Chuyên gia nhận định, nếu CSGT còn nương tay khi xử lý xe tự chế 3, 4 bánh chở hàng cồng kềnh diễu phố thì sẽ còn nhiều người đi đường chết oan.
Ngày 12/1 tại Hà Nội, nam thanh niên 22 tuổi chết thương tâm sau khi va chạm với chiếc xe tự chế, chở những cuộn sắt thép dài hơn 10m trên đường. Trước đó, rất nhiều vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội đã xảy ra trên địa bàn cả nước, mà thủ phạm đều là những chiếc xe lê “máy chém” đi nghênh ngang trên đường.
Dù Luật Giao thông đường bộ quy định rõ: “Nghiêm cấm đưa xe cơ giới không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật vào hoạt động trên đường bộ”, nhưng tình trạng “cấm cứ cấm, chạy cứ chạy” vẫn diễn ra.
Xe ba bánh chở bó thép hơn 10m xuyên thủng đầu xe buýt trên phố Hà Nội hồi tháng 5/2022.
Không thể nương tay với xe “máy chém”
Tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin kinh tế – xã hội TP.HCM hồi cuối tháng 11/2023, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM nêu những nguyên nhân khó xử lý được dứt điểm vấn nạn xe thô sơ chở hàng cồng kềnh dù CSGT thường xuyên ra quân kiểm tra.
Theo Thượng tá Hà, xe thô sơ là loại xe đầu tư rẻ tiền, tải trọng chở khá lớn, dễ dàng di chuyển vào các hẻm nhỏ. Đây là loại phương tiện xe tự chế, khó quản lý do thường xuyên hoạt động trên địa bàn giáp ranh các tỉnh, khu vực hoạt động ở các chợ truyền thống.
Người sử dụng xe thô sơ đa phần là người có thu nhập thấp, ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện còn hạn chế. Ngoài ra, do nhu cầu mưu sinh nên nhiều người cố tình sử dụng các loại phương tiện này để hoạt động gây mất an toàn.
Bên cạnh đó, quá trình kiểm tra, xử lý, người vi phạm không chấp hành hợp tác làm việc, bỏ lại phương tiện gây khó khăn cho công tác tạm giữ, quá trình tịch thu, tiêu hủy. Việc thanh lý phương tiện cũng mất nhiều thời gian khiến diện tích kho bãi trở nên chật, hẹp, xảy ra tình trạng không đủ kho bãi để tạm giữ.
“Giá thành lắp ráp quá rẻ, nhanh thu lợi nhuận nên khi lực lượng chức năng xử lý, tịch thu phương tiện, người dân vẫn tiếp tục lắp ráp hoạt động. Và một bộ phận người dân do không tìm được công việc phù hợp nên vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm”, Thượng tá Hà nói.
Đặc biệt, theo Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM, trong quá trình xử lý, lực lượng chức năng phải chịu áp lực nhiều từ dư luận, xuất phát từ những tình cảnh khó khăn của người dân.
Tài xế chở hàng chục thanh sắt đai hơn 2m, chạy bạt mạng trên đường Dương Bá Trạc, quận 8, TP.HCM.
Bàn luận về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội vận tải TP Hà Nội – cho rằng, mặc dù hệ thống giao thông vận tải không ngừng phát triển, hiện đại hoá nhưng xe tự chế vẫn “sống” được bởi nhu cầu vận chuyển bằng các phương tiện nhỏ trong địa bàn nội đô là rất lớn.
Ông Liên dẫn thực tế tại Hà Nội, với đặc điểm là hàng nghìn đường ngõ, hẻm nhỏ mà các loại xe tải cỡ nhỏ không vào được thì việc vận chuyển vật liệu xây dựng, hàng hóa bằng xe tự chế vẫn là sự lựa chọn khả thi, có khi là ưu tiên số một của người dân.
“Bên cạnh đó, chúng ta cũng biết rằng đa phần người điều khiển xe tự chế chở hàng thuê đều không có điều kiện kinh tế để mua một chiếc xe tải đàng hoàng. Họ vin vào cớ mưu sinh, trang trải cuộc sống để biện minh cho những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật”, ông Liên nói.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội vận tải TP Hà Nội cho hay, rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành để xử lý xe tự chế 3, 4 bánh.
Cụ thể, Nghị quyết số 32/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông nêu rõ đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ.
Hay tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, xe tự chế bị cấm lưu thông, người điều khiển xe tự chế bị phạt từ 800.000 – 1.000.000 đồng.
Trường hợp gây tai nạn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác thì người điều khiển phương tiện còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt 3 – 10 năm tù.
Quy định là vậy nhưng ông Liên đánh giá, trong khi mỗi ngày có hàng nghìn người điều khiển xe máy, ô tô bị xử phạt vì vi phạm giao thông thì lái xe tự chế lại rất hiếm bị xử lý.
“Các xe tự chế mà ta hay gọi là “hung thần” đường phố có thể vì yếu tố mưu sinh nên được lực lượng thực thi pháp luật nương tay. Tuy nhiên, điều này lại trở thành một trong những nguyên nhân khiến những “máy chém di động” vẫn tung hoành khắp phố. Tôi cho rằng nếu không xử lý dứt điểm xe tự chế thì sẽ còn nhiều người chết oan như những sự việc đã qua”, ông Liên đặt vấn đề.
Tiêu hủy ngay xe vi phạm
TS Khương Kim Tạo – nguyên Phó Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia – nêu thực tế Hà Nội đã quá nhiều lần ra quân xử lý vi phạm của xe tự chế, cả chuyên đề lẫn chiến dịch, với nhiều quy mô, cấp độ khác nhau.
Nhưng theo ông Tạo, việc ra quân thường gắn với các sự kiện như thành phố chuẩn bị đón quan khách đến thăm, hoặc vừa xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng khiến dư luận “dậy sóng”, chứ ít khi là một kế hoạch độc lập. Điều này dẫn đến ra quân xong thì mọi chuyện lại về như cũ.
“Lý do của việc ra quân bất thành vẫn là cơ quan chức năng kêu khó vì vi phạm diễn ra lẻ tẻ, chủ yếu ở đường nhỏ, đường nhánh. Khó xử lý vì đa số người vi phạm đều là người nghèo, lý do mưu sinh. Khó bởi người chủ xe, lái xe là đối tượng chính sách…”, vị chuyên gia phân tích.
Một điểm cố hữu nữa được nguyên Phó Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia nêu, khi lực lượng chức năng xử lý các vấn đề nổi cộm, kéo dài liên quan đến giao thông thường chỉ đạo rất nhiều, đưa ra lộ trình 3 tháng, nửa năm… phải đạt được kết quả này, kết quả kia.
“Lái xe vượt đèn đỏ chúng ta xử lý nộp phạt ngay thì xe tự chế chở hàng cồng kềnh cũng phải thế. CSGT không đủ lực lượng cũng như sân bãi để thu giữ rồi chờ tiền nộp phạt. Nếu không có tiền nộp phạt thì chúng ta thu giữ và đem đi tiêu huỷ ngay”, ông Tạo kiến nghị.
TS Khương Kim Tạo cho rằng nhu cầu mưu sinh không đồng nghĩa với việc chính quyền dễ dàng hy sinh trật tự đô thị, an toàn giao thông.
Xe chở sắt tự chế nghênh ngang diễu phố Hà Nội.
Bên cạnh việc xử lý mạnh đối với phương tiện vi phạm, theo ông Tạo, cần tính đến các phương án hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp.
Ông Tạo nhận định, với mạng lưới cán bộ cơ sở rất mạnh thì không khó để nắm bắt số lượng và quy luật hoạt động của phương tiện tự chế trên từng địa bàn.
“Cùng với thông tin từ người dân, cơ quan quản lý từng xã phường có thể nắm được địa bàn mình có bao nhiêu xe, do những ai làm chủ, hoạt động chủ yếu ở các khu vực nào, tuyến đường nào và mặt hàng mà họ hay chuyên chở”, ông Tạo nêu.
Từ việc thống kê số lượng, đặc điểm hoạt động và hoàn cảnh của chủ xe, cơ quan chức năng có thể phân nhóm để có giải pháp phù hợp, cả về tuyên truyền, vận động cũng như chính sách hỗ trợ để họ chuyển đổi phương tiện hoặc ngành nghề. Vị chuyên gia nêu rõ, các địa phương, đặc biệt là thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đều có ngân sách dự trù cho công tác này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam – cho biết, trong trường hợp chính quyền thừa nhận xe tự chế 3, 4 bánh phù hợp với một phân khúc nhu cầu của người dân thì cần có cách tổ chức quản lý phù hợp.
Ví dụ như quy định loại xe này chỉ được hoạt động ở phạm vi đường nội khu, đường thôn xóm, và đi kèm các điều kiện an toàn và phải giao cho địa phương quản lý.
“Với bộ máy nhân lực của Hà Nội hay TP.HCM, kết hợp cùng công nghệ thì việc quản lý mấy nghìn chiếc xe 3 – 4 bánh hoạt động trong quy mô nhỏ thì không phải là chuyện khó”, ông Thanh góp ý.
***
Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó Phòng CSGT, Công an TP.HCM cho biết, trong đợt cận Tết Nguyên Đán, việc kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông được thực hiện triệt để, duy trì thường xuyên, liên tục và triển khai quyết liệt, không để tái diễn hoạt động phức tạp về trật tự an toàn giao thông.
“Tập trung phương tiện, quân số ra quân xử lý những phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ quá tải trong dịp cận Tết Nguyên đán. Đặc biệt, lực lượng chức năng sẽ tập trung xử lý các phương tiện chở hàng hóa cồng kềnh tại các chợ vì đây là địa điểm vận chuyển hàng hóa nhiều nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông để bà con đi lại mua sắm thuận lợi”, Phó Phòng PC08 nói.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM, việc xử lý các phương tiện xe 3 – 4 bánh được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiều năm của lực lượng CSGT.
Công an TP.HCM cũng đã có văn bản yêu cầu lực lượng CSGT tăng cường xử lý hiệu quả đối với loại phương tiện này, mở rộng xử lý các phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật.
Nguồn: Anh Văn – Lương Ý/VTC News
Tin cùng chuyên mục:
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga