Chiều 25/10 vừa qua, Quốc hội đã chính thức công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức danh do Quốc hội khóa XV bầu hoặc phê chuẩn bảo đảm khách quan, nghiêm túc, công khai, minh bạch, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật, được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm, đánh giá cao. Thế nhưng bất chấp thực tế đó, các đối tượng thù địch lại tung ra những luận điệu hết sức sai trái, lố bịch.
Nhận diện âm mưu, thủ đoạn nham hiểm
Lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở xem xét đánh giá cán bộ.
Các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn được lấy phiếu tín nhiệm gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Theo đó, có 49 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tuy nhiên, những trường hợp có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm. Vì vậy, Quốc hội sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với 5 nhân sự: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, do được bầu, phê chuẩn bổ nhiệm trong năm 2023.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước bỏ phiếu tín nhiệm sáng 25/10 (Ảnh: VGP)
Vậy nhưng cố tình phớt lờ sự thật trên, các thế lực thù địch, phản động cơ hội chính trị lại bẻ lái, xuyên tạc đưa ra bài viết với lời lẽ lố bịch như “việc lấy phiếu là hình thức”, “không có gì thay đổi sau khi bỏ phiếu”, “tại sao không bỏ phiếu với các chức danh khác?”; tỏ vẻ quan tâm khi đưa ra yêu cầu rằng “lấy phiếu tín nhiệm phải có “bất tín nhiệm” trong phiếu”… Đây là những luận điệu hết sức xảo trá của những kẻ có mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước.
Việc xuyên tạc công tác lấy phiếu tín nhiệm là vấn đề không mới, được dùng đi dùng lại nhiều lần, đặc biệt vào dịp Đảng, Quốc hội ra các quy định, nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm thì những ngôn từ bịa đặt, những bài viết, video, hình ảnh sai trái, xuyên tạc lại được dịp “bung nở” trên các trang mạng xã hội. Thậm chí, có hãng truyền thông hải ngoại vốn thù địch với Việt Nam mở các diễn đàn, tiến hành phỏng vấn số đối tượng núp bóng “luật sư nhân quyền”, “nhà dân chủ” giả hiệu để bình luận, cổ xúy, diễn trò bôi nhọ, phủ nhận các quy đinh, nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm và kết quả thực thi trên thực tế. Tuy là trò cũ nhưng âm mưu, thủ đoạn hết sức nguy hiểm, thâm độc, nếu không tỉnh táo nhận diện thì rất dễ rơi vào cái bẫy do các thế lực thù địch, phản động giăng ra.
Có thể thấy những luận điệu xảo trá trên nhằm kích thích sự quan tâm của công chúng, cung cấp những thông tin sai lệch để đánh lừa nhận thức dư luận về việc lấy phiếu tín nhiệm; tìm cách làm xói mòn niềm tin của cử tri, Nhân dân về vị trí vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội; làm giảm sự đóng góp, giúp đỡ, xây dựng của Nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp; bôi nhọ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng; xuyên tạc mối quan hệ giữa Đảng với Quốc hội…
Khẳng định vị thế, uy tín của Quốc hội
Từ khi ra đời đến nay, thực tiễn lịch sử đã chứng minh, Quốc hội luôn xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện tốt quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Để xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Nhân dân, cử tri cả nước, hoạt động lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là việc làm vô cùng cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.
Trên thực tế, việc lấy phiếu tín nhiệm có ý nghĩa to lớn đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân người được lấy phiếu tín nhiệm. Đối với cơ quan, tổ chức có cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm là dịp để rà soát, đánh giá một phần cán bộ để có các giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, công tác cán bộ thông qua mức phiếu lấy tín nhiệm.
Đối với người lấy phiếu tín nhiệm, thông qua mức độ tín nhiệm để tự kiểm tra lại quá trình công tác, rèn luyện; giúp cá nhân tự soi, tự sửa, hoàn thiện bản thân hơn. Đối với các chức danh chủ chốt thì việc lấy phiếu tín nhiệm càng có giá trị đặc biệt khi không chỉ giúp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, phương pháp, tác phong công tác của bản thân cá nhân, mà còn lan tỏa tinh thần cống hiến đối với các bộ, ngành, bộ phận, khối do mình phụ trách.
Nội dung lấy phiếu tín nhiệm toàn diện trên các nội dung về: phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật; kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Lấy phiếu tín nhiệm là thực chất, hoàn toàn không có chuyện hình thức như các thế lực thù địch rêu rao. Bởi người được lấy phiếu tín nhiệm phải chịu hệ quả được quy định trong Điều 12 Nghị quyết 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đó là: “Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng Nhân dân trình Hội đồng Nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó; người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng Nhân dân tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì thực hiện việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với các chức vụ đó”. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Cũng theo Nghị quyết 96, đối với trường hợp lấy phiếu tín nhiệm, mẫu phiếu được chia làm ba mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm thì mẫu phiếu có hai mức “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”. Như vậy, hai mẫu phiếu của hai trường hợp là khác nhau, không thể sử dụng mẫu phiếu bỏ phiếu tín nhiệm sang mẫu phiếu lấy phiếu tín nhiệm. Rõ ràng, số đối tượng phát tán thông tin sai trái, đưa ra các bài viết chống phá thể hiện sự thiếu hiểu biết về mẫu phiếu quy định trong Nghị quyết 96 hoặc cố tình không hiểu để quy chụp về phiếu sử dụng trong lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là giống nhau.
Đây là lần đầu tiên Quốc hội lấy phiếu tín nhiệu từ khi Nghị quyết 96 ban hành. Từ ngày 23/6 đến chiều ngày 25/10/2023, Quốc hội đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm trên thực tế. Như vậy, chỉ trong thời gian 4 tháng Quốc hội không chỉ chứng minh tính đúng đắn ở mặt chủ trương, ở khâu ra Nghị quyết mà còn cho thấy quyết tâm cao trong hành động; bảo đảm nhanh chóng, chính xác trong tổ chức thực hiện theo đúng chương trình đã đề ra. Từ đó, cho thấy sự thống nhất biện chứng trong “nói đi đôi với làm” của Quốc hội, từ việc ra quyết sách đến quá trình hành động đều rõ ràng, nhất quán. Mặt khác, việc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tầng lớp nhân dân nắm, theo dõi, giám sát càng cho thấy tính minh bạch, công khai trong các hoạt động của Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri cả nước thể hiện rõ chính kiến, công tâm, trách nhiệm trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu; từ đó phát huy tốt quyền dân chủ của Nhân dân, góp phần khẳng định bản chất tốt đẹp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. 481 đại biểu Quốc hội đã đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri cả nước, cho quyền làm chủ của Nhân dân, hoàn thành tốt trọng trách được giao phó. Đây là tiền đề để đại biểu HĐND các cấp học tập, phát huy.
Kết quả lấy phiếu của Quốc hội vừa qua một lần nữa cho thấy hiệu quả cao trong hoạt động của cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ta, đồng thời khẳng định Quốc hội luôn chú trọng “tự chỉnh đốn, tự đổi mới”, luôn hướng tới phong cách làm việc dân chủ, khoa học, bài bản, thực chất, thể hiện rõ quyết tâm chính trị vì nước, vì dân; thông qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng cho thấy các đại biểu Quốc hội là người có uy tín, trách nhiệm cao đối với công việc, đáp ứng với những niềm mong chờ, tin tưởng, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước. Đó là minh chứng rõ nét, sống động phản bác lại những thông tin sai trái, xuyên tạc./.
Nguồn: Chu Xuân Đại Thắng
Tin cùng chuyên mục:
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga