Vì sao giáo viên khó ‘chạm tay’ vào danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở?

Người xem: 454

Giáo viên nào thật sự xuất sắc, cán bộ quản lý nào thật sự tài giỏi đều được bình bầu mà không bị chỉ tiêu khống chế. Có vậy mới khuyến khích giáo viên nỗ lực.

Theo hướng dẫn của Nghị định 91/2017/NĐ-CP, các đơn vị xét, đề nghị danh hiệu Chiến sĩ thi đua không quá 15% tổng số cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”.

Trong thực tế cho thấy, số người được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trong một trường học càng ít thì cơ hội để giáo viên (ngoại trừ giáo viên kiêm nhiệm công tác tổ trưởng) càng khó chạm tay vào danh hiệu này.

Ví dụ như trường học có khoảng 50 đến 60 người đạt danh hiệu Lao động tiên tiến sẽ có từ 8 đến 9 người được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua…Tuy thế, nếu trường học chỉ có 20 người đạt danh hiệu Lao động tiên tiến thì số người được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua chỉ được 3 người.

Với quy định tỷ lệ danh hiệu thi đua cơ sở quá thấp như thế, nếu trường học có đông người còn đỡ, những trường học chỉ có khoảng 15 đến 20 cán bộ giáo viên, công nhân viên thì gần như danh hiệu Chiến sĩ thi đua giáo viên khó lòng chạm tới.

Số lượng danh hiệu Chiến sĩ thi đua quá thấp, ai sẽ có cơ hội đạt danh hiệu này?

Thứ nhất, cơ hội được lọt vào danh sách của trường “Đề nghị cấp trên xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở” đầu tiên sẽ thuộc về hiệu trưởng và phó hiệu trưởng. Đây là 2 vé gần như chắc chắn sẽ thuộc về họ.

Thường thì nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đều được “ưu tiên” thành tích nên có những trường, năm nào họ cũng đăng ký thi đua. Nhiều đồng nghiệp của người viết nhận thấy, đã đăng ký là lãnh đạo trường sẽ được lọt vào danh sách dù có người chưa thật sự xứng đáng.

Nếu trường học thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách giơ tay thì gần như sẽ là 100% số người đồng ý. Nếu là bỏ phiếu kín trong Hội đồng thi đua khi hiệu trưởng là trưởng ban thi đua thì cũng ít người gạch tên Ban giám hiệu nhà trường.

Thứ hai, Chủ tịch công đoàn và 5 tổ trưởng chuyên môn. Người ta thường lý giải, những người kiêm nhiệm chức danh là những người làm nhiều việc. Vì ngoài công việc giảng dạy, họ còn làm những công việc khác. Vì thế, họ luôn được ưu tiên trong việc xét danh hiệu thi đua.

Tuy nhiên, nói một cách công bằng, phần lớn các chức danh như chủ tịch Công đoàn, tổ trưởng, thư ký…hàng tuần đều đã có giảm trừ tiết dạy thực tế, riêng tổ trưởng còn có cả phần trăm trách nhiệm.

Thế nên ai đó có làm nhiều hơn giáo viên cũng mới chỉ là thực hiện công việc đã được giảm trừ tiết dạy.

Bên cạnh đó, chủ tịch Công đoàn là phó ban thi đua, các tổ trưởng cũng là thành viên của chính Hội đồng thi đua khen thưởng ấy. Vì thế, có là giơ tay biểu quyết hay bỏ phiếu kín những người có trong Hội đồng thi đua vẫn chiếm lợi thế.

Ngoài việc họ đã có một lá phiếu cho chính mình còn có cách ứng xử “tôi đồng ý cho bạn thì bạn cũng đồng ý cho tôi”.

Cơ hội nào cho giáo viên?

Cơ hội cho giáo viên dành được danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở là khá ít. Nếu như Ban giám hiệu nhà trường, chủ tịch Công đoàn hay một vài tổ trưởng không nhường nhịn (năm này đăng ký, năm sau sẽ không) thì giáo viên khó có cơ hội chạm vào danh hiệu này.

Ví dụ như một trường học chỉ được khoảng 3 chỉ tiêu, trong đó 2 chỉ tiêu đã phải dành cho Ban giám hiệu. Chỉ tiêu còn lại hoặc là chủ tịch Công đoàn, hoặc là một tổ trưởng.

Những người trong Hội đồng thi đua nhà trường sẽ bỏ phiếu và chọn ra những người có số phiếu cao nhất đưa vào danh sách để chuyển lên cấp trên xét duyệt.

Cũng vì kiểu bỏ phiếu thế này, không tránh khỏi việc phe cánh giữa các cá nhân (tôi bỏ cho bạn, bạn bỏ cho tôi). Giáo viên không có “chân” trong Hội đồng thi đua nên ít người bỏ phiếu công nhận cũng là điều dễ hiểu.

Vì những thực tế này, mỗi lần đăng ký thi đua nhiều thầy cô giáo luôn tỏ ra thờ ơ vì suy nghĩ có đăng ký cũng không được, có nỗ lực thì cuối năm cũng ít người nhìn thấy.

Cách gì để ghi nhận sự cống hiến thật sự của giáo viên?

Một số trường học hiện nay, để động viên tinh thần cho giáo viên Ban giám hiệu nhà trường, chủ tịch Công đoàn và một số tổ trưởng đã tự động rút lui danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Có trường thì năm này hiệu trưởng đăng ký, năm sau sẽ đến phó hiệu trưởng…cứ thế họ nhường lại suất ấy để động viên những thầy cô giáo thật sự nổi trội.

Tuy nhiên, thi đua mà nhường nhịn cũng không phải là giải pháp hay. Nhiều giáo viên mong việc giới hạn tỷ lệ Chiến sĩ thi đua cơ sở” không quá 15% tổng số cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến” như hiện nay sẽ được xem xét thay đổi.

Giáo viên nào thật sự xuất sắc, cán bộ quản lý nào thật sự tài giỏi đều được bình bầu mà không bị chỉ tiêu khống chế. Có như vậy mới khuyến khích được sự nỗ lực của các thầy cô giáo.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *