Các chuyên gia công nghệ khuyến cáo người dùng đừng bao giờ nhấp vào bất cứ đường dẫn nào do người lạ gửi qua e-mail, tin nhắn
Sáng 24-6, gõ từ khóa “lừa đảo online”, chúng tôi đã có được khoảng 13.700.000 kết quả về những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dùng trên mạng. Không cần giỏi lập trình hay tin học, tội phạm mạng cũng có nhiều chiêu trò để lừa người dùng.
Nạp tiền hoài, không cho rút
Nhằm cảnh báo, cung cấp kiến thức về an toàn bảo mật cho người dùng, Trung tâm An ninh mạng Athena đã lập group trên Facebook để chia sẻ về những trường hợp tội phạm mạng lừa đảo.
Liên tiếp trong 2 ngày 17 và 18-6, thành viên Nguyễn Nhật Anh đã cảnh báo trên nhóm Athena: Hiện có nhiều nhóm đối tượng tạo web giả (fake) huy động vốn đầu tư để lừa đảo nạn nhân. Bọn chúng tạo ra nhiều web fake mạo danh cơ quan, tổ chức, công ty huy động vốn đầu tư cho những dự án bất động sản hay các mô hình kinh doanh “bánh vẽ” để dụ người dùng muốn kiếm tiền nhanh chuyển khoản góp vốn.
Trước đó, ngày 23-5, thành viên Nguyen Van Hao chia sẻ về một trang web lừa đảo có tên “Sàn giao dịch Trade S.”. Với chiêu trò “tư vấn đầu tư” theo phương thức giao dịch nhị phân (BO – một dạng chơi “hụi” online), kẻ lừa đảo yêu cầu người dùng nạp 600.000 đồng để tài khoản được kéo lên 950.000 đồng. Kẻ lừa đảo cho rút lần đầu tối đa 350.000 đồng để tạo niềm tin.
Sau đó, người dùng tiếp tục nạp thêm tiền để được gia tăng giá trị tài khoản. Thường sau mỗi lần nạp tiền, tài khoản tăng thêm 180.000 đồng, khi đủ 5 triệu đồng mới được rút ra. Tuy nhiên, người rút tiền được chỉ là những “chim mồi” để đánh vào niềm tin của thành viên. Mọi hình thức giao dịch đều qua tin nhắn Telegram.
Kẻ lừa đảo cũng đưa ra nhiều gói đầu tư để thu hút nhiều thành phần tham gia. Có gói, người dùng phải nạp nhiều lần để đạt tối thiểu 25 triệu đồng mới được rút tiền. Những “nhà đầu tư” không rút mà để dồn cuối kỳ thì sẽ được tổng số tiền 160 triệu đồng. Kẻ lừa đảo còn thiết lập những thuật toán cho từng gói để khóa tài khoản người dùng khi đạt số tiền mà chúng muốn chiếm đoạt. Hậu quả là người dùng bị mất trắng.
Bạn Kim Anh kể lại trên group: “Mình và người bạn cũng bị tương tự. Cấp đầu chỉ nạp 150.000 đồng, được chuyển lại 240.000 đồng; sau đó họ yêu cầu nạp thêm 500.000 đồng để được 625.000 đồng nhưng sau khi nạp thì họ không cho rút mà phải nạp thêm 1 triệu đồng. Khi bạn mình nạp thêm thì họ lại yêu cầu nạp tiếp 7 triệu đồng mới được rút tiền. Cả 2 đứa mình đã bay mất 2 triệu đồng”.
Bạn Dương Trần ngày 9-6 cũng cầu cứu: “Em đang mắc kẹt trong 1 web kiếm thêm thu nhập (vnshop…). Web này đang giữ của em hơn 6 triệu đồng. Họ bắt em làm một nhiệm vụ cuối cùng – nạp 30 triệu đồng – mới cho rút tiền nhưng số tiền này vượt quá sức của em. Ai có thể tìm cách nào rút được tiền về thì giúp em với…”.
Trong khi đó, bạn Xuân Dũng cho biết đã bị lừa qua ứng dụng “Trung tâm…”. “App này giữ của tôi 3 triệu đồng, bảo nạp thêm 8,5 triệu đồng. Tôi nạp xong thì app không cho rút mà bắt nạp thêm 19 triệu đồng nữa” – Xuân Dũng bức xúc.
Không thụ lý vụ án qua điện thoại, tin nhắn
Chuyện tội phạm công nghệ lừa đảo người dùng đã được phản ánh và cảnh báo nhiều lần. Thế nhưng, hiện vẫn có nhiều nạn nhân bị sập bẫy. Thậm chí, những chiêu lừa ngày càng tinh vi hơn.
Đáng lưu ý, kẻ lừa đảo táo tợn lợi dụng những quy định, chủ trương mới được các cơ quan chức năng ban hành để lừa gạt người dùng. Nếu cơ quan chức năng không có các biện pháp xử lý nghiêm để ngăn chặn tình trạng này thì sẽ tạo ra tâm lý e ngại cho người dùng khi sử dụng các hình thức ứng dụng online. Điều này, với góc độ khác, sẽ ảnh hưởng đến công cuộc triển khai chuyển đổi số.
Nhiều chuyên gia công nghệ lưu ý “bài học vỡ lòng” mà người dùng luôn phải thuộc là không bao giờ click vào bất cứ đường link nào do ai đó gửi qua e-mail, tin nhắn. Không cung cấp cho người khác thông tin đăng nhập bất cứ tài khoản, mã xác thực OTP nào do nhà cung cấp dịch vụ hay ngân hàng gửi tới.
Website chính thức của các cơ quan, tổ chức ở Việt Nam hầu hết đều có địa chỉ URL với tên của cơ quan, tổ chức đó (có thể viết tắt hay tên tiếng Anh) và dùng tên miền của Việt Nam (có đuôi “vn”). Thực tế cho thấy bọn tội phạm giả danh website ngân hàng có thể dùng tên miền gần giống, thậm chí đúng tên ngân hàng nhưng không có đuôi “vn”.
Các cơ quan pháp luật cũng khẳng định điều tra viên không thụ lý vụ án qua điện thoại, tin nhắn mà yêu cầu người liên quan phải tới làm việc tại trụ sở cơ quan. Vì vậy, khi nhận những cuộc điện thoại hay tin nhắn lạ, người dùng nên từ chối.
Lừa đảo qua tin nhắn, cuộc gọi chiếm tỉ lệ cao
Báo cáo nghiên cứu “Xây dựng lộ trình an toàn hướng tới tương lai thanh toán kỹ thuật số ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC)” do Công ty An ninh mạng và Phòng chống virus Kaspersky mới công bố cho thấy trong số các mối đe dọa kỹ thuật số mà người được khảo sát từng gặp, cao nhất là lừa đảo qua tin nhắn và cuộc gọi (31%). Kế đó là ưu đãi và giao dịch giả mạo (26%); trang web giả mạo (25%); tấn công giả mạo – phishing (24%)…
Cuộc khảo sát này được thực hiện ở Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam với 1.618 người. Tất cả đều đang làm việc và sử dụng thanh toán kỹ thuật số, có độ tuổi từ 19-65.
Nguồn: ANH PHÚC
Báo Người Lao động
Tin cùng chuyên mục:
Quy định mới về cấp bậc và tuổi nghỉ hưu trong quân đội
Những người thầy ươm dưỡng tương lai
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân