Lâm Trực@
Trong những năm gần đây, cuộc chiến chống tham nhũng và tiêu cực tại Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo nên niềm tin vững chắc trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuy nhiên, song song với những thành tựu đó là sự gia tăng của các luận điệu xuyên tạc từ các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị. Những chiêu trò, thủ đoạn này không chỉ nhằm làm suy yếu quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước mà còn tạo ra sự hoang mang, dao động trong dư luận xã hội.
Không khó để thấy rằng, mỗi khi một cán bộ cấp cao bị kỷ luật, khởi tố, điều tra là ngay lập tức xuất hiện những chiến dịch bơm bít, chống phá lạ. Chúng xuyên tạc rằng, bắt bớ, kỷ luật là “thanh trừng nội bộ”, “cuộc chiến tranh giành quyền lực”; rằng chống tham nhũng làm “tê liệt nền kinh tế”, làm “nhụt chí cán bộ”, và “kìm hãm sự phát triển”… để rồi quy chụp rằng, “tham nhũng là bản chất chế độ”.
Những luận điệu trên xuất hiện khắp nơi, từ các trang mạng, diễn đàn phản động đến các kênh truyền thông lớn nước ngoài. Dù ẩn dưới lớp vỏ “nhận diện”, “dự báo” hay trực tiếp tung ra những bài viết, hình ảnh, video bịa đặt, nội dung của chúng vẫn xoay quanh những luận điệu cũ kỹ, vô căn cứ.
Trước hết, cần khẳng định rằng trong bất kỳ hệ thống chính trị nào, việc xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm luôn được coi là vấn đề có tính quy luật và là nguyên tắc sống còn. Điều này không chỉ đúng với Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn áp dụng cho mọi đảng phái chính trị và bộ máy cầm quyền trên thế giới. Việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm là biện pháp cần thiết để duy trì sự trong sạch và minh bạch, ngăn ngừa tham nhũng và lạm quyền, bảo vệ uy tín và sức mạnh của đảng, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống chính trị và quốc gia. Chính vì những lý do này, việc xử lý vi phạm không chỉ là trách nhiệm mà còn là sứ mệnh của mọi đảng phái chính trị và bộ máy cầm quyền trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, các quyết định của Đảng, Nhà nước liên quan đến việc xử lý các lãnh đạo vi phạm quy định đều được công khai minh bạch. Không ai, không tổ chức nào có thể kỷ luật, “cho thôi chức” hay xử lý hình sự cán bộ đảng viên của mình nếu như họ không có sai phạm. Do đó, việc xử lý cán bộ đảng viên trước hết và chủ yếu xuất phát từ chính bản thân cán bộ đảng viên đó, mà không phải là “tranh giành quyền lực” hay “đấu đá nội bộ” như các thế lực thù địch rêu rao. Việc cho “thôi chức” đối với các cán bộ cấp cao thể hiện đúng chủ trương “có lên, có xuống, có vào, có ra”, hướng tới văn hóa “từ chức”, thể hiện tính liêm sỉ và giá trị “công bộc” của cán bộ đảng viên. Hành động này chứng minh sự quyết tâm của Đảng trong việc giữ vững sự liêm khiết và công khai trong hệ thống chính trị.
Đảng và Nhà nước đã xác định tham nhũng là “giặc nội xâm”, một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ và cản trở tiến trình phát triển của đất nước. Việc huy động toàn hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc chiến chống tham nhũng là để bảo vệ lợi ích quốc gia và người dân, không phải để tạo ra sự chia rẽ như các luận điệu xảo trá cố gắng vẽ lên.
Mới đây, Đài Châu Á Tự Do (RFA) và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cho rằng chiến dịch chống tham nhũng sẽ làm suy yếu nền kinh tế, tê liệt các hoạt động kinh tế và gây lo ngại cho đầu tư nước ngoài. Các đài này cũng nhiều lần đưa ra những thông tin vô căn cứ về tác động tiêu cực của cuộc chiến chống tham nhũng đối với đầu tư và giao dịch kinh tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế chứng minh ngược lại: chính tham nhũng mới là nguyên nhân kéo lùi sự phát triển kinh tế, làm hủy hoại uy tín và môi trường đầu tư của đất nước. Cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam, thay vì làm suy yếu, đã góp phần ổn định kinh tế-xã hội và củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Tương tự như RFA, VOA, gần đây một số người tự nhận là nhân sĩ, trí thức lại tung ra luận điệu sai trái rằng, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí” cán bộ, đảng viên, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Thực tế cho thấy, công cuộc này đã tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đảng và chính quyền càng trong sạch, uy tín càng được củng cố, nội bộ càng đoàn kết. Cuộc chiến chống tham nhũng chỉ làm “chùn bước” những kẻ có động cơ không trong sáng hay đã “nhúng chàm”, chứ không ảnh hưởng đến những người dám nghĩ, dám làm vì sự phát triển của đất nước.
Đáng chú ý, các thế lực thù địch còn tung ra lập luận rằng tham nhũng là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa và rằng “chế độ một đảng sẽ không thể chống được tham nhũng”. Đây là lập luận ngụy biện nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kích động đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực tế, tham nhũng là căn bệnh quyền lực, xuất hiện ở mọi thể chế chính trị. Đấu tranh chống tham nhũng để làm trong sạch bộ máy cầm quyền là nhiệm vụ của bất cứ nhà nước nào trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam.
Những luận điệu xuyên tạc công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam nhằm làm suy yếu quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng một thể chế chính trị vững vàng, trong sạch. Thay vì ủng hộ, cổ động cho công cuộc này, các thế lực thù địch dùng mọi thủ đoạn để làm chệch hướng con đường đấu tranh, tạo ra sự hoang mang trong quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, khi Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã đặt niềm tin vào cuộc chiến chống tham nhũng, mọi luận điệu xuyên tạc, chống phá đều trở nên lố bịch và kệch cỡm.
Công tác đấu tranh chống tham nhũng và tiêu cực “đã trở thành phong trào, xu hướng không thể đảo ngược”, thể hiện quyết tâm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước. Với niềm tin vững chắc từ cán bộ, đảng viên và nhân dân, Việt Nam sẽ tiếp tục vững bước trên con đường phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Tin cùng chuyên mục:
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga
Trừng phạt Nga hay cuộc ‘chiến tranh kinh tế’ tổng lực của phương Tây trên khắp thế giới