Vụ việc ở Tuyên Quang và thủ phạm thầm lặng

Người xem: 584

Vụ việc ở Tuyên Quang và thủ phạm thầm lặng.

Chắc hẳn bất cứ người lớn nào có lương tri đều thấy phẫn nộ khi xem clip học sinh chốt cửa lớp, chửi bới, mạt sát cô giáo, đến mức cô phải ngất xỉu.

Nhưng mấy người để ý đến chiếc điện thoại, một vật vô tri chỉ đứng đó quan sát và lặng lẽ phát tán đến hàng triệu người ngay và luôn ?

Mình dù xót xa nhưng không bất ngờ, vì những hậu quả thế này là một chuyện đã được cảnh báo từ rất lâu, kiểu gì cũng xảy ra, chỉ là khi nào và mức độ khủng khiếp ra sao mà thôi.

Cách đây gần chục năm khi tham gia những hoạt động khuyến đọc đưa sách đến trẻ em mình đã thường xuyên thấy sách cô độc thế nào khi đối diện với ti vi, điện thoại.

Nhất là khi làm giáo viên, tiếp xúc hàng ngày với học sinh, mình càng hiểu sâu về gốc rễ những bất ổn của giáo dục có sự đóng góp đắc lực từ chiếc điện thoại, từ những clip bậy bạ, nhảm nhí, tục tĩu nhan nhản trên tiktok, youtube … Đây chính là một kẻ sát nhân thầm lặng, giấu mặt.

Ai cho con trẻ dùng điện thoại từ bé ? Bố mẹ.

Ai mua điện thoại cho học sinh ? Bố mẹ.

Ai cho học sinh dùng điện thoại ở trường ?

Câu hỏi này khó vì không có chủ trương thống nhất, trường cấm, trường cho tự do.

Ngay cả trường có cấm thì không ai khám cặp sách của từng học sinh để thu được, và học sinh thì thiếu gì chỗ giấu để dùng lén lút.

Tóm lại đã cho trẻ dùng điện thoại thì việc cấm ở trường là vô cùng khó. Mình trực tiếp nhiều năm cấm tiệt việc dùng điện thoại của học sinh trong lớp thì thấy chỉ có thể làm được việc này nếu có 2 điều kiện: sự thống nhất về chủ trương trong trường và sự tâm huyết, làm đến cùng của giáo viên.

Tóm lại, gốc rễ câu chuyện đau lòng này phần nhiều đến từ gia đình với sự dễ dãi cho trẻ dùng điện thoại từ sớm, từ xã hội với những clip bậy bạ, xàm xí nhan nhản hút triệu view.

Còn nhà trường, thầy cô ?

Chúng tôi không làm được gì nhiều đâu bố mẹ, xã hội ạ. Những đứa trẻ đã lớn, chúng to cao, khỏe mạnh hơn thầy cô. Lại được tiếp xúc hàng ngày với những thứ độc hại từ khắp nơi trên thế giới, chúng trở nên hung hãn, khó kiểm soát vô cùng.

Để dễ hình dung, có thể so sánh bố mẹ đã trao cho chúng một loại “thuốc phiện” là chiếc điện thoại – cần phải vạch mặt, chỉ tên chính xác như thế – và yêu cầu chúng tôi “cai” cho chúng, chỉ được dùng khi cho phép, khác gì bảo người nghiện chỉ dùng ma túy khi được phép.

Câu chuyện có xôn xao thế nào rồi cũng sẽ trôi đi, hàng nghìn học sinh sẽ xem clip và quan sát cách ứng xử của người lớn chúng ta thế nào. Điều quan trọng là vạch rõ nguyên nhân và mỗi người cần có giải pháp cho mình để những việc như vậy không lặp lại nữa, vì chính con em chúng ta đều sẽ đến lứa tuổi nổi loạn này.

Đến trường học, giờ ra chơi mà trẻ túm tụm lại bên chiếc điện thoại thì không còn gì để nói – theo ngôn ngữ của teen gọi là Hết cứu, nói vậy cho nhanh.

Bài chép của anh Ha Dinh Luc

One thought on “Vụ việc ở Tuyên Quang và thủ phạm thầm lặng

  1. admin says:

    Cần đánh giá toàn diện
    Trong sự việc trên, học sinh đã thiếu kỹ năng, nhận thức pháp luật cũng như kiểm soát an toàn trên không gian mạng. Các em thiếu kỹ năng hành xử phi bạo lực với người lớn, trong đó có cô giáo dạy mình. Về phía cô giáo thì cũng có hành vi chưa chuẩn mực. Nhưng bất kể lý do gì thì hành vi mang tính tập thể của HS như vậy là không thể chấp nhận. Diễn biến trên lớp học cho thấy cô giáo âm nhạc này đã rất cô đơn, đơn độc. Sự việc diễn ra mà không thấy sự vào cuộc kịp thời của nhà trường, cha mẹ học sinh.

    Đối chiếu theo quy chuẩn đạo đức nghề giáo thì bóc tách riêng hành vi của cô giáo là không đẹp. Đối với các học sinh, các hành vi tấn công bằng ngôn ngữ và cơ thể với cô giáo là không thể chấp nhận được, nhất là khi diễn ra ngay trong môi trường giáo dục. Sự việc trên cho thấy chất lượng giáo dục, môi trường giáo dục ở ngôi trường này đang có những khiếm khuyết lớn, cần mổ xẻ, đánh giá toàn diện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *