Moscow yêu cầu HĐBA họp bàn về ý tưởng ‘sự khởi đầu Thế chiến III’

Người xem: 596

Phó Đại diện thường trực của Nga tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) Dmitry Polyansky ngày 9/3 xác nhận Moskva đã yêu cầu HĐBA tổ chức phiên họp để thảo luận ý tưởng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc triển khai các binh sĩ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tới Ukraine.

Giáo hoàng Francis gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Vatican, ngày 13/5/2023. (Nguồn: Reuters)

Phát biểu tại cuộc họp của HĐBA LHQ ở New York, ông Polyansky tuyên bố Moscow muốn biết thêm về những ý tưởng “đầy rẫy sự khởi đầu cho Thế chiến III”.

Trước đó, hôm 27/2, Tổng thống Pháp Macron thừa nhận đã đề nghị các đối tác NATO gửi quân đến Ukraine. Tuy nhiên, ông khẳng định vẫn chưa đạt được sự đồng thuận chính thức về việc điều động quân trên bộ, nhưng không thể loại trừ bất cứ khả năng nào. Sau đó, nhà lãnh đạo Pháp tuyên bố Paris sẽ đưa quân đến Ukraine nếu Nga tiến đến Kiev hoặc Odessa.

Cũng theo ông Polyansky, yêu cầu quan trọng không kém là thảo luận về những cuộc trao đổi bị rò rỉ giữa các sĩ quan Không quân Đức về việc cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine, cũng như các phương tiện truyền thông đưa tin Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã triển khai mạng lưới các căn cứ gián điệp ở Ukraine, gần với biên giới Nga.

Nhà ngoại giao Nga bày tỏ: “Sẽ rất thú vị khi được lắng nghe bình luận liên quan đến cuộc trò chuyện bị rò rỉ trên truyền thông bởi các quan chức quân sự cấp cao của Đức – những người đã nói về cách thức giúp Ukraine phá hủy Cầu Kerch ở Crimea và tấn công sâu vào lãnh thổ Nga”.

Tuần trước, chính phủ Đức phải hứng chịu chỉ trích sau khi cuộc trao đổi giữa các sĩ quan Không quân về khả năng cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine bị rò rỉ.

Trong khi đó, nhật báo New York Times ngày 27/2 đưa tin, CIA trong 8 năm qua đã đào tạo và trang bị cho đội ngũ sĩ quan tình báo của Kiev trong các hầm ngầm dưới lòng đất, bao gồm một số căn hầm nằm sâu trong rừng ở Ukraine.

* Giáo hoàng Francis đã hối thúc Ukraine nên can đảm “giương cờ trắng” và đàm phán chấm dứt xung đột với Nga, sau khi cuộc xung đột quân sự kéo dài hơn 2 năm qua giữa hai nước đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.

Trong cuộc phỏng vấn được ghi hình hồi tháng trước với Đài phát thanh và truyền hình RSI (Thụy Sĩ) và dự kiến được phát sóng vào ngày 20/3 tới, khi được hỏi quan điểm của về cuộc tranh luận giữa những người khuyên Ukraine nên từ bỏ cuộc chiến vì không thể đẩy lùi các lực lượng Nga với một bên là những người cho rằng bước đi như vậy sẽ hợp pháp hóa hành động của kẻ mạnh nhất, Giáo hoàng bày tỏ: “Đó là một cách giải thích, đó là sự thật. Nhưng theo tôi, kẻ mạnh nhất là người nhìn vào hoàn cảnh, nghĩ đến mọi người, thể hiện sự can đảm “giương cờ trắng” và đàm phán. Từ thương lượng mang ý nghĩa can đảm. Khi bạn thấy mình bị đánh bại, rằng mọi việc không được suôn sẻ, bạn phải có can đảm để đàm phán”.

Nhân dịp đó, Giáo hoàng tái khẳng định “tình cảm sâu sắc” của mình đối với người dân Ukraine. Ông cũng mời tất cả các bên “tạo điều kiện cho một giải pháp ngoại giao nhằm tìm kiếm một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.

Cũng theo người đứng đầu Vatican, tiến trình đàm phán giữa Ukraine và Nga nên diễn ra với sự hỗ trợ của các cường quốc thế giới.

Dư luận cho rằng, đây là lần đầu tiên Giáo hoàng Francis sử dụng những từ như “cờ trắng” hay “bị đánh bại” khi đề cập cuộc xung đột quân sự ở Ukraine, mặc dù trước đây ông từng nói về sự cần thiết của những cuộc đàm phán. Trước đó, Giáo hoàng khẳng định đàm phán không bao giờ là đầu hàng.

Người phát ngôn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hiện chưa hồi đáp đề nghị bình luận về những lời phát ngôn nêu trên của Giáo hoàng Francis.

Trước đó, ngày 8/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Ukraine và Nga để chấm dứt xung đột. Tuyên bố này được Tổng thống Erdogan đưa ra sau cuộc gặp ở Istanbul với người đồng cấp Zelensky.

Nguồn: Chu Văn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *