Starlink bắt đầu nếm trái đắng từ Ukraine, Elon Musk muốn rút lui trong an toàn

Người xem: 377

Từ đầu cuộc xung đột tỷ phú Elon Musk đã thấy rõ nguy cơ khi Starlink bị lạm dụng ở Ukraine, đỉnh điểm là hệ thống này được sử dụng dẫn đường UAV tấn công Crimea.

Ngày 7/9, trong một bài đăng trên mạng xã hội X, tỷ phú Elon Musk – người sáng lập SpaceX cho biết ông đã từ chối yêu cầu cung cấp kết nối hệ thống internet vệ tinh Starlink tới Sevastopol, ngăn Ukraine tập kích hạm đội Nga tại bán đảo Crimea vào tháng 9 năm ngoái.

“Các cơ quan chính phủ Ukraine yêu cầu khẩn cấp về việc kích hoạt kết nối Starlink đến tận Sevastopol. Mục đích rõ ràng là đánh chìm phần lớn hạm đội Nga đang neo đậu tại đây”, bài đăng của tỷ phú Elon Musk có đoạn.

Tỷ phú người Mỹ đã bí mật yêu cầu kỹ sư vô hiệu hóa vùng phủ sóng Starlink trong phạm vi 100 km tính từ bờ biển Crimea, khiến phương tiện không người lái của Ukraine mất kết nối, dạt vào bờ.

Theo Elon Musk nếu ông đồng ý với yêu cầu của Ukraine rõ ràng SpaceX sẽ trở thành một phần khiến xung đột leo thang. Trong khi đó Starlink ngay từ đầu được xây dựng để đáp ứng các yêu cầu thương mại.

Tỷ phú Elon Musk cho rằng nếu ông đồng ý với yêu cầu của Ukraine hỗ trợ tấn công Crimea rõ ràng SpaceX sẽ trở thành một phần khiến xung đột leo thang. (Ảnh: Mashable)

Lo ngại xung đột leo thang

Theo Elon Musk khi đưa ra quyết định trên ông muốn ngăn chặn xung đột leo thang mất kiểm soát, bởi công ty này có thể trở thành mục tiêu quân sự nếu Nga tiến hành đáp trả.

Ông Elon Musk còn so sánh việc Ukraine sử dụng máy bay không người lái (UAV) và phương tiện mặt nước không người lái (USV) tấn công các căn cứ quân sự của Nga ở Crimea giống như một “trận Trân Châu Cảng thu nhỏ”.

Điều tỷ phú Elon Musk lo sợ nhất là Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả khơi mào một chiến tranh toàn cầu.

Chính vì điều này Elon Musk chỉ cho phép sử dụng Starlink bên trong lãnh thổ Ukraine, ngoại trừ bán đảo Crimea.

Trong hội nghị ngày 8/2 tại Washington, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành SpaceX Gwynne Shotwell cho biết công ty này đã thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn quân đội Ukraine dùng kết nối vệ tinh Starlink tấn công lực lượng Nga, trong đó có các vụ tập kích bằng UAV.

Bà Shotwell không tiết lộ biện pháp được SpaceX áp dụng, song khẳng định hãng có thể sử dụng thêm giải pháp khác.

“Chúng tôi biết quân đội Ukraine dùng dịch vụ để liên lạc, điều đó không sao. Tuy nhiên, chúng tôi không bao giờ muốn họ dùng Starlink để tấn công Nga”, bà Shotwell tuyên bố.

Tuy nhiên chính suy nghĩ trên đã khiến Elon Musk và cả SpaceX gặp rắc rối khi tỷ phú Mỹ bị nhiều người xem là “kẻ phản quốc” do từ chối giúp Ukraine tấn công bán đảo Crimea.

Cuối năm ngoái, khi được hỏi liệu tỷ phú Musk có phải mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ hay không, Tổng thống Joe Biden nói rằng mối quan hệ hợp tác của ông chủ SpaceX với các nước khác “rất đáng xem xét”.

Quan hệ giữa Nhà Trắng và Elon Musk vốn không nồng ấm. Nhà Trắng có xu hướng tránh đề cập tới Tesla trong các bình luận công khai về ngành công nghiệp xe điện, thay vào đó họ nói về liên minh các nhà sản xuất xe điện. Trong khi đó, Musk đã nói chuyện với các đảng viên Dân chủ hàng đầu rằng ông có thể không còn ủng hộ đảng này và quay sang với các ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa.

Quan điểm của Elon Musk về cuộc xung đột Ukraine từng nhiều lần khiến Nhà Trắng khó chịu và việc ngắt kết nối Starlink là giới hạn cuối cùng.

Lầu Năm Góc lấy lại thể diện

Câu chuyện của Starlink là một ví dụ khác về việc các công nghệ phục vụ cho mục đích dân sự được quân sự hóa bằng nhiều hình thức khác nhau. Ở trường hợp của SpaceX, Starlink có trở thành công cụ quan trọng giúp làm thay đổi cục diện chiến trường theo góc độ nào đó.

Trường hợp của Starlink là chưa từng có tiền lệ khi các công nghệ cốt lõi thường được ưu tiên sử dụng cho mục đích quân sự trước khi được thương mại hóa phục vụ dân sự. Điều này vô tình kéo SpaceX vào cuộc xung đột dù công ty này không mong muốn.

Cái khó của SpaceX hiện tại là các hợp đồng chính của công ty này đều đến từ Lầu Năm Góc, trong đó quan trọng nhất là chương trình hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng tên lửa mà SpaceX là một trong những nhà thầu tham gia.

Trước đây, trong những trường hợp như vậy, Lầu Năm Góc chỉ cần thương lượng các điều kiện, thanh toán hợp đồng và giao mọi việc cho nhà thầu xong. Sau câu chuyện về quyền tự quyết của Elon Musk với Starlink, Lầu Năm Góc có ý định đảm bảo cho mình quyền tiếp cận quản lý trong tất cả các dự án với các nhà thầu dân sự.

Các thỏa thuận bắt buộc phải sử dụng công nghệ trong các hoạt động quân sự thực tế và hỗ trợ các hoạt động tấn công cần thiết.

Với trường hợp của Starlink hiện tại nó sẽ sớm bị Lầu Năm Góc kiểm soát, ít nhất là trong cuộc xung đột ở Ukraine, và biến thành công cụ phục vụ chiến tranh.

Động thái ký hợp động với SpaceX cung cấp dịch vụ Starlink tại Ukaine có thể được xem là cách giúp Lầu Năm Góc hướng vệ tinh của Elon Musk đến bất kỳ đâu mà họ muốn.

“Thông tin liên lạc vệ tinh cấu thành một lớp quan trọng trong mạng lưới thông tin liên lạc tổng thể của Ukraine và bộ đã ký hợp đồng với Starlink cho các dịch vụ thuộc loại này”, Lầu Năm Góc cho biết trong một thông báo vào tháng 6/2023.

Còn theo tờ Washington Post, Elon Musk đã quyết định bàn giao cho Lầu Năm Góc quyền kiểm soát Starlink.

Trên thực tế, theo các chuyên gia quân sự, tỷ phú Elon Musk đơn giản là không thể chịu được áp lực từ chính quyền Mỹ, những người không hài lòng với quan điểm của ông liên quan đến xung đột Nga – Ukraine.

Elon Musk cũng không chịu ngồi yên và tuyên bố rằng SpaceX không nhận được yêu cầu của Lầu Năm Góc lẫn Tổng thống Mỹ cho phép việc sử dụng Starlink như một công cụ tấn công vào Crimea hoặc lãnh thổ Nga. Do đó ông hoàn toàn có quyền từ chối hỗ trợ Ukraine.

“Quốc hội Mỹ không tuyên chiến với Nga. Nếu có ai là kẻ phản bội thì chính những người đó gọi tôi như vậy. Xin hãy truyền đạt điều này cho họ thật rõ ràng”, ông Elon Musk nhấn mạnh.

Sau hàng loạt chỉ trích vì từ chối bật dịch vụ Starlink ngoài khơi bờ biển Crimea, có lẽ Elon Musk đã tự đặt câu hỏi: “Tại sao tôi lại tham gia cuộc chiến này?”. Việc phó mặc Starlink cho Lầu Năm Góc có lẽ là phương án tốt nhất.

Chuyển quyền kiểm soát Starlink cho Lầu Năm Góc có thể là phương án tốt nhất để Elon Musk rút chân khỏi cuộc xung đột Ukraine.

Phương án thay thế

Với việc được “tháo khóa” Starlink, Ukraine dĩ nhiên có điều kiện mở rộng các cuộc tấn công bằng UAV và USV của họ vào bán đảo Crimea ngày một gia tăng. Các cuộc tập kích liên tiếp trong tháng 8 và tháng 9 đã cho thấy một phần điều này.

Các mục tiêu của quân đội Ukraine ở Crimea cũng trở nên đa dạng hơn thì chỉ nhắm vào các tàu chiến Nga hoạt động trên biển Đen và cầu Crimea như trước đây.

Tuy nhiên, Ukraine tính toán đến việc thay thế Starlink bằng một hệ thống thông tin vệ tinh khác, nhất là sau khi vấp phải sự phản đối của Elon Musk. Việc vị tỷ phú này trao cho Lầu Năm Góc quyền kiểm soát Starlink có thể dẫn đến việc mạng lưới này không nhận được sự hỗ trợ an ninh từ đội ngũ SpaceX trước các cuộc tấn công mạng từ Nga.

Tờ El Pais nhận định sự tồn tại của đất nước Ukraine phụ thuộc phần lớn vào mạng lưới vệ tinh của ông Musk, bởi Starlink đóng vai trò rất quan trọng đối với lực lượng vũ trang Ukraine. Nếu dịch vụ Starlink ngừng hoạt động, hệ thống phòng thủ của Ukraine có thể sụp đổ. Và do đó, Kiev đang tìm kiếm các giải pháp thay thế.

Ngày 10/9, ông Kirill Budanov, người đứng đầu Cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, cho biết lực lượng vũ trang Ukraine đã sử dụng hệ thống Starlink trên toàn bộ tiền tuyến. Quan chức này xác nhận rằng dịch vụ vệ tinh trên đã không hoạt động gần bán đảo Crimea trong một khoảng thời gian nhất định.

Lo ngại của Ukraine không phải là không có cơ sở khi chỉ trong khoảng thời gian 2 tháng (tháng 7 đến tháng 9/2023), SpaceX đã mất ít nhất 212 vệ tinh Starlink, dữ liệu do Satellitemap.space thống kê.

Dù SpaceX vẫn còn hơn 4.000 vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo nhưng số vệ tinh bị mất tiếp tục tăng như vừa qua hệ thống Starlink chắc chắn phải đứng trước nguy cơ ngưng hoạt động.

Dữ liệu cho thấy số lượng vệ tinh bị Starlink hư hỏng tăng đều đặn trong 3 năm qua, nhưng số liệu lập đỉnh của hiện tượng này mới bắt đầu từ tháng 7. Với hiện tượng này, SpaceX có thể thiệt hại khoảng 100 triệu USD.

Hiện không rõ những vệ tinh này bị lạc khỏi quỹ đạo Trái đất, bị hỏng hóc hay bị đốt cháy do bão Mặt Trời. Trang tin Cybernews đã liên hệ với SpaceX để yêu cầu bình luận nhưng chưa nhận được phản hồi.

Các vệ tinh Starlink được thiết kế để tự cháy trong bầu khí quyển Trái đất khi kết thúc vòng đời của chúng, tức là khoảng 5 năm. Nhưng với hỏng hóc liên tục như hiện tại SpaceX rõ ràng đang gặp vấn đề lớn.

TRÀ KHÁNH(Nguồn: TopWar, Washington Post, El Pais)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *