Lê Văn Luyện và tội ác sau 12 năm đêm phố Sàn

Người xem: 175

Một ngày thu giữa tháng 8 năm 2011, khoảng 3h sáng khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ – cũng là lúc 1 tội ác kinh thiên động địa sắp được thực hiện tại phố Sàn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Hung thủ không ai khác là kẻ sau này bị mọi người gọi dưới nhiều cái tên khác nhau: sát thủ Lê Văn Luyện, sát nhân máu lạnh Lê Văn Luyện.
 
LÊ VĂN LUYỆN VÀ TỘI ÁC SAU 12 NĂM ĐÊM PHỐ SÀN
 

Phạm nhân LÊ VĂN LUYỆN: “Thời gian đó bế tắc rồi, không còn muốn tiếp tục sống nữa, mình làm theo nhận thức của một con thú rồi”.

Sát nhân máu lạnh Lê Văn Luyện lẻn vào tiệm vàng và chờ đợi thời cơ, Luyện đã xuống tay tước đoạt mạng sống của vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Bích và người con út mới 18 tháng tuổi. Chỉ duy nhất 1 người may mắn sống sót trong vụ án là cháu Bích khi bị Luyện chém một nhát dao gần như lìa bàn tay.
 
Thời điểm Luyện gây ra vụ thảm án tại tiệm vàng Ngọc Bích cũng là lúc mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, len lỏi đến từng ngóc ngách của đời sống. Chính vì vậy việc một tên trộm đột nhập, thẳng tay sát hại 3 mạng người trong gia đình chủ tiệm vàng như một vụ nổ gây chấn động dư luận lúc bấy giờ. Mọi nguồn lực được huy động với quyết tâm phải bắt giữ kẻ thủ ác bằng mọi giá. Và chỉ sau khoảng 1 tuần lẩn trốn, Lê Văn Luyện đã phải tra tay vào còng số 8, đối mặt với tội ác của mình gây ra dưới sự trừng phạt của pháp luật.
 
Điều duy nhất có thể giữ lại mạng sống của Luyện đó chính là thời điểm gây án, hung thủ mới 17 tuổi, 10 tháng, 6 ngày. Bản án cao nhất dành cho Lê Văn Luyện là 18 năm tù. Một bản án có thể chưa làm thỏa mãn tất cả sự phẫn nộ từ phía gia đình nạn nhân và dư luận nhưng đã là bản án cao nhất, nghiêm minh nhất của pháp luật dành cho hung thủ.
 

18 năm là khoảng thời gian đủ để tàn phá tương lai của bất cứ ai phía sau song sắt. Đó không chỉ là những con số có thể đo đếm, tính toán mà hơn cả đó là sự trừng phạt dằn vặt của lương tâm khi phải đối mặt với tội ác của mình gây ra từng giờ, từng phút!.

Mời xem video theo link dưới đây:

https://www.quochoitv.vn/gui-loi-xin-loi-le-van-luyen-va-toi-ac-sau-12-nam-dem-pho-san

 

Phạm nhân LÊ VĂN LUYỆN: “Xin lỗi không đủ, bây giờ bảo cho em đổi lại các cái đấy, em sẵn sàng đổi lại những cái mình gây ra bằng bất cứ giá nào mình chấp nhận được.”
 
Giữ lại được mạng sống nhưng Luyện đã gián tiếp đưa bố và 5 người thân khác vướng vòng lao lý vì liên quan đến việc che giấu cho mình. 1 vụ án – 2 gia đình đều rơi vào cảnh âm dương cách trở, tan đàn xẻ nghé.
 
Phạm nhân LÊ VĂN LUYỆN: “Một bài học quá đau đớn rồi, cả nhà đi tù rồi”
 
Chưa đầy 18 tuổi đã phạm phải tội ác trời không dung đất không tha, những tháng ngày lao động cải tạo trong trại giam của Lê Văn Luyện cũng gập ghềnh, gồ ghề như chính cuộc đời của phạm nhân này. Luyện đánh nhau, bị kỷ luật rồi lại chấp hành cải tạo như các phạm nhân bình thường khác. Lê Văn Luyện thể hiện đúng bản tính bất cần và dường như tự đặt dấu chấm hết cho cuộc đời của mình. 18 năm tù như một chiếc then cửa…sập chốt cuộc đời của kẻ sát nhân.
 
Phạm nhân LÊ VĂN LUYỆN: “Một chút xích mích, một chút nóng tính, người ta lao lên. Thực ra, em không biết, tưởng người ta lao vào đánh mình nên có vẻ như phản ứng tự nhiên thôi, sau đó biến thành đánh nhau. Thực tâm lúc đấy không muốn có những vi phạm như thế.”
 
Nhận ra đường trở về với xã hội chưa hẳn đã đóng lại với mình, phần người đã dần dần lấn át phần con của phạm nhân này.
 
Trung úy ĐẶNG VĂN CƯỜNG, Quản giáo phân trại số 1, Trại giam số 3, Bộ Công an: “Phạm nhân Lê Văn Luyện cải tạo tại trại giam số 3 cũng như bao phạm nhân khác lúc đầu có một số tư tưởng lệch lạc, thậm chí có vi phạm nội quy trại giam. Qua sự giáo dục của cán bộ quản giáo phối hợp với cán bộ giáo dục, lãnh đạo phân trại, lãnh đạo đơn vị thì phạm nhân Luyện đã chấp hành án tốt hơn, thể hiện qua việc 2 lần được giảm án với tổng thời gian là 7 tháng. Hiện nay, phạm nhân vẫn cố gắng tiếp tục phấn đấu chấp hành tốt nội quy trại giam để sớm trở về với cộng đồng và xã hội.”
 
12 năm trong trại giam có thể chưa đủ để bù đắp hết tội lỗi của Luyện, chưa xoa dịu được nỗi căm phẫn của những người chứng kiến, liên quan đến vụ án tại tiệm vàng Ngọc Bích, nhưng 12 năm là quãng thời gian đủ để thay đổi bản tính hoang dã, bất cần trở nên nhún nhường, chịu nhịn hơn. Lê Văn Luyện đã phá tan một gia đình yên ấm và giờ chính y lại thèm muốn một thứ cảm giác mơ hồ khi nhắc đến 2 chữ gia đình. Gia đình là thứ Luyện cần nhưng cũng chính là thứ đã đẩy hắn đi xa nhất đến nỗi tuyệt vọng.
 
Phạm nhân LÊ VĂN LUYỆN: “Thường thường gia đình em nó hơi nhạt nhẽo, không như các gia đình khác nhưng tình yêu bố mẹ dành cho em là rất nhiều có lẽ em không cảm nhận được. Có thể cách biểu đạt của họ không giống như trong mong muốn của em.”
 
Lần gần nhất gia đình lên thăm Luyện như phạm nhân chia sẻ với chúng tôi là năm 2018. Cuộc gặp mặt ngắn ngủi cùng những lời động viên chóng vánh trôi qua khi thời gian không có nhiều. Sự quan tâm, tình yêu của gia đình với Luyện qua cảm nhận của phạm nhân này là một thứ gì đó nhợt nhạt, không bước qua được ranh giới của sự sẻ chia và giãi bày. Thứ Lê Văn Luyện cần ở gia đình mình đôi khi chỉ là 1 lời động viên bâng quơ…dù ít nhưng nó vẫn như nguồn nước tưới vào một thân cây khô cằn bởi nắng hạn.
 
Phạm nhân LÊ VĂN LUYỆN: “Chả bao giờ em nói chuyện với bố em cả. Ngày xưa bố em không dạy em như bây giờ. Trái tim của bố em mở ra cho em cũng nhỏ, cảm nhận của em thế. Với em thì luôn luôn nghiêm khắc, nghiêm khắc theo kiểu không hiểu tâm lý của em, để đến bây giờ cái ký ức buồn nhiều hơn. Tất nhiên, ký ức vui cũng có cùng gia đình nhưng nó không thể thắng được ký ức, cảm giác như đấy không phải bố mẹ mình.”
 
Trong con người của Lê Văn Luyện là đầy rẫy những sự mâu thuẫn và bế tắc. Tâm lý của phạm nhân này là một thứ rất khó đoán định. Nó khiến người ta không phân biệt được đâu là sự ngô nghê, đâu là sự ăn năn. Luyện trồng cây tặng quản giáo, Luyện đọc sách và muốn trở thành một thầy thuốc cứu người sau tất cả tội lỗi mình đã gây ra. Nó là điều khá vô lý nhưng với phạm nhân này đây là cách để y bước qua hố sâu của tội ác để cứu rỗi chút lương tri còn lại trong mình. Sự thật là đã có những phạm nhân đã được Luyện giúp đỡ với chút kiến thức về Y học ít ỏi của mình.
 
Phạm nhân LÊ VĂN LUYỆN: “Một tuần thì anh ý đi lại thẳng được, trước lưng anh cong, anh ý bị sưng. Sau một tuần anh ý thẳng và đi lại bình thường. Mấy ngày nữa anh ý về, anh ý mua cho em thùng sữa nhưng em bảo không nhận. Cái việc này mình làm, mình làm mình không thể nhận được, mình nhận nó mang ý nghĩa khó chịu với suy nghĩ trong em.”
 
Lê Văn Luyện hoàn toàn xứng đáng nhận sự trừng phạt của pháp luật, của lương tâm, của những sự dằn vặt theo bám cả cuộc đời. Ngày ra trại với Luyện không còn xa nhưng thứ xa vời vợi nằm ngoài khả năng của y đó chính là cái nhìn từ cộng đồng. Luyện sẽ phải gánh chịu tất cả, bước tiếp hay dừng lại phụ thuộc vào sức chịu đựng của phạm nhân này và phần nào đó là sự quan tâm của người thân. Liệu có đủ để kéo Luyện lại, giữ y thoát khỏi những vấp ngã luôn trực chờ, điều này đến ngay Luyện cũng không dám chắc.
 
Phạm nhân LÊ VĂN LUYỆN: “Em có lo lắng. Lo lắng duy nhất là không giữ được mình.”
 
Đêm kinh hoàng tại phố Sàn là minh chứng trong khoảnh khắc ngắn ngủi con người có thể vượt qua giới hạn giữa bình thường và trở thành một kẻ hoàn toàn khác, sẵn sàng làm những điều thay đổi toàn bộ cuộc đời khi ở cực điểm của giới hạn. Điều quan trọng là ai, Bàn tay nào sẽ kéo họ ra khỏi tội ác?
 
Thực hiện: Lê Huy Khánh An
Nguồn: Truyền hình Quốc hội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *