“Tôi đoán họ quay mình để đưa lên tivi vì hoàn cảnh quá khổ, nhưng không ngờ lại tiêu cực đến vậy. Nhưng tôi không quan tâm vì tôi có làm gì sai đâu…”- bà Phượng, người được cho là “vô gia cư giả” cho hay.
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng cho biết, bà từng là giao viên dạy môn Văn.
Có nhà biệt thự…
Những ngày qua trên các trang mạng xã hội lan truyền thông tin kèm video một bà lão được cho là người “vô gia cư giả” chuyên đi nhặt ve chai và “giả khổ” để nhận quà từ thiện từ các nhà hảo tâm, nhưng thực tế, bà lão này có nhà biệt thự cổ trị giá hàng chục tỷ đồng ở trên phố Tô Hiến Thành (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).
Thông tin trên ngay sau đó đã nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận, nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình với việc làm của bà, nhưng cũng không ít ý kiến bày tỏ sự đồng cảm vì bà đã tuổi cao sức yếu, phải đi nhặt ve chai, xin đồ từ thiện để sống qua ngày.
Theo tìm hiểu, bà lão được nhắc đến trong câu chuyện trên tên là Nguyễn Thị Kim Phượng (85 tuổi) đang sinh tại ngôi nhà biệt thự Pháp cổ ở địa chỉ số 63A phố Tô Hiến Thành. Hiện ngôi nhà này có 3 hộ gia đình sinh sống, bà Phượng có hộ khẩu ở tầng 1, còn tầng 2, 3 là của gia đình khác.
Chia sẻ với PV Báo PNVN, bà Phượng cho biết, bà là người gốc Hà Nội, căn nhà đang ở là do bố mẹ bà để lại. Trước đây, thời bà còn trẻ, bà từng là giáo viên dạy môn Văn ở tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương và Hưng Yên). Sau đó bà quay lại Hà Nội làm việc trong một tòa soạn báo ở vị trí đọc bông (sửa lỗi chính tả).
“Tôi công tác một thời gian thì nghỉ nên không có lương hưu. Giờ tuổi cao rồi nhưng vẫn nhớ như in những kỷ niệm làm việc tại tòa soạn báo đó. Nhờ trời thương, năm nay 85 tuổi đầu rồi nhưng vẫn khỏe mạnh, chẳng bệnh tật gì, có trí nhớ tốt chứ không hay quên như nhiều người già khác”, bà Phượng cho hay.
Về đoạn video ghi lại cảnh bà dùng xe đạp được cho là chở đầy ắp quà từ thiện, sau đó mang về nhà gây xôn xao dư luận, bà Phượng cho biết, đêm hôm đó, bà đi nhặt ve chai trên phố thì được người ta phát đồ từ thiện là mấy bộ quần áo, mấy gói kẹo bánh. Sau đó bà xếp gọn lên xe rồi chở về nhà.
“Lúc sau thấy người ta nói có mấy chú quay phim đang đi theo tôi về tận nhà để quay. Tôi đoán họ quay mình để đưa lên tivi vì hoàn cảnh quá khổ, nhưng không ngờ lại tiêu cực đến vậy. Nhưng tôi không quan tâm vì tôi có làm gì sai đâu, với lại tôi cũng không phải chủ nhân của cả căn biệt thự này”, vừa nói bà Phượng vừa chuyển đống phế liệu từ trên chiếc xe đạp xuống.
… chỉ ngủ ở nhà vệ sinh
Cũng theo bà lão 85 tuổi, từ khi nghỉ việc tại tòa soạn báo, bà bắt đầu đi lang thang nhặt ve chai để mưu sinh. Trong quá trình đi nhặt ve chai, bà có gặp nhiều đoàn từ thiện và các đoàn đều chủ động cho bà đồ ăn, quần áo, chứ chưa bao giờ bà ngửa tay xin ai cái gì.
Bà Phượng chia sẻ, bố mẹ, anh chị em ruột của bà đều đã mất từ lâu, bản thân bà không lấy chồng nên cũng chẳng có con. Sống một mình nên cứ lang thang, không nấu ăn, hàng ngày đi nhặt ve chai và ai cho gì thì ăn cái đó.
“Trong nhà tôi chất đầy ve chai, dự định mấy hôm nữa tôi sẽ dọn dẹp để mang bán lấy tiền ăn Tết. Số ve chai này tôi tích gần nửa năm trời mới được đấy”, vừa nói bà Phượng vừa chỉ vào căn nhà chứa đầy ve chai, rác.
Vì trong nhà chất đầy ve chai nên bà Phượng đã mang chăn gối xuống nhà vệ sinh để ngủ. Dù được hàng xóm và chính quyền địa phương nhiều lần khuyên ngăn nhưng bà Phượng vẫn chọn nhà vệ sinh làm chốn nghỉ ngơi mỗi tối.
Mùa đông cũng chỉ tắm nước lạnh
“Trông tôi gày thế này nhưng khỏe lắm, mấy hôm nay lạnh dưới 10 độ C thế mà vẫn tắm rửa bằng nước lạnh. Các cháu hàng xóm hay mang nước nóng sang cho tôi, nhưng tôi đều từ chối vì cảm thấy phiền cho họ quá”, bà Phượng vừa nói vừa chỉ tay vào chiếc thùng xốp, bên trong có một cái cốc dùng để múc nước dội lên người.
Hàng xóm khốn khổ vì mùi rác thải
Một người hàng xóm của bà Phượng cho biết, nhiều năm qua những hộ gia đình sống gần đây rất khổ sở vì mùi rác thải bà Phượng mang về chất thành đống, gây ô nhiễm, mất vệ sinh.
“Đến cả nhà vệ sinh chung cũng bị bà ấy chiếm dụng làm chỗ ăn ngủ trong khi có nhà rộng 35m2 thì dùng để chứa đồ đạc khiến môi trường sống của các hộ dân khác bị ảnh hưởng. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị và kêu cứu. Phường, tổ dân phố và nhân viên vệ sinh môi trường đã đến nhắc nhở, tổ chức dọn dẹp giúp bà, nhưng chỉ được vài ngày, bà lại tha lôi về rất nhiều rác”, người phụ nữ sống gần nhà bà Phượng nói.
Bà Phượng vẫn minh mẫn?
Lãnh đạo UBND phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cho biết, bà Phượng là người già đơn thân, có hộ khẩu thường trú tại căn nhà trên phố Tô Hiến Thành.
“Bà Phượng hàng tháng được nhận trợ cấp 400.000 đồng. Bà khỏe mạnh, minh mẫn và hoạt bát, nhưng có ‘sở thích’ đi nhặt rác, tích trữ rác đầy nhà. Chính quyền cũng từng đề nghị sửa nhà, lát sàn, mua giường chiếu, ti vi, tủ… để bà dọn vào ở nhưng bà không đồng ý”, lãnh đạo UBND phường nói.
UBND phường cùng các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho bà Phượng trong những dịp lễ, Tết, tháng hành động vì người nghèo, trợ cấp đột xuất; giao địa bàn dân cư, tổ dân phố số 2 quan tâm chăm lo đời sống của bà.
“Bà Phượng luôn có tên trong danh sách hỗ trợ. Hàng xóm xung quanh cũng quan tâm, nấu đồ ăn mang sang, nhưng bà không ăn. Mỗi buổi trưa và tối, bà lại ra đường xin đồ từ thiện”, lãnh đạo UBND phường Lê Đại Hành cho hay.
Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam
Tin cùng chuyên mục:
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga