Nhân vụ Nguyễn Thị Thu Phương, bàn về Đầu thú và Tự thú

Người xem: 566

Khoai@

Mới đây, thông tin báo chí cho biết, liên quan đến đại án AIC xảy ra tại Sở Y tế Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng bộ phận thư ký tài chính Công ty AIC về nước đầu thú. Đây là một tín hiệu tốt lành cho cơ quan điều tra, xét xử. Tuy nhiên, nhiều người khi bình luận các bà viết trên mạng, vẫn sử dụng lẫn lộn 2 từ “Đầu thú” và “Tự thú”.  

Trong ngôn ngữ tố tụng, 2 từ “Đầu thú” và “Tự thú”, dù có điểm chung, nhưng về cơ bản là khác nhau.

Điểm giống nhau là cả Đầu thú và tự thú đều là hành vi của người phạm tội tự mình đến trình diện và khai báo tại cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình. Nhưng đầu thú và tự thú có nghĩa khác nhau, liên quan đến lượng hình.

Cả hai thuật ngữ trên đều được quy định tại điểm h và điểm I, khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Theo đó: 

“Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện”.

“Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình”.

Sự khác biệt nằm ở chỗ, tự thú thì hành vi phạm tội chưa được phát hiện còn đầu thú là hành vi phạm tội đã được phát hiện.

Với tự thú: Hành vi phạm tội chưa bị ai phát giác hoặc đã bị phát giác nhưng chưa xác định được ai là tội phạm; việc người phạm tội tự khai ra hành vi phạm tội của mình với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là biểu hiện của sự ăn năn hối cải cho những hành vi phạm tội. Dó đó, người tự thú có thể được hưởng khoan hồng, mức khoan hồng căn cứ vào chính sách hình sự của Nhà nước; tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; hậu quả xảy ra; thái độ khai báo; sự góp phần vào việc phát hiện và điều tra tội phạm của người tự thú.

Người tự thú có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu trước khi bị phát giác, họ ra tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được nhà nước, xã hội thừa nhận.

Về đầu thú: Khi vụ việc xảy ra, đã xác định được ai là người phạm tội. Hành vi tội phạm đã bị phát hiện, nhiều người biết, bị tố cáo, và đang bị các cơ quan chức năng điều tra làm rõ cho dù nghi can chưa chính thức bị khởi tố hình sự. Hành vi đầu thú cho thấy người có hành vi phạm tội có tư tưởng ăn năn, đã nhìn nhận ra lỗi lầm của mình. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, người đầu thú không được miễn trách nhiệm hình sự, mà việc đầu thú chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ.

Trở lại câu chuyện bà Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng bộ phận thư ký tài chính Công ty AIC về nước đầu thú. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 51 BLHS 2015 (sửa đổi 2017) thì đầu thú là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Khoản 2 Điều luật này cũng quy định khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

Như vậy, căn cứ vào quy định của pháp luật, Nguyễn Thị Thu Phương ra đầu thú, thì khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể xem xét là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án. Và nếu trong quá trình điều tra, bị can Nguyễn Thị Thu Phương tích cực hợp tác, cung cấp các tài liệu chứng cứ mới, quan trọng… thì còn có thể được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm t, điểm u khoản 1 Điều 51 BLHS.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *