liên Hiệp chia sẻ: Kiểm tra vệ sinh thực phẩm là phải đi từ gốc chứ đi từ ngọn nhưng hiện nay thì không ổn tí nào. Tại sao các ngành chức năng không đi kiểm tra trực tiếp các cơ sở sản xuất mà đi ra chợ làm gì cho mệt? Tại sao các ngành chủ quản không phối hợp với các phường/xã là nơi nắm rõ các công ty, cơ sở sản xuất trên địa bàn mình mà lập đoàn kiểm tra lấy mẫu trực tiếp và ra quyết định đình chỉ sản xuất nếu thấy mất vệ sinh, không an toàn cho người sử dụng?”.

Bức xúc với việc bộ trưởng thì cứ vi hành nhưng thực phẩm bẩn vẫn đầy các chợ, bạn đọc Tâm Lan nói rõ: “Có cái gì đó không ổn khi bộ trưởng phải trực tiếp đi kiểm tra thực phẩm tại chợ. Lực lượng chuyên ngành ở đâu, làm việc như thế nào ? Các cơ quan chức năng có làm hết trách nhiệm… ?”. Bạn đọc Vĩnh Phúc dẫn chứng: “Chỉ cưỡi ngựa xem hoa mà thôi. Nhà tôi tại một chợ nhỏ nên rất dễ phát hiện người bán tẩm hóa chất vào thực phẩm chín, tươi sống như các loại dưa chua tẩm bằng chất bột màu trắng pha vào nước, cá biển tẩm phân u rê, thịt sống thì tẩm hàn the…, chẳng thấy ai kiểm tra cho nên họ cứ thế mà bán bao lâu nay”.


Bạn đọc Tiếng Xưa cho rằng: “Hàng độc hại thì người ta giấu kỹ, ai bày ra đó cho kiểm tra. Hãy đi sâu vào các cơ sở sản xuất mới thấy hết mức độ độc hại của thực phẩm”. Bạn đọc Hoàng Lai góp ý: “Việc của bộ trưởng là thiết lập các tiêu chuẩn ATVSTP, đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm kiểm tra ATVSTP, giao trách nhiệm quản lý ATVSTP kèm theo chế tài nếu không hoàn thành nhiệm vụ… Bộ trưởng đi “tham quan” chợ cũng tốt nhưng không cần lắm!”.
Kiểm tra phải thực chất

“Hai vị bộ trưởng cầm đầu các đoàn gồm những quan chức cỡ bự đi vào chợ kiểm tra một cách ồn ào thế này thì tất nhiên là “cái gì cũng tốt” cả thôi, ấy là chưa kể rất có thể những người có hàng bị kiểm tra đã biết trước để chuẩn bị. Hồi cán bộ lãnh đạo còn đi xe Volga và Lada, chúng tôi không ít lần tháp tùng chú Sáu Dân đi xe cà tàng, mặc đồ bình dân vào các chợ Bến Thành, Bình Tây – TPHCM;, Đồng xuân, Chợ Hôm -Hà nội… quan sát hàng hóa và việc mua bán của nhân dân để góp phần đánh giá chính xác thực trạng thị trường, kể cả việc buôn bán hàng cấm… Ngoài những người trong đoàn ra thì chẳng ai biết những chuyến đi như thế và như vậy mới đạt mục đích đi thị sát thực tế. Thôi thì bây giờ thời hiện đại, các vị đi vi hành như thế cũng quý, nhưng có lẽ nên rút kinh nghiệm để việc kiểm tra được thực tế và đạt mục đích thật sự” – bạn đọc Trần Trung bày tỏ.


Phạm Hồ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *