Chiến thắng của “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 và thắng lợi của Hiệp định Paris đầu năm 1973 để lại bài học sâu sắc về phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” tròn 50 năm trước là chiến thắng vĩ đại của lòng yêu nước, của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, là thắng lợi có ý nghĩa vô cùng to lớn về chính trị, ngoại giao và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Chiến thắng này đã tạo bước ngoặt và đòn quyết định buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.
Quân đội Việt Nam tuyên bố đã bắn rơi 755 máy bay của không lực Mỹ, trong đó có 34 chiếc B52, trong khi Mỹ thừa nhận mất 159 máy bay, bao gồm 16 chiếc B52.
1. Từ chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên phủ trên không” cuối năm 1972
Ngày 19/7/1965, khi đến thăm một đại đội pháo cao xạ bảo vệ Hà Nội, Hồ Chủ tịch đã căn dặn: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B57, B52 hay “bê” gì chăng nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa, ta cũng đánh. Mà đánh là nhất định thắng”.
Đến ngày 19/12/1967, Người đã giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân Phùng Thế Tài: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh phá Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Năm 1972, sau thất bại trên chiến trường miền Nam, Mỹ điên cuồng leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai với mục tiêu đánh phá miền Bắc nhằm gây sức ép với Chính phủ ta, buộc ta phải chấp nhận điều kiện có lợi cho Mỹ trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân đã gấp rút hoàn chỉnh phương án tác chiến, bố trí lực lượng đánh địch với tư tưởng chỉ đạo phát huy cao độ truyền thống toàn dân, toàn quân đánh giặc, vừa chiến đấu vừa phục vụ chiến đấu.
Với những toan tính và sự chuẩn bị từ trước, Tổng thống R. Nixon quyết định đánh con bài cuối cùng, mở cuộc tập kích chiến lược đường không với mật danh “Linebacker II” vào Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số nơi trên miền Bắc.
Đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh xâm lược Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới
Cuộc tập kích đường không chiến lược tháng 12/1972 của Mỹ là cuộc ném bom hủy diệt vô cùng man rợ nhưng không thể đánh bại bởi lưới lửa phòng không độc đáo, dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp.
Chính thế trận phòng không nhân dân độc đáo đó đã làm cho mọi tính toán của Mỹ đều bị đảo lộn. Ý chí của quân và dân Thủ đô đã không hề bị đè bẹp trước sức mạnh của “Không lực Hoa Kỳ”. Hà Nội đã vượt lên sự hy sinh, mất mát để bừng lên khí thế sục sôi, quyết đánh và quyết thắng B52 Mỹ.
Trong 12 ngày đêm của “Vòng cung lửa”, Hà Nội đã sát cánh cùng các địa phương bắn rơi 81 máy bay Mỹ, gồm 34 chiếc B52, 5 chiếc F111, 21 chiếc F4C-E, 4 chiếc A6A, 12 chiếc A7… và mất gần 100 phi công (bị chết, bị bắt).
Tướng George Etter, Phó Chỉ huy không quân chiến lược Mỹ đã phải thú nhận trên Tạp chí Không lực Hoa Kỳ rằng: “Tổn thất về máy bay chiến lược B52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm Góc”.
Trong hồi ký của mình, Tổng thống Mỹ Nixon viết: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là do những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B52 quá nặng nề”.
Thành quả của “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm của 50 năm trước là đập tan nỗ lực quân sự cao nhất của Mỹ, buộc âm mưu đàm phán trên thế mạnh của Mỹ bị phá sản, ý chí xâm lược của Mỹ bị bẻ gãy. Không còn con bài nào nữa để mặc cả, Mỹ phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.
2. Đến thắng lợi của Hiệp định Paris đầu năm 1973
Cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác ở miền Bắc tuy gây ra những tổn thất nặng nề về người và của nhưng đã không làm thay đổi lập trường của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam về nội dung cơ bản của Hiệp định Paris. Con bài cuối cùng đã rút ra và chẳng thể làm được gì hơn, mặc dù sau này cả Nixon và Kissinger đều tuyên bố việc dùng B52 ném bom vào dịp lễ Giáng sinh năm 1972 đã buộc Hà Nội chấp nhận một giải pháp theo mong muốn của Mỹ, nhưng đó là những lời lẽ nhằm giữ thể diện cho những người phải thua chạy.
Ngày 8/1/1973, cuộc đàm phán ở Hội nghị Paris được nối lại sau nhiều lần bỏ lỡ vì Mỹ. Một lần nữa, chính quyền Nixon lại nếm mùi thất bại. Mỹ chẳng thể làm gì được hơn, lại bị cả thế giới lên án mạnh mẽ, phải đề nghị Việt Nam đến Paris để hoàn thành văn bản cuối cùng và ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/1/1973, chấp nhận rút quân viễn chinh khỏi miền Nam, thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản của nước Việt Nam.
Như vậy, việc triệu tập Hội nghị và ký kết Hiệp định Paris là kết quả của cuộc đấu lực, đấu trí trên chiến trường và trên bàn đàm phán, thể hiện phương thức giả quyết chiến tranh của Việt Nam và Mỹ trong bối cảnh cụ thể của mỗi nước và tình hình quốc tế lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, xét cho cùng, chính những thắng lợi của Việt Nam và sự thất bại về quân sự của Mỹ trên chiến trường đã buộc Mỹ phải chấp nhận thất bại về chính trị và ngoại giao, chủ động đề xuất và chấp thuận đàm phán với Việt Nam rồi đi đến ký kết Hiệp định Paris.
Kết quả đó rốt cuộc đã đưa Mỹ rút ra khỏi một cuộc chiến khốc liệt và kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, đồng thời giúp Việt Nam có được thắng lợi quyết định: buộc Mỹ phải rút quân và tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam tiếp tục tiến lên hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Thắng lợi của Hội nghị Paris và Hiệp định Paris là thành quả trực tiếp của sự kết hợp nhuần nhuyễn và hiệu quả của ba mặt trận đấu tranh: quân sự, chính trị và ngoại giao.
Toàn cảnh Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
3. Vẹn nguyên giá trị làm nên những bài học kinh nghiệm
Tròn 50 năm qua, chiến thắng của “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 và thắng lợi của Hiệp định Paris đầu năm 1973 của dân tộc Việt Nam vẫn vẹn nguyên giá trị và để lại những bài học sâu sắc về phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong chiến tranh, sẽ không giành thắng lợi trên bàn đàm phán nếu không có thắng lợi quyết định trên chiến trường. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và đi vào đàm phán, mở ra cục diện “vừa đánh, vừa đàm”.
Với trận “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân đội và nhân dân Việt Nam đã đập tan những nỗ lực, cố gắng cao nhất và cuối cùng của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, buộc Mỹ phải ngừng chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, trở lại bàn đàm phán, chấp nhận ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhân dân Việt Nam đã hoàn thành căn bản nhiệm vụ “đánh cho Mỹ cút”, tạo điều kiện thuận lên tiến đánh cho “ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, có kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng đấu tranh ngoại giao với đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị, kết hợp cuộc chiến đấu trên chiến trường với cuộc đấu tranh trên chính trường quốc tế, đánh đúng vào chỗ yếu cơ bản về chính trị của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, thì hiệu quả đấu tranh ngoại giao sẽ góp phần tạo thêm thế và lực mới cho cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện.
Thế giới đã và đang trải qua từ trật tự quốc tế cũ đã tan rã sang một trật tự quốc tế mới phát triển nhanh chóng và phức tạp với nhiều yếu tố khó lường, với thời cơ và thách thức đan xen nhau.
Sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học công nghệ, nhất là sự bùng nổ thông tin, tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia không ngừng tăng lên, quá trình khu vực hóa và toàn cầu hóa phát triển ngày càng mạnh mẽ. Bài học lớn nhất từ Hội nghị Paris và Hiệp định Paris 1973 luôn là thực tiễn lịch sử quý giá cho hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là phải đảm bảo nguyên tắc giữ vững độc lập tự chủ, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc và có sách lược khôn khéo, mềm dẻo trong hợp tác và đấu tranh với các đối tác khác nhau, tạo môi trường và quan hệ quốc tế thuận lợi cho sự phát triển và bảo vệ đất nước.
Nguồn: Báo Quốc tế
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố