TỪ LỄ ƠN THẦY NGẪM VỀ GIÁO DỤC

Người xem: 277

LâmTrực@

Sau ngày Tết thầy cô, cảm giác vẫn lâng lâng, khó tả. Mỗi năm  một lần, cứ đến ngày 20/11, dù là ai, làm gì và ở đâu, người ta cũng không thể không nghĩ về các thầy, các cô và những ngôi trường mình đã đi qua một thời.

Trong phút chốc, người ta mau chóng quên đi những lo toan thường nhật, thay vào đó là tấm lòng hướng về thầy cô, trước là để tri ân cuộc đời, sau là cùng lo lắng cho tương lai của nền giáo dục nước nhà.

Ai cũng nhớ lại cái ngày xưa của mình, ai cũng đầy ăm ắp những kỉ niệm vui buồn thời đi học. Nhưng hết thảy, dù vui hay buồn, dù ngoan hiền tử tế hay ngỗ nghịch… tất cả đều biến thành những ký ức đẹp đẽ, ngọt ngào. Đằng sau những hoài niệm ấy là những nụ cười sảng khoái và tất nhiên ai ai cũng xốn xang.

Ngày trước, không lâu lắm, đi học mới đầu là để học kiến thức, học làm người, sau dần xa hơn thế là học cách học và học cách tự học và rồi sau khi ra trường chúng ta đều phải tự học cả đời. Bởi chính cuộc đời mới là ngôi trường lớn nhất. 

Vì thế, ta không chỉ nên tri ân với các thầy cố chính danh mà cần thiết phải tỏ lòng biết ơn với những thầy cô chưa hoặc không chính danh. Nếu như nhà trường với ý nghĩa đầy đủ nhất của nó trang bị cho chúng ta những kiến thức  cơ bản, căn cốt nhất để làm người như một bản mẫu, thì chính cuộc đời, góp phần hoàn thiện ta, gọt giũa chúng ta, làm chúng ta bóng bẩy và có màu sắc với đời.

Tất nhiên, không có khuôn vàng thước ngọc cho việc tri ân với thầy cô. Mỗi người, tùy thuộc vào bản tính, điều kiện để gửi tới các thầy các cô những món quà cả vật chất và tinh thần thể hiện lòng biết ơn của mình mà không kể thân phận sang hèn giàu nghèo. Và các thầy, các cô không lấy kích cỡ của món quà hay những biểu hiện vật chất của nó để đánh giá tấm lòng của các trò, với họ, tất thảy đều thiêng liêng, cao quý.

Đối với các thầy các cô, chỉ một bông hoa, một thiệp chúc mừng, một chiếc áo hiệu Việt Tiến, một cây bút Thiên Long  hay một cuốn sổ tay Hồng Hà… mà các trò đem tặng cũng đã tạo nên một dấu ấn khó phai mờ. Thậm chí, đối với các thầy, chỉ một tin nhắn qua điện thoại, hay một nỗi nhớ man mác của trò về thầy, về cô thôi đã đủ làm họ ngất ngây rồi.
Trở lại với thực tại, ngày lễ ơn thầy năm nay có chuyện lắm người sẵn sàng chi cả nghìn đô mua siêu quà để cám ơn mà gây “ấn tượng”. Đua nhau thể hiện lòng thành sang hơn người. Chả biết thầy có nhận quà này không, nhưng nhiều thầy cô đến hoa cũng không muốn nhận vì sợ làm phiền trò. Lại có thầy buồn một phút vì tận tâm giúp trò, chỉ mong một tin nhắn cũng không có…

Hàng ngày, qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Internet, chúng ta được biết “một bộ phận không nhỏ” thầy cô khó khăn phải dạy thêm, vẽ trò múc cháo để mong tiền trao. Nhưng vẫn có cô 12 năm đi 55km tới trường, tiếp sức cho hơn nghìn trò nghèo chỉ mong được món quà quý giá nhất là trò vươn lên, thành đạt.

Mới hôm qua thôi, Lâm Trực đã đọc và đăng lại một bài viết có tên: BÀI CA ẤY, LOÀI HOA ẤY, ĐẸP NHƯ EM… của tác giả Mai Thanh Hải mà thấy xót xa cho các thầy, các cô vùng cao. Xa hơn nữa là xót cho nền giáo dục của nước nhà. Giá như chúng ta có trách nhiệm hơn với Vinalines, Vinashin… thì số tiền đó có thể xây dựng cơ man nào là trường, là lớp cho các em học sinh vùng cao, và nếu có thể, mua cho các thầy các cô cái cặp sách tử tế thay vì phải bọc túi nilong. Hoặc có thể mua cho lớp của các em một cái bảng đàng hoàng thay vig ghép ván thô như hiện nay.
CÓ THỂ MUA CHO CÁC EM CÁI BẢNG TỬ TẾ KHÔNG?

Nền giáo dục của ta đã vài năm rồi, nghe vẫn thấy “lục bục”, xoay vần cải tiến mà vẫn chưa đâu với đâu. Hai tốt, học giỏi, dạy giỏi, được thể hiện rộng rãi bằng dạy thêm, học thêm. Học ngày không đủ, tranh thủ học đêm nay thành học trường không đủ, tranh thủ học thêm vì học thêm mới đủ cái cần, lẽ ra được học…

Không chỉ là con các quan chức, mà ngay cả những gia đình có điều kiện, đều cho con du học hết, mỗi năm cả nước chi hàng tỷ USD cho lũ trẻ du học. Đơn giản nghĩ: Kiến thức là một chuyện, chúng được học ra học, chơi ra chơi, tuổi thơ không bị đánh cắp, nhồi nhét, học từ lúc đài hô “vươn thở” đến tận “tiếng thơ”.

Tết thầy, nghĩ thầy cô vất vả quá cũng chỉ để mà dạy mà bươn chải mưu sinh , lại nghĩ học sinh khổ. Bọn nhỏ đi học cứ như cực hình, lo đuổi hình bắt bóng bài vở, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương để học nữa, cha mẹ như xe ôm rình rập chuyển ca từ lớp nọ sang trường kia.

Không bình cũng thấy, cả ngành giáo dục phải tự bươn chải, không phải làm kinh tế gì ghê gớm, chỉ là tạm sống. Tất cả vì học sinh thân yêu, đưa đò thêm để kiếm thêm từ học sinh thân yêu, những trò muốn vươn lên hơn, có nhu cầu, có đơn xin rõ ràng…

Một bộ phận không nhỏ thày cô vừa được tôn vinh hơn: được bầu lao động tiên tiến, xuất sắc, chiến sĩ thi đua toàn quốc, được phong danh hiệu cao quý NGND, NGƯT…Trong số đó, có nhiều con chim đầu đàn, lãnh đạo…610 thầy cô được phong tặng các danh hiệu cao quý, có 77 giáo viên THPT, THCS, tiểu học và mầm non. Còn lại là lãnh đạo các cấp, có tâm có tầm.

Thực tế có cả vạn thầy cô khác hàng chục năm tận tụy, vẫn thầm lặng xông pha nơi núi cao đảo xa, vừa dạy chữ, vừa là cột mốc sống giữ gìn lãnh thổ, lãnh hải… chưa có điều kiện toả sáng và với họ, hoa là một khái niệm xa xỉ.

ĐÂY LÀ NƠI Ở CỦA CÁC THẦY CÔ VÙNG CAO – ẢNH TỪ BLOG MAI THANH HẢI 

Xin được dẫn lời nhà báo Trần Giang Phương khi viết về ngày Tết thầy: “Lại nhớ, suy lời thầy xưa, đi dạy, không chỉ là dạy, mà là phương pháp dạy nên người. Đời thầy, tận tâm giúp trò. Không danh hiệu, không bon chen, nghèo nhưng không hèn, cứ lừng lững thanh cao… là gương sáng cho trò học mãi“.

Giáo dục trên thực tế vẫn còn có chuyện này chuyện khác, có niềm vui và cả nỗi buồn, nhưng cho dù thế nào đi chăng nữa, ngày 20/11 sẽ vẫn mãi là ngày Lễ Tạ Ơn các Thầy các Cô. Đó cũng là nét đẹp trong văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *