‘Xử nghiêm sai phạm điện mặt trời, điện gió tại Quy hoạch điện VII’

Người xem: 514

Phó thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng điện mặt trời, điện gió tại Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh, không để thất thoát tài sản nhà nước.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về phát triển, đầu tư điện gió, mặt trời tại Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh.

Không để thất thoát tài sản

Theo đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện các nội dung báo cáo, tính chính xác của số liệu, kết luận, kiến nghị nêu tại kết luân thanh tra.

Phó thủ tướng lưu ý bảo đảm chính xác, khách quan, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của Đảng và pháp luật nhà nước, không để thất thoát tài sản của nhà nước.

Đối với Bộ Công thương và các bộ ngành, cơ quan liên quan, UBND các tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Long An, Bình Phước, Đắk Lăk, Đắk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phó thủ tướng yêu cầu căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nội dung kiến nghị nêu tại kết luận thanh tra theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái.

Các cơ quan và địa phương này phải báo cáo kết quả thực hiện về Thanh tra Chính phủ trong tháng 3/2024 để theo dõi, tổng hợp chung.

Về việc chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương và chuyển hồ sơ, tài liệu các vụ việc sang Bộ Công an, Phó thủ tướng đề nghị Thanh tra Chính phủ căn cứ các quy định của Đảng và pháp luật cả nhà nước để thực hiện theo thẩm quyền.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ theo thẩm quyền thực hiện công khai kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2024.

Loạt vi phạm trong phê duyệt bổ sung dự án điện mặt trời vào quy hoạch

Theo kết luận thanh tra hồi tháng 4, Thanh tra Chính phủ phát hiện Bộ Công Thương không thực hiện đúng quy định lập quy hoạch phát triển điện mặt trời, không đúng thời kỳ quy hoạch đến năm 2020; chậm trễ lập, trình phê duyệt quy hoạch sau gần 20 tháng kể từ khi ban hành quyết định về phát triển điện mặt trời, hiệu lực thi hành chỉ còn 6,5 tháng.

Đáng chú ý, Quy hoạch điện VII điều chỉnh đưa ra kế hoạch lắp đặt 850 MW điện mặt trời vào năm 2020, và tăng lên 4.000 MW vào 2025, nhưng thực tế công suất được bổ sung quy hoạch vượt nhiều lần.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời không quá 50MW vào quy hoạch cấp tỉnh, trình Thủ tướng phê duyệt dự án trên 50MW vào Quy hoạch điện 7 điều chỉnh là không có căn cứ pháp lý.

Từ năm 2016 đến 2020, Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung quy hoạch điện lực các cấp 557 dự án nguồn điện. Riêng với điện mặt trời, đã phê duyệt 168 dự án tổng công suất 14.707 MW/850MW, cao gấp 17,3 lần so với tổng công suất được phê duyệt là không có căn cứ pháp lý về quy hoạch. Cộng thêm với 7.864MW nguồn điện mặt trời mái nhà, nâng tổng công suất lên thành 16.506MW, cao gấp gần 20 lần so với công suất phê duyệt tại Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, gây nhiều khó khăn cho vận hành.

Tại kỳ họp thứ 34 vừa diễn ra, sau khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Công Thương và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió; trong thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh; trong tham mưu, ban hành cơ chế kinh doanh, điều hành nguồn cung ứng, cấp phép kinh doanh xăng, dầu; quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá; trong lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức đấu thầu, thực hiện các dự án/gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện; nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban cán sự đảng Bộ Công Thương các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026; Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, Đảng ủy các Cục, Vụ liên quan và các ông: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Đỗ Thắng Hải, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng; Hoàng Quốc Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức.

Cùng với đó, liên quan đến vụ việc này, theo Ủy ban Kiểm tra còn có trách nhiệm của các ông: Trần Hữu Linh, Bí thư Đảng ủy, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường; Hoàng Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Trần Duy Đông, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu; Phương Hoàng Kim, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; Đặng Huy Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nguyên Bí thư Đảng ủy, Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng; Lý Quốc Hùng, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ; Võ Văn Quyền, nguyên Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương.

Ngoài ra còn có trách nhiệm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và các ông: Trịnh Đình Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Mai Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Dương Quang Thành, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Trần Đình Nhân, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Nguyễn Danh Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Giám đốc Công ty Mua bán điện.

“Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục; nguy cơ thiệt hại rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, lãng phí nguồn lực xã hội; dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh.

Nguồn: Tuệ Lâm/VNF

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *