Lâm Trực@
Vụ việc luật sư Lê Minh Thái bị bắt vì móc nối với cán bộ phường làm giả giấy tờ, hồ sơ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang khiến dư luận xôn xao. Đây là một vụ việc nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến uy tín của giới luật sư và niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật.
Theo thông tin từ báo chí, luật sư Lê Minh Thái đã câu kết với ông Nguyễn Đắc Công, nguyên cán bộ UBND phường 6, quận Bình Thạnh để làm giả chữ ký của 8 người thừa kế trong nước ngoài nhằm hợp thức hóa hồ sơ sang tên căn nhà số 270A Bạch Đằng cho thân chủ của mình.
Hồ sơ vụ án
Theo hồ sơ vụ án, vợ chồng ông Võ Doãn Ất và bà Đặng Thị Nhãn là chủ sở hữu tài sản nhà số 270A Bạch Đằng, Phường 24, quận Bình Thạnh, TPHCM. Khi ông Ất chết không để lại di chúc, sau đó bà Nhãn qua đời có để lại di chúc chia một nửa căn nhà trên cho 4 anh em Võ Doãn Tấn, Võ Doãn Mỹ Thạnh, Võ Doãn Mỹ Phước và Võ Doãn Mỹ Tài
Quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định tài sản nhà đất 270A Bạch Đằng thuộc thừa kế của 11 người gồm con, cháu của ông bà Võ Doãn Ất, Đặng Thị Nhãn, nhưng chỉ có Tấn, Thạnh và Phước sinh sống tại Việt Nam; 8 người còn lại sinh sống ở nước ngoài.
Cuối năm 2016, Tấn bàn bạc với Thạnh và Phước sang tên căn nhà trên cho 3 người đứng tên, sau đó bán nhà chia 3, không chia cho những người ở nước ngoài. Tấn thuê luật sư Lê Minh Thái làm thủ tục với phí là 50.000 USD và 500 triệu đồng. Để hợp thức hóa hồ sơ, Thái cùng nhân viên là Nguyễn Đức Hải soạn thảo giấy cam kết, giả chữ ký 8 người thuộc quyền thừa kế ở nước ngoài với nội dung là từ chối nhận di sản thừa kế tại địa chỉ 270A Bạch Đằng. Đồng thời, Thái móc nối với Nguyễn Đắc Công là cán bộ văn thư lưu trữ UBND Phường 6 chứng thực các giấy cam kết trên. Được Thái đưa tiền hối lộ, Công đã giả chữ ký của lãnh đạo phường và dùng mộc do Công trực tiếp quản lý đóng dấu.
Sau khi sang tên nhà đất thành công, Thái giúp Tấn môi giới căn nhà trên cho Phạm Thị Kim Yến với giá 78 tỷ đồng. Chưa dừng lại, Thái tiếp tục nhờ Công thực hiện hành vi chứng thực sao y trái quy định pháp luật giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của Phạm Thị Kim Yến và chứng thực chữ ký trong cam kết của Phạm Thị Kim Thanh để làm thủ tục cập nhật di biến động nhà đất cho nhanh chóng. Để Nguyễn Đắc Công thực hiện theo yêu cầu của Lê Minh Thái thì Thái đã chỉ đạo Nguyễn Đức Hải đưa hối lộ cho Công 4 lần, tổng cộng 6 triệu đồng.
Tháng 7/2017, UBND quận Bình Thạnh phát hiện hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh xử lý. Cơ quan điều tra đã thông báo cho các đối tượng biết giấy cam kết từ chối nhận di sản thừa kế của những người thừa kế đang ở nước ngoài là do Nguyễn Đắc Công giả chữ ký chứng thực. Tuy nhiên, vì lòng tham, không muốn trả lại số tiền bán nhà đã nhận nên Tấn, Thạnh và Phước cung cấp thông tin sai sự thật, yêu cầu tòa án “khai tử” 8 người thừa kế đang sinh sống ở nước ngoài nhằm hợp thức hóa việc mua bán nhà.
Quá trình điều tra xác định Tấn, Thạnh, Phước biết hành vi của luật sư Lê Minh Thái là gian dối, không đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn cố ý bỏ mặc cho hậu quả xảy ra để đạt mục đích sang tên sở hữu cho được nhà đất 270A Bạch Đằng. Đối với Lê Minh Thái vì lợi ích cá nhân đã chỉ đạo Nguyễn Đức Hải làm giả nhiều giấy tờ giúp cho Tấn, Thạnh và Phước chiếm đoạt căn nhà. Nguyễn Đắc Công đã lợi dụng nhiệm vụ của mình là văn thư đóng dấu, kiêm nhiệm chứng thực, nhận tiền của Lê Minh Thái để thực hiện theo yêu cầu của Lê Minh Thái chứng thực tài liệu trái pháp luật. Khi lãnh đạo UBND phường 6 không ký hồ sơ, Công đã làm giả chữ ký rồi dùng mộc đóng dấu xác nhận.
Với những tài liệu chứng cứ thu thập đã nêu trên, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Võ Doãn Tấn, Võ Doãn Mỹ Thạnh và Võ Doãn Mỹ Phước tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lê Minh Thái, Nguyễn Đức Hải tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội Đưa hối lộ; Nguyễn Đắc Công tội giả mạo trong công tác.
Vết hoen ố trong ngành luật
Ngành luật vốn được xem là biểu tượng của công lý, nơi người dân đặt niềm tin để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, khi một luật sư, người được giao trọng trách bảo vệ pháp luật, lại vi phạm pháp luật thì đó là chỉ dấu đáng báo động. Hành vi lợi dụng chức danh và kiến thức pháp luật để thực hiện các hoạt động phi pháp, như trong trường hợp của Luật sư Lê Minh Thái, không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn gây tổn thương nghiêm trọng đến uy tín của giới luật sư nước nhà.
Cũng qua vụ việc này, chúng ta cũng nhận thấy sự lỏng lẻo trong hệ thống quản lý và giám sát hoạt động của luật sư. Việc Luật sư Thái có thể dễ dàng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như vậy chỉ ra rằng cần có sự siết chặt hơn trong quản lý, giám sát và kiểm soát hoạt động của giới luật sư.
Tin cùng chuyên mục:
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga