Mềm nắn, rắn buông

Người xem: 125

Ngày 18/06/2022, Litva tuyên bố sẽ thực thi lệnh cấm vận của EU đối với hàng quá cảnh đường sắt từ Nga đến tỉnh Kaliningrat của Liên bang Nga. Theo đó, sắt thép xây dựng, xi măng v.v. của Nga sẽ không được quá cảnh Litva.
 

Ngay lập tức, Nga tuyên bố hành vi này của Litva vi phạm thô bạo Hiệp định giữa Nga và EU về đảm bảo quá cảnh người và hàng hoá của Nga đến tỉnh Kaliningrat đi qua lãnh thổ Litva do tỉnh này không có đường biên giới bộ nối liền với Nga. Đảm bảo này là điều kiện để Litva gia nhập EU. Hiệp định này gắn với tuyên bố của Nga công nhận biên giới với Litva. Hiện nay, nếu Litva vi phạm Hiệp định này thì Nga có thể hủy bỏ bỏ cam kết công nhận biên giới với Litva.

Liên quan tới sự kiện này, ngày 8/6/2022, nghị sĩ E. Fedorov thuộc Đảng Nước Nga thống nhất trình lên Hạ viện Nga Dự luật hủy bỏ công nhận nền độc lập của Litva vì việc công nhận này vi phạm trình tự pháp định của Liên Xô khi Litva tách khỏi Liên Xô. Dự luật này sẽ đặt dấu hỏi về vị thế của Litva trong NATO. Nếu Litva vẫn khăng khăng thực hiện cấm vận Nga theo yêu cầu của EU thì xung đột giữa Nga và NATO sẽ không thể tránh khỏi!
 
Trong khi đó, Bộ ngoại giao Nga đã gọi Đại biện Litva để đưa ra hậu thư: Trong thời gian ngắn nhất, Litva sẽ phải phục hồi đầy đủ hoạt động quá cảnh hàng hoá của Liên bang Nga vận chuyển tới tỉnh Kaliningrat. Phía Nga sẽ giành quyền làm tất cả những gì cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình!
 
Văn phòng của Tổng thống Nga V.Putin cho biết, quyết định của Litva chứng tỏ Phương Tây chủ trương kích hoạt các điểm nóng và coi thường luật pháp quốc tế. Phía Nga sẽ nghiên cứu kỹ tình hình và có câu trả lời thích đáng. Một trong những câu trả lời thích đáng đó là Hạm đội Baltic của Nga tiến hành tập trận có bắn vào mục tiêu trên biển Baltic.
 
Khi được hỏi liệu Nga chỉ phản ứng ngoại giao hay sẽ đi xa hơn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Câu trả lời là không. Đó sẽ không chỉ là phản ứng ngoại giao mà sẽ là những hành động thực tế”.
 
Phản ứng cứng rắn của Nga đã có tác dụng: Ngày 23/6/2022, Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell tuyên bố EU không tìm cách “phong tỏa” khu vực Kaliningrad của Nga và sẽ xem xét lại các biện pháp trừng phạt để né tránh việc ngăn chặn hoạt động đi lại vào và ra khỏi vùng lãnh thổ này./.
 
Nguồn: Lê Thế Mẫu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *