Tôi ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế về cấm bán thuốc qua mạng xã hội, livestream

Người xem: 674

Khoai@

Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, có nhiều nội dung, trong đó Bộ Y tế đề xuất Cấm bán thuốc qua mạng xã hội, livestream.

Cá nhân tôi ủng hộ đề xuất này. Việc bán thuốc qua mạng xã hội, livestream tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, bao gồm:

1. Nguy cơ về nguồn gốc, chất lượng thuốc:

Khó kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, dễ mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Nguy cơ thuốc không rõ nguồn gốc, không được kiểm nghiệm chất lượng, có thể chứa thành phần độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

2. Nguy cơ về thông tin sản phẩm:

Thông tin quảng cáo thường nói quá, nói liều, thiếu chính xác, người tiêu dùng dễ bị lừa đảo.

Trong khi đó, người bệnh khó tiếp cận thông tin đầy đủ về chỉ định, chống chỉ định, tương tác thuốc, dẫn đến sử dụng thuốc không đúng cách. Điều này sẽ rất nguy hiểm khi có biến chứng.

3. Nguy cơ về tư vấn, hướng dẫn sử dụng:

Mua bán thuốc online chắc chắn sẽ không có sự tư vấn của chuyên gia y tế, dẫn đến sử dụng thuốc sai cách, quá liều, hoặc không hiệu quả.

Ngoài ra, nguy cơ người bệnh tự ý mua thuốc theo kiểu “truyền miệng”, “mẹo dân gian” mà không có kiến thức y khoa, dẫn đến hậu quả khó lường.

4. Nguy cơ về lừa đảo:

Nguy cơ lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với những người nhẹ dạ cả tin.

Trên thực tế, có rất nhiều vụ người bệnh vì tin vào quảng cáo và những cam kết mồm của người bán qua mạng xã hội mà gửi tiền vào tài khoản của họ, và sau đó thì… người bán hàng “bỗng nhiên mất tích”. Nhiều trường hợp sau khi biết bị lừa vì thuốc giả, người mua đã tìm đến cơ sở bán và gây ra những vụ việc đau lòng.

5. Ngoài ra, việc bán thuốc qua mạng xã hội, livestream còn gây khó khăn cho việc quản lý sức khỏe cộng động, khó khăn cho quản lý thị trường dược phẩm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà thuốc uy tín.

Vì những lý do nêu trên, việc cấm bán thuốc qua mạng xã hội, livestream là cần thiết để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo quản lý thị trường dược phẩm hiệu quả.

Theo thiển ý cá nhân, khi đã cấm bán thuốc qua mạng xã hội, livestream thì cần phải làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc mua bán thuốc qua mạng xã hội, livestream; cơ quan quản lý nên phát triển hệ thống Nhà thuốc online uy tín, đảm bảo chất lượng thuốc và cung cấp đầy đủ thông tin, tư vấn cho người tiêu dùng; bên cạnh đó, cơ quan quản lý chuyên ngành cũng phải chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về kinh doanh thuốc qua mạng xã hội, livestream. Chú ý rằng, thanh tra, kiểm tra cần được tiến hành thường xuyên, liên tục và đặc biệt coi trọng thanh tra đột xuất, thanh tra khi có đơn tố giác hoặc có phản ánh từ báo chí, mạng xã hội… chứ không nên thông báo rồi mới thanh tra, kiểm tra.

Lời khuyên cho người tiêu dùng: Bán thuốc chữa bệnh qua mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ, vì vậy cần cẩn trọng, chỉ mua thuốc tại các nhà thuốc uy tín, có giấy phép kinh doanh và được tư vấn bởi chuyên gia y tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *