Căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Anh có nguồn gốc sâu xa, bắt đầu từ rất nhiều năm trước và những ngày gần đây nóng lại đáng ngại.
Những ngày gần đây tình trạng căng thẳng và đối đầu giữa Nga và Anh nóng trở lại khi hai bên liên tục có những động thái ăn miếng trả miếng. Nhìn lại quan hệ song phương Moscow-London cũng dễ nhận ra rằng hai nước đã vốn “cơm không lành, canh không ngọt” trong suốt nhiều năm qua.
Liên tục tung đòn ăn miếng trả miếng
Diễn biến mới nhất, ngày 16-5 Bộ Ngoại giao Nga thông báo rằng Nga trục xuất tùy viên quốc phòng Anh Adrian Coghill khỏi Moscow để đáp trả những động thái không thân thiện của Anh, hãng thông tấn TASS đưa tin.
Bộ này cho biết thêm rằng đòn trả đũa không chỉ như vậy, mà sẽ còn các biện pháp khác nữa và phía Anh “sẽ được thông báo về các bước phản ứng tiếp theo”. Bộ này cũng cho biết Moscow coi động thái không thân thiện của London “là một hành động có động cơ chính trị mang tính chất bài Nga rõ ràng, gây ra thiệt hại không thể khắc phục được cho quan hệ song phương”.
Đây là động thái đáp trả việc Anh ngày 8-5 thông báo trục xuất một tùy viên quân sự Nga mà chính phủ Anh mô tả là “sĩ quan tình báo quân sự không khai báo”, và loại bỏ quy chế ngoại giao đối với một số “tài sản thuộc sở hữu của Nga” mà London tin rằng “đã được sử dụng cho mục đích tình báo”, theo đài CNN.
Cũng trong ngày 8-5, Anh triệu tập Đại sứ Nga tại London – ông Andrey Kelin để thông báo về các biện pháp trừng phạt của Anh lên Moscow nhằm đáp trả điều mà London gọi là “các hoạt động thu thập thông tin tình báo” của Nga. Phía Anh “nhắc lại rằng hành động này của Nga sẽ không được dung thứ”.
Anh có động thái triệu tập đại sứ Nga hai ngày sau khi Bộ Ngoại giao Nga ngày 6-5 triệu tập Đại sứ Anh tại Moscow – ông Nigel Casey và nói với ông này rằng Moscow sẽ trả đũa các mục tiêu của Anh, gồm các cơ sở và trang thiết bị quân sự, ở Ukraine hoặc nơi khác nếu Kiev dùng tên lửa do Anh cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.
Đại sứ Anh tại Moscow Nigel Casey rời Bộ Ngoại giao Nga. Ảnh: SPUTNIK
Theo RT, Đại sứ Casey bị triệu tập sau phát ngôn của Ngoại trưởng Anh David Cameron rằng Ukraine có quyền sử dụng tên lửa tầm xa do Anh gửi để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Tại cuộc họp của tổ chức tư vấn Trao đổi Chính sách ngày 13-5, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cảnh báo các quốc gia phương Tây rằng nếu Nga giành chiến thắng ở Ukraine thì phương Tây “có thể là mục tiêu tiếp theo”, theo tờ The Guardian.
Ông Sunak chỉ trích sự “liều lĩnh” của Nga “đã đưa chúng ta đến gần sự leo thang hạt nhân nguy hiểm hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba (1962)”. Thủ tướng Anh cũng cáo buộc Moscow cắt nguồn cung cấp khí đốt cho phương Tây khi động thái này “tác động tàn khốc đến cuộc sống của người dân và đe dọa an ninh năng lượng của phương Tây”.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP/SPUTNIK
Đáp trả, ngày 14-5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích Thủ tướng Sunak nói dối trắng trợn khi cáo buộc Moscow cố gắng leo thang hạt nhân và vũ khí hóa các nguồn năng lượng để bóp nghẹt phương Tây, theo đài RT.
Bà Zakharova khẳng định rằng “Nga không ngừng cung cấp khí đốt dù chỉ một giây”, nhắc lại rằng chính Mỹ cùng với một số quốc gia tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác đã cấm nhập khẩu năng lượng của Nga và gây áp lực buộc Liên minh châu Âu (EU) phải làm theo.
Lại một chương căng thẳng ngoại giao?
Từ các diễn biến trên có thể thấy tình trạng đối đầu Nga-Anh đang dần nóng trở lại. Nhìn lại trước đây, Nga và Anh đã có thời gian dài căng thẳng khi Anh liên tục lên tiếng ủng hộ Ukraine và chỉ trích Nga gay gắt khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở quốc gia láng giềng. Hai bên cũng lời qua tiếng lại nhiều lần khi chính quyền London tung các gói viện trợ khí tài tiên tiến trị giá hàng tỉ USD cho Kiev.
Nhận định về sự leo thang căng thẳng gần đây giữa Moscow và London, ông Dominic Waghorn – bình luận viên các vấn đề quốc tế của hãng tin Sky News – cho rằng các diễn biến trả đũa qua lại sẽ khiến tình hình sắp tới thêm khó lường, đặc biệt là việc Anh trục xuất tuỳ viên quốc phòng Moscow.
Đại sứ Nga tại London Andrey Kelin. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO NGA
Theo ông Wagborn, các tùy viên quốc phòng đóng một vai trò quan trọng trong việc liên lạc với nước chủ nhà. Điều này đóng vai trò rất quan trọng trong việc tránh những hiểu lầm có thể dẫn đến leo thang căng thẳng nguy hiểm và không cần thiết.
“Việc mất tùy viên quốc phòng của Nga ở London sẽ khiến Anh mất thêm một đường dây liên lạc trong giai đoạn hiện tại. Đó không phải là quyết định lý tưởng vào thời điểm đầy xung đột” – ông Dominic Wagborn nhận định.
Ông Wagborn nói thêm rằng London chắc chắn đã làm suy yếu khả năng do thám và thu thập thông tin tình báo của Nga ở Anh, nhưng những biện pháp này cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng của Anh trong việc dự đoán và tránh leo thang tiềm tàng từ Nga. “Điều đó sẽ càng trở nên tồi tệ hơn nếu Nga tính toán các biện pháp trả đũa” – ông Wagborn cảnh báo.
Lý giải hành động của Anh, tay bút chuyên chính trị người Latvia – ông Leonid Ragozin cho rằng những cân nhắc trong nước đã đóng một vai trò nào đó trong quyết định của Anh. Ông Ragozin cho rằng phía chính quyền London hiện tại đang dùng con bài về ngoại giao để tìm cách chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia sắp tới, theo hãng tin Al Jazeera.
Việc Nga đi bước trục xuất tuỳ viên quốc phòng Anh cũng mang lại những thách thức tương tự với Nga, đồng thời làm tăng rủi ro trong liên lạc giữa hai bên.
Theo giới quan sát, vẫn còn phải xem động thái các bên sắp tới ra sao, hiện vẫn còn sớm để nói rằng đây có thực sự được coi là một chương khác trong cuộc chiến ngoại giao giữa Nga và Anh hay không.
Căng thẳng Nga – Anh đã có từ lâu
Theo giới quan sát, quan hệ giữa Nga và Anh là mối quan hệ dễ đổ vỡ nhất giữa Nga và một thành viên NATO, khi nguồn gốc căng thẳng giữa hai nước này đã bắt đầu từ nhiều năm trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, tờ The New York Times đưa tin.
Vào năm 2020, một ủy ban quốc hội Anh kết luận rằng Nga đã tiến hành một chiến dịch kéo dài nhằm phá hoại nền dân chủ của Anh – sử dụng các chiến thuật từ thông tin sai lệch, can thiệp vào cuộc bầu cử, và tuyển dụng các thành viên của Hạ viện Anh.
Anh cho rằng Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đứng đằng sau những nỗ lực “liên tục” nhằm can thiệp vào các tiến trình chính trị của Anh.
Phía Moscow nhiều lần lên tiếng bác bỏ các cáo buộc trên, và quy kết rằng đó là các hành động bài Nga.
Xa hơn nữa, vào năm 2018, Anh ghi nhận vụ 2 cha con ông Sergei Skripal bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok. Ông Sergei Skripal từng là một cựu điệp viên người Nga nhưng hoạt động hai mang cho Anh, bị Moscow kết tội phản quốc, theo Sky News.
Vụ việc đã gây ra tranh cãi ngoại giao lớn giữa Anh và Nga, trong bối cảnh Moscow luôn phủ nhận mọi liên quan vụ việc, ngay cả sau khi lực lượng tình báo London công bố thông tin chi tiết về 2 người đàn ông Nga được cho là đã thực hiện vụ đầu độc trên.
Thủ tướng Anh khi đó là bà Theresa May hai lần đứng trước Nghị viện châu Âu (EC) quy trách nhiệm cho Nga về vụ đầu độc. Bà May áp một loạt biện pháp trừng phạt Nga như trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại Anh, ngưng trao đổi quan chức cấp cao, phong tỏa tài sản chính phủ Nga tại Anh, hủy chuyến thăm dự kiến của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đến Anh.
Nga sau đó phản pháo kịch liệt trước những chỉ trích liên tục của Anh. “Sớm muộn gì các cáo buộc vô căn cứ này cũng phải trả giá. Phía Anh hoặc là cung cấp bằng chứng thích đáng để chứng minh hoặc phải xin lỗi Nga” – phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố.
Phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả cáo buộc của Anh là “rác rưởi, vô nghĩa”.
Nguồn: Dương Khang/Pháp Luật TP.HCM
Tin cùng chuyên mục:
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga
Trừng phạt Nga hay cuộc ‘chiến tranh kinh tế’ tổng lực của phương Tây trên khắp thế giới