Lộng lẫy “áo xanh” trên mạng, ôm đắng cay ngoài đời: Hệ lụy từ việc sử dụng trái phép trang phục công an

Người xem: 720

Lâm Trực@

“Cái gì không thuộc về mình, đừng vội khoác lên người” – câu nói tưởng chừng đơn giản nhưng lại mang ý nghĩa sâu sắc, đặc biệt là trong việc sử dụng trang phục công an nhân dân (CAND). Mới đây, tại Sơn La, hai thanh niên đã phải “trả giá” cho hành vi thiếu ý thức của mình khi tự ý mặc quân phục CAND để livestream câu like.

Sự việc Tòng Văn D và Q.V.Q, cùng trú tại bản Tốc Lìu, xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp mặc trang phục công an để livestream câu like mới đây là một ví dụ điển hình cho hành vi sử dụng trái phép trang phục CAND. Việc làm này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Kết quả là 2 thanh niên này đã bị Công an huyện Sốp Cộp xử phạt về hành vi sử dụng trái phép trang phục Công an nhân dân.

Vụ việc ở Sơn La chỉ là “một phần nổi của tảng băng chìm”. Trước đó đã có nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra ở các địa phương khác: Tháng 12/2023, hai thanh niên ở Vĩnh Long mặc trang phục CAND để đi ăn nhậu và gây rối trật tự công cộng; tháng 11/2023, một phụ nữ ở Thanh Hóa mặc trang phục CAND để livestream bán hàng online; tháng 10/2023, một nam thanh niên ở Hà Nội mặc trang phục CAND để quay clip TikTok…

Hành vi sử dụng trái phép trang phục CAND không chỉ gây ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng CAND mà còn gây hoang mang dư luận, làm mất niềm tin của nhân dân đối với lực lượng CAND, tạo cơ hội cho các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, chiến sĩ CAND khi hình ảnh của họ bị “bôi nhọ”.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc sử dụng trái phép trang phục CAND là hành vi vi phạm hành chính, có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng. Nghiêm trọng hơn, nếu hành vi này nhằm mục đích giả mạo công an để lừa đảo, trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi sử dụng trái phép trang phục CAND trước đây được quy định tại Điều 19 Nghị định 167/2013/NĐ-CP và nay được thay thế bằng Điều 20 Nghị định 144/2021/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình”.

Bên cạnh đó, việc sử dụng trái phép trang phục CAND để thực hiện tội phạm thì tùy thuộc vào mục đích, tính chất của hành vi mà có thể bị xử lý hình sự ở các tội danh khác nhau, như: Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác quy định tại điều 339 BLHS, hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại điều 174 BLHS.

Để ngăn chặn tình trạng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và các ban ngành, đoàn thể. Theo đó cần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến các quy định của pháp luật về sử dụng trang phục CAND, để nâng cao ý thức tự giác của người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Hãy nhớ rằng, “áo xanh” chỉ đẹp khi được khoác lên người những chiến sĩ CAND thực thụ, những người ngày đêm cống hiến sức mình để bảo vệ bình yên cho cuộc sống của nhân dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *