Nguyễn Cao Trí chiếm đoạt hàng nghìn tỷ của Trương Mỹ Lan

Người xem: 771

Lợi dụng tình hình “không ổn” của Vạn Thịnh Phát và Trương Mỹ Lan, Nguyễn Cao Trí đã sử dụng nhiều “đòn hiểm” trong lập hồ sơ chiếm đoạt số tiền 1.000 tỷ đồng từ đối tác.

Đại gia Nguyễn Cao Trí (SN 1970, quê quán: Lâm Đồng; hộ khẩu thường trú tại: số 6 Phan Văn Chương, phường Tân Phú, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh), sở hữu 2 hệ sinh thái, gồm: Tập đoàn Capella có 28 Công ty “con” hoạt động về lĩnh vực bất động sản, kinh doanh nhà hàng, khách sạn… và Tập đoàn giáo dục Văn Lang có 7 đơn vị thành viên hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục. Trong đó, giữ vai trò trung tâm là 2 công ty mẹ gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang và Công ty Cổ phần Tập đoàn Capella.

Do Nguyễn Cao Trí quen biết với Trương Mỹ Lan nên từ năm 2017 đến năm 2020, Trương Mỹ Lan đã hợp tác đầu tư một số dự án, mua cổ phần một số công ty của Trí. Theo thỏa thuận, Trí đã nhiều lần nhận tiền của Trương Mỹ Lan thông qua những người giúp việc của Lan, tổng cộng 1.000 tỷ đồng, cụ thể như sau: Nguyễn Cao Trí và Trương Mỹ Lan thống nhất sẽ chuyển nhượng 65% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp với giá 45 triệu USD. Lan đã thanh toán cho Trí số tiền 21,25 triệu USD, tương ứng số tiền 476.871.250.000 đồng để mua 31,22% vốn điều lệ của Trí. Do Cổ phần Công ty Cao su Công nghiệp chưa được chuyển nhượng trong vòng 5 năm nên Trí và Lan thống nhất ký “Hợp đồng ủy thác đầu tư” và để Hồ Quốc Minh (là người quen, môi giới của Trương Mỹ Lan) và người thân quen của Trí đứng tên trên hợp đồng.

Bị can Nguyễn Cao Trí.

Sau đó, Trương Mỹ Lan thỏa thuận với Nguyễn Cao Trí mua 100% vốn điều lệ Công ty Sài Gòn Đại Ninh với giá trị 3.000 tỷ đồng. Lan đã đặt cọc và 5 lần chuyển tiền cho Trí tổng cộng 20 triệu USD, tương ứng 463,515 tỷ đồng. Trí khai nhận 1 triệu USD, tương ứng số tiền 23,214 tỷ đồng và 127 tỷ đồng, còn 19 triệu chỉ ghi nhận tiến độ thanh toán nhưng chưa nhận tiền.

Ngoài ra, Trí và Lan còn thỏa thuận để Lan tham gia đầu tư vào dự án tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, thanh toán tiền theo tiến độ phát sinh chi phí và Lan đã 2 lần thanh toán cho Trí, tổng cộng 9,5 triệu USD, tương ứng số tiền 220,274 tỷ đồng.

Do nhận nhiều khoản tiền đầu tư và vay nhưng không có giấy tờ biên nhận nên đến tháng 1/2021, Nguyễn Cao Trí gặp Trương Mỹ Lan tại nhà hàng Ngân Đình, tòa nhà TimeSquare, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để thống nhất chốt các khoản đầu tư mà Trí nhận của Lan tổng cộng là 1.000 tỷ đồng (bao gồm 3 khoản đầu tư trên).

Để đảm bảo tín nhiệm và tin tưởng cho 1.000 tỷ đồng, Nguyễn Cao Trí thống nhất chuyển nhượng cho Trương Mỹ Lan 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang và thống nhất với Trương Mỹ Lan để Hồ Quốc Minh (người được Trương Mỹ Lan giao liên hệ với Trí) đứng tên sở hữu Cổ phần. Nguyễn Cao Trí đã chỉ đạo soạn thảo, yêu cầu các nhân viên ký các văn bản, gồm: Giấy đề nghị chuyển nhượng Cổ phần (không số) và Hợp đồng chuyển nhượng Cổ phần ngày 22/02/2021, Nguyễn Cao Đức chuyển nhượng 2.204.560 Cổ phần (4,95% vốn điều lệ) với giá 495.328.156.926 đồng và Trần Lê Diệp Thúy chuyển nhượng sở hữu 2.370.847 Cổ phần (5,33% Vốn điều lệ) cho Hồ Quốc Minh với giá 505.000.079.426 đồng, tổng giá trị chuyển nhượng 1.000.328.236.352 đồng (bình quân 224.683 đồng/Cổ phần).

Cùng ngày, Trí ký Giấy chứng nhận cho Minh sở hữu 10% Vốn điều lệ Công ty Văn Lang (đứng tên hộ Cổ phần cho Trương Mỹ Lan). Sổ sách hệ thống kế toán không ghi nhận việc thanh toán 1.000.328.236.352 đồng chuyển nhượng 10% Vốn điều lệ như trên.

Ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan bị khởi tố, bắt tạm giam, đến ngày 21 và 22/10/2022, Nguyễn Cao Trí chỉ đạo Bùi Anh Tuấn (Trợ lý của Trí) soạn thảo các văn bản điều chỉnh giá và thanh lý toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng 10% Vốn điều lệ Công ty Văn Lang đã ký theo thỏa thuận với Trương Mỹ Lan.

Các tài liệu lập khống, hợp thức ngày giao dịch, cụ thể: Biên bản thỏa thuận điều chỉnh giá chuyển nhượng Cổ phần, Hợp đồng chuyển nhượng Cổ phần, điều chỉnh giá chuyển nhượng 4.450.706 Cổ phần VLG (10% Vốn điều lệ) với giá 102.366.238.000 đồng (23.000 đồng/Cổ phần), ghi lùi ngày 22/02/2021 và Biên bản thanh lý Hợp đồng chuyển nhượng 4.450.706 Cổ phần (10% Vốn điều lệ), trị giá 102.366.238.000 đồng, ghi lùi ngày 25/02/2021; Biên bản thanh lý Hợp đồng chuyển nhượng 4.450.706 Cổ phần (10% Vốn điều lệ), trị giá 1.000.328.236.352 đồng, ghi lùi ngày thành ngày 26/5/2022. Sau đó, Nguyễn Cao Trí hoàn thiện hồ sơ và làm thủ tục xác nhận chuyển nhượng 4.450.706 Cổ phần (10% Vốn điều lệ) từ Hồ Quốc Minh sang Nguyễn Cao Đức (em trai) và Trần Lê Diệp Thúy (Nhân viên Kế toán Công ty Văn Lang).

Ngày 23/10/2022, Nguyễn Cao Trí hẹn gặp Hồ Quốc Minh tại quán cà phê Starbucks trong sân bay Tân Sơn Nhất (trước khi Minh đi nước ngoài chữa bệnh) yêu cầu Hồ Quốc Minh ký hồ sơ thanh lý Hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ tại Công ty Văn Lang và bản thanh lý Hợp đồng ủy thác đầu tư 31,22% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp nêu trên.

Như vậy, trong khi Nguyễn Cao Trí không trả cho Trương Mỹ Lan số tiền 1.000 tỷ đồng theo thống nhất giữa Trí với Lan nhưng Trí đã tự ý lập, hoàn thiện hồ sơ thanh lý Hợp đồng chuyển nhượng, thanh lý Hợp đồng ủy thác đầu tư trị giá 1.000 tỷ đồng, không trao đổi để được sự đồng ý của Lan nhằm xóa bỏ quyền sở hữu đối với 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang, chiếm đoạt số tiền 1.000 tỷ đồng đã nhận của Trương Mỹ Lan (tương đương 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang như đã thống nhất với Trương Mỹ Lan).

Ban đầu, tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Cao Trí khẳng định không nhận tiền của Trương Mỹ Lan. Đồng thời, Nguyễn Cao Trí còn có nhiều đơn gửi các nơi khẳng định không nhận bất cứ khoản tiền nào của Trương Mỹ Lan, chỉ thừa nhận hợp tác với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong việc tài trợ 2.000 máy thở phòng chống COVID-19 cho Bộ Y tế và các tỉnh, thành trong nước, ngoài ra không có quan hệ kinh tế khác.

Quá trình làm việc với cơ quan điều tra từ ngày 26/12/2022 đến ngày 15/01/2023, Nguyễn Cao Trí vẫn khẳng định không có quan hệ kinh tế, không nhận bất cứ khoản tiền nào của Trương Mỹ Lan, không biết quan hệ chuyển nhượng Cổ phần Công ty Văn Lang giữa Hồ Quốc Minh với Nguyễn Cao Đức, Trần Lê Diệp Thúy; chỉ thừa nhận gặp Hồ Quốc Minh tại sân bay Tân Sơn Nhất là tình cờ, không giao cho Hồ Quốc Minh ký bất cứ tài liệu, giấy tờ gì.

Mặc dù đã có kết quả giám định tài liệu xác định chữ viết của Nguyễn Cao Trí trong các tài liệu do Trí lập để theo dõi, xác nhận số tiền đã nhận của Trương Mỹ Lan do Cơ quan điều tra thu giữ, nhưng Nguyễn Cao Trí vẫn ngoan cố không thừa nhận nhằm chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của Trương Mỹ Lan.

Đồng thời, Nguyễn Cao Trí cho rằng Trương Mỹ Lan vu khống, bôi nhọ danh dự của Trí liên quan đến việc Trí nhận tiền của Lan, thể hiện ý thức chiếm đoạt tài sản đến cùng. Do vậy, Trương Mỹ Lan đã có đơn yêu cầu làm rõ, xử lý hành vi của Nguyễn Cao Trí chiếm đoạt tài sản của Lan và thu hồi số tiền 1.000 tỷ đồng để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Nguồn: Hoàng Phong/ Báo Công an Nhân dân

One thought on “Nguyễn Cao Trí chiếm đoạt hàng nghìn tỷ của Trương Mỹ Lan

  1. Minh Ngoc says:

    Nhìn những con số mà hoảng hốt. Phận dân đen đi làm ăn lương tháng như tôi thì chẳng hình dung nổi thiệt hại của vụ này khủng khiếp tới mức nào. Nhưng cứ nghĩ tới cảnh rất nhiều dự án đang được đầu tư xây dựng tại khắp nơi trên cả nước mà bị cản trở bởi vụ này, thấy thương người dân lao động.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *