Theo cáo trạng, để kit test được chứng nhận là của Việt Á và lưu hành, Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, đã hối lộ cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long 2,25 triệu USD, chi tiền “cảm ơn” cho nhiều cựu cán bộ cấp cao.
Ngày 30-9, theo nguồn tin, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 38 bị can liên quan đến vụ Việt Á.
2 cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long
Theo đó, VKSND Tối cao truy tố cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về tội “Nhận hối lộ”. Cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc, cựu thứ trưởng Bộ KH-CN, bị truy tố cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. VKSND Tối cao còn truy tố Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.
Cơ quan tố tụng cáo buộc khi dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ và Bộ KH-CN giao các đơn vị khoa học chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch. Với mục đích để Công ty Việt Á được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu kit test xét nghiệm, sau đó chiếm đoạt, biến test thành sản phẩm của công ty để sản xuất, tiêu thụ, Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN thuộc Bộ KH-CN) để Việt Á được Bộ KH-CN phê duyệt tham gia, phối hợp Học viện Quân y thực hiện đề tài.
Sau đó, Việt đề nghị Nguyễn Văn Trịnh (cán bộ Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế)… can thiệp, tác động, chỉ đạo Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế) để Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức kit test xét nghiệm COVID-19.
Khi Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 test xét nghiệm cho Bộ Y tế, Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/kit test không có căn cứ.
Sau đó, Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương, xác định Việt Á thay đổi nguyên vật liệu sản xuất nhưng không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị xử lý, dẫn đến Công ty Việt Á tiếp tục sử dụng mức giá trên, tạo mặt bằng giá để bán cho các đơn vị, địa phương.
Nguồn: Người Lao động
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố