Bước ngoặt mới trong xung đột Nga-Ukraine

Người xem: 1137

Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định rằng, giai đoạn mới của cuộc xung đột ở Ukraine đang mở ra, quy mô đang giảm bớt và xung đột trở nên dằng dai.

Theo nhà khoa học chính trị Wang Wen (Vương Văn), Trưởng khoa Điều hành của Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương tại Đại học Nhân dân Trung Quốc (RDCY), cuộc xung đột ở Ukraine đang chuyển sang một giai đoạn mới: Các hoạt động quân sự quy mô lớn đang dần bị loại bỏ và bản thân cuộc khủng hoảng đã trở nên kéo dài.

Trong một bài báo viết cho tờ báo Guancha (“Người Quan sát”), ông Vương Văn chỉ ra rằng, trong tương lai, quan hệ Nga-Ukraine sẽ trở nên tương tự như quan hệ Ấn Độ-Pakistan và vùng đất Nga đang kiểm soát ở miền Nam và Đông Ukraine sẽ trở thành một “Kashmir mới” trong bối cảnh chính trị toàn cầu.

Trên thực tế, xung đột Nga-Ukraine đang bước vào giai đoạn chuyển tiếp, cuộc đối đầu quân sự quy mô lớn sắp kết thúc và ranh giới kiểm soát thực tế trong cuộc chiến hiện tại có thể sẽ được đảm bảo trong một thời gian bằng một thỏa thuận ngừng bắn, chứ không phải bằng một nền hòa bình lâu dài.

Theo chuyên gia này, Nga đang cố gắng khôi phục quan hệ đối ngoại, trật tự quốc tế cũng như sự phát triển kinh tế và chính trị nội bộ trong điều kiện xung đột kéo dài.

Quyết tâm phi Mỹ hóa, phi dollars hóa và phi hệ thống hóa quyền bá chủ của Mỹ đang buộc nước này phải suy nghĩ lại về cuộc xung đột ở Ukraine như một phương tiện chứ không phải là mục đích.

Ảnh hưởng của Nga đối với hệ thống bá quyền của Mỹ đã tạo ra bước đột phá lớn và khởi đầu tiên phong cho việc hình thành một hệ thống thế giới mới trong bối cảnh “những thay đổi mang tầm thế kỷ” trong tương lai.

Điều này cũng khẳng định rằng mô hình quan hệ “Ấn Độ hóa-Pakistan hóa” và mô hình lãnh thổ “Kashmir hóa” mà tác giả Trung Quốc đã nói đến có thể thực sự trở thành hiện thực.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy, Nga cũng đã bắt đầu tập trung vào việc quản lý và tái phân bổ nguồn lực trong bối cảnh đang nằm trong vòng bao vây, phong tỏa, trừng phạt của phương Tây.

Bằng cách tổ chức lại và kiểm soát tốt các nguồn lực trong nước như tài nguyên thiên nhiên, nhân khẩu học, kinh tế, nông nghiệp và công nghiệp, Nga đang nỗ lực tái quy hoạch trung và dài hạn đối với nền kinh tế và trọng tâm là sẽ quay về với xu hướng phát huy nội lực.

Theo vị chuyên gia Trung Quốc, một nước Nga độc lập đang được tái sinh, hàng hóa, dịch vụ và hệ thống điều hành nội bộ của nước này đang được phi phương Tây hóa và tái hội nhập vào những cấu trúc thân thiện, chủ yếu là ở phương Đông và những nước trong khối BRICS.

Nguồn: Giáo dục & Thời đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *