Thông tin từ Công an tỉnh Gia Lai cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Phòng Cảnh sát hình sự) đã tạm giam đối tượng giả danh nhà báo Phạm Ngọc Hùng và đồng bọn; thông báo tìm các bị hại trong vụ án “cưỡng đoạt tài sản” xảy tại các huyện Chư Sê và Chư Prông.
Bảy đối tượng đang bị cơ quan điều tra Công an tỉnh Gia Lai tạm giữ gồm: Phạm Ngọc Hùng (tên gọi khác là Hùng Cường, sinh năm 1986, trú tại phường Diên Hồng, thành phố Pleiku) – chủ mưu và Lê Ngô Vĩnh Phát (tên gọi khác là Gà), Võ Văn An, Hồ Công Vũ, Trần Đình Hậu, Nguyễn Văn Thiều, Lê Nguyễn Tấn Sinh, đều liên quan tới vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại các huyện Chư Sê, Chư Prông (Gia Lai) trong khoảng thời gian từ tháng 4/2022 đến tháng 4/2023.
Theo đó, trong khoảng thời gian này, Phạm Ngọc Hùng đến địa bàn các huyện Chư Sê, Chư Prông gặp chủ các bãi khai thác đá nhỏ lẻ, tự phát (các bãi khai thác đá trái phép), tự xưng là nhà báo của Tạp chí Môi trường và Đô thị khu vực Tây Nguyên tại Gia Lai. Hùng khoe có nhiều mối quan hệ quen biết với các báo, biết nhiều cán bộ tại huyện, tỉnh, có thể bảo kê cho các bãi khai thác đá trái phép tiếp tục khai thác không sợ bị bắt, xử lý.
Nếu chủ các bãi đá trái phép muốn tiếp tục khai thác trái phép, phải bán hết số đá làm ra cho Hùng với giá hiện tại. Khi có người đến mua, chủ bãi phải bán lại với giá do Hùng quy định, cao hơn giá thị trường từ 15% trở lên. Chủ các bãi đá được hưởng số tiền theo giá thỏa thuận bán cho Hùng trước đó. Số tiền chênh lệch phải chuyển cho Hùng, nếu không đồng ý, Hùng sẽ trực tiếp hoặc cho đồng bọn dùng thiết bị bay không người lái (flycam) quay video ghi lại việc khai thác đá trái phép của họ rồi cung cấp cho báo chí viết bài đăng lên mạng xã hội và gửi cho chính quyền địa phương đến bắt, xử lý.
Lo sợ bị bắt, xử lý nên nhiều chủ bãi khai thác đá trái phép tại địa bàn các huyện Chư Sê, Chư Prông đã đồng ý làm theo yêu cầu của Hùng. Hàng ngày, Hùng cho các đối tượng: Lê Ngô Vĩnh Phát, Võ Văn An, Hồ Công Vũ, Trần Đình Hậu, Nguyễn Văn Thiều, Lê Nguyễn Tấn Sinh trực tiếp đến các bãi đá theo dõi việc khai thác, bán đá để báo về cho Hùng. Kế toán của Hùng là Nguyễn Thị Hằng, Võ Thị Kim Ngân thực hiện thống kê. Định kỳ hàng tuần, chủ các bãi khai thác đá trái phép phải chuyển, giao tiền cho Hùng. Bằng thủ đoạn trên, Phạm Ngọc Hùng đã chiếm đoạt của nhiều người với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.
Ngày 9/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 7 đối tượng để điều tra tội cưỡng đoạt tài sản do Phạm Ngọc Hùng chủ mưu, cầm đầu.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai thông báo ai là bị hại hoặc có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến Phạm Ngọc Hùng, cùng các đồng phạm, đề nghị đến Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Gia Lai, số 267A Trần Phú, phường Diên Hồng, thành phố Pleiku (Gia Lai) để trình báo và được hướng dẫn giải quyết.
Nguồn: báo Tin Tức
Tin cùng chuyên mục:
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga
Trừng phạt Nga hay cuộc ‘chiến tranh kinh tế’ tổng lực của phương Tây trên khắp thế giới