Trợ cấp cho năng lượng xanh và lôi kéo các doanh nghiệp quay trở lại Mỹ cũng thúc đẩy nhu cầu hiện nay của cường quốc số 1 thế giới.
Ukraine đã nhận xe tăng Abrams và chuẩn bị tiếp nhận máy bay chiến đấu của Mỹ như F-16. Ảnh: marketwatch.com
Theo mạng tin marketwatch.com ngày 27/9, sự hỗ trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine do xung đột với Nga đã tạo động lực cho lĩnh vực công nghiệp đang gặp khó khăn của nền kinh tế Mỹ.
Nguồn tin trên dẫn số liệu phân tích từ Haver Analytics, một nền tảng nghiên cứu, tư vấn kinh tế toàn cầu, cho thấy trong năm qua, chi tiêu của Chính phủ Mỹ cho các phần cứng liên quan đến quốc phòng như máy bay, xe tăng, xe tải và tên lửa đã tăng 15%.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Mỹ đã viện trợ hàng chục tỷ USD cho Ukraine và cung cấp cho nước này rất nhiều vũ khí, đạn dược.
Kết quả là kho dự trữ của quân đội Mỹ đã cạn kiệt một phần. Chính phủ Mỹ đã có động thái bổ sung số vũ khí gửi tới Ukraine cũng như tăng cường viện trợ quân sự.
Mới đây, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã cung cấp 31 xe tăng Abrams cho Ukraine và nước này chuẩn bị nhận các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất thuộc sở hữu của các đồng minh châu Âu.
Việc tăng chi tiêu của Lầu Năm Góc đã giúp các nhà sản xuất tiếp tục hoạt động. Đơn đặt hàng hàng hóa lâu dài của Mỹ – hoặc các sản phẩm lâu bền – đã tăng trong năm qua. Trong tháng 8, đơn đặt hàng của chính phủ đối với hàng hóa liên quan đến quốc phòng đã tăng 19%, phần lớn liên quan đến máy bay.
Các đơn hàng quân sự này phần lớn được chuyển tới các nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ như Boeing, Northrup Grumman, Raytheon và Lockheed Martin.
Không chỉ chi tiêu quân sự mới thúc đẩy các nhà sản xuất. Các khoản trợ cấp khổng lồ của Chính phủ Mỹ cho năng lượng xanh và việc “tái định cư” – lôi kéo các doanh nghiệp quay trở lại Mỹ – cũng đã giúp tăng doanh thu của họ.
Nếu không có chi tiêu của chính phủ, các nhà sản xuất Mỹ sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn. Đơn đặt hàng đã chậm lại do nền kinh tế yếu đi, lãi suất cao hơn và sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của khách hàng. Nếu loại trừ lĩnh vực quốc phòng, số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm trong 12 tháng qua.
Trong khi đó, người tiêu dùng Mỹ nói riêng đang chi tiêu tương đối nhiều hơn cho dịch vụ so với hàng hóa, một sự đảo ngược so với những gì đã xảy ra ban đầu trong đại dịch COVID-19.
Nguồn: Công Thuận/Báo Tin tức
Mỹ là kẻ hưởng lợi từ mọi cuộc chiến tranh.
Không ngoa khi nói rằng, Mỹ làm giàu từ chiến tranh.
Vì thế Mỹ chuyên trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra chiến tranh trên toàn cầu, bao gồm cả trường hợp Ukraine.