Chàng du mục kỹ thuật số đam mê du lịch khắp Việt Nam

Người xem: 257

Juan Carlos Duran Solorzano kín lịch tạm biệt bạn bè ở TP.HCM để lên đường về Mexico. Quà chia tay có những tấm hình kỷ niệm anh cùng họ lân la khắp thành phố khi xây dựng nhóm nhiếp ảnh Saigon Photo Walk.

 
Những bức ảnh Juan và nhóm Saigon Photo Walk đã chụp.
 
Khi lập nhóm nhiếp ảnh, Juan đặt tên là Saigon Photo Walk nhưng những bức ảnh anh ghi lại không phải là đường phố Sài thành mà là những bức chân dung.
 
Juan nói: “Nhiều nhiếp ảnh gia thường chụp ảnh đường phố và kiến trúc đô thị để ghi lại nhịp sống ở TP.HCM. Nhưng đối với tôi, khuôn mặt của mỗi người đã kể lên một câu chuyện và tôi muốn nắm bắt nét đời ấy qua những lần đi chụp. Bắt được thần thái của một người không phải là chuyện dễ dàng, bởi vậy tôi mới đam mê”.
 
Juan đến TP.HCM sinh sống 4 năm, những ngày trước khi về nước anh lại lần giở từng kỷ niệm mình đã ghi lại. Juan không đếm nổi những tấm ảnh mình chụp nữa nhưng tấm của anh có một điểm chung là vẻ mộc mạc của người lao động Việt. Từ chú lái xích lô, cô hàng xén đến trẻ em đùa nghịch trên đường.
 
Lần đầu xuống phố chụp ảnh, anh bất ngờ trước sự thân thiện của người Việt vì họ luôn cười tươi khi anh giơ máy ảnh lên chụp. Juan đã lái mô tô hơn 3 tuần từ Trung Quốc sang Việt Nam để có làm cuộc phiêu lưu thú vị.
 
Juan Carlos Duran Solorzano trong ngày chia tay với bạn bè. Ảnh: Mỹ Huyền.
 
Juan bất ngờ với một đất nước đang phát triển mạnh nhưng văn hóa hàng xén và hàng xóm tụ tập bên hè vẫn còn. Sau lưng những khối bê tông sừng sững của những tòa nhà cao tầng là từng nhóm người mưu sinh trên đường phố. Bên cạnh họ, còn có những người già vẫn tham gia vào nếp sống cởi mở của một đô thị đang phát triển.
 
Bởi vậy, rất nhiều ảnh của Juan chụp là khuôn mặt của người lớn tuổi khuôn mặt hằn lên nét thời gian nhưng nụ cười tươi vui. Họ trốn nắng dưới vành nón lá tạo nên cấu trúc hoàn hảo cho những bức ảnh chân dung.
 
Nhờ vẻ hiền hòa của họ, Juan can đảm hơn để vào những con hẻm nhỏ chỉ một người đi vừa. Trên cao là dãy quần áo phơi phất phơ trước từng nhà. Theo con hẻm loằng ngoằng thông ra khắp mọi nơi, có khi anh ra một quận khác cách xa điểm xuất phát ban đầu.
 
Trong những con hẻm đó, Juan thấy những ngôi nhà mà đứng từ ngoài nhìn vào đã thấy cuối nhà đằng sau. Người trong nhà thường mở toang cửa đón gió thoáng trong lúc nấu ăn hay giặt quần áo.
 
Juan kể có lần đưa máy ảnh lên chụp mà anh đã rớm nước mắt. Đó là khung cảnh của ngôi nhà có một cụ bà lớn tuổi vừa ăn cơm xong. Bàn ăn của bà là đế của một chiếc ghế xoay bị hỏng. Tất cả sinh hoạt của bà đều ở phòng khách, từ giường ngủ đến bàn ghế đều được chất trong phòng khách nhỏ xíu cũ kỹ.
 
Có lẽ buổi tối khi cả nhà đóng cửa đi ngủ, phòng khách này cũng là nơi để xe máy. Trên tường bên cạnh bàn thờ là những kỷ niệm của bà, có lẽ cả cuộc đời bà từ trước đến nay. Những bức ảnh khi bà còn trẻ, rồi ảnh của những đứa con cũng được lưu giữ trên bức tường úa màu thời gian.
 
Juan nói anh cố gắng mô tả cảm nhận của anh về con người Việt Nam qua ảnh chụp.
 
Lần giở một bức ảnh nữa, Juan nhớ lại khoảnh khắc hai đứa trẻ nằm ôm nhau ngủ bên vệ đường, hai anh em không có áo mà nằm trên đất. Juan chỉnh ống kính sát lại khuôn mặt hai đứa trẻ nằm ngủ, chúng có vẻ đẹp của giấc ngủ ngây thơ.
 
Juan nói đù: “Chắc chúng đang nằm mơ thấy mình đang ngủ trên giường nệm trong phòng có máy lạnh. Ở tuổi đó các em cần nhiều hơn thế. Tuy biết rằng trẻ em Việt Nam vẫn được đến trường và vẫn được ăn no mặc ấm, tôi nghĩ rằng số ít trường hợp như vậy nên được gọi tên. Những người yếu thế luôn cần được giúp đỡ, vì vậy tôi luôn zoom ống kính vào những mảnh đời như vậy mỗi khi bắt gặp. Có lẽ ai đó sẽ nhìn thấy và có lẽ sẽ có sự thay đổi cho những mảnh đời ấy”.
 
Nhưng những bức ảnh của Juan không chỉ có những mảnh đời, còn rất nhiều vẻ đẹp Việt theo suốt chiều dọc dài theo đất nước. Đó là những cánh đồng nhang của Làng hương Thuỷ Xuân ở Huế, nơi khuôn mặt của người lao động lấm tấm phẩm đỏ của chân nhang.
 
Hay khuôn mặt dấu sau lớp khẩu trang dày của những người phụ nữ làm gốm ở Bình Dương. Là cảnh Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn ở Hải Phòng, nơi bao khuôn mặt háo hức nhìn các chú trâu lao đi trên đường đua.
 
“Tôi đi gần hết Việt Nam rồi. Còn TP.HCM, có bao nhiêu phố phường tôi cũng đã qua hết”, Juan hớn hở khoe.
 
 
 
Những chuyến đi ấy Juan không đi một mình, anh đi cùng nhóm Saigon Photo Walk. Anh lập ra để vừa khám phá phố phường vừa dạy người khác chụp ảnh. Nhiều người ngoại quốc ở đây đóng phí theo anh học chụp ảnh vì họ nhận ra nét nhân văn trong những buổi sáng chủ nhật đi chụp ảnh dạo cùng anh. Họ còn nói Juan đã tạo được nét văn hóa cho người ngoại quốc xa lạ với người Việt dù đang ở tại thành phố.
 
Sau những giờ đi làm về mệt mỏi, họ lại tụ tập lại tại các địa điểm giải trí đắt đỏ. Còn những khuôn mặt ngoài công sở, ngoài những khuôn mặt của người làm phục vụ, họ không biết nhiều.
 
Đi cùng Juan, họ thấy được cuộc sống bình dị của người bình dân. Cuộc sống người dân diễn ra trước mắt sau những giờ công sở, sau những giờ bán buôn. Một số người ngoại quốc khác cũng tự tổ chức nhóm chụp ảnh đường phố cho riêng mình khi thấy được nhu cầu của người nước ngoài đến thành phố sinh sống.
 
Rời Việt Nam, Juan không tiếc nuối vì anh là một trong những kẻ du mục kỹ thuật số đến Việt Nam vừa tìm hiểu văn hóa, vừa làm việc. Juan về nước để chuẩn bị cho chuyến đi Myanmar ghim thêm một chấm vào bản đồ du lịch của mình.
 
“Tôi còn nhiều nước để đến lắm nhưng rời Việt Nam, tôi không thể quên được những khuôn mặt của người Việt. Câu chuyện trong ánh mắt của họ là tình yêu thương, là gia đình, là sự thân thiện với người từ phương xa”, Juan nói.
 
 
 
Mỹ Huyền (Ảnhh: NVCC)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *