Điện Kremlin hôm 9/2 kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế công khai về vụ nổ đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc” xảy ra hồi cuối tháng 9/2022.
Bốn vụ rò rỉ lớn đã được phát hiện tại các đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 dẫn khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic. Cả Nga và phương Tây đều nghi ngờ đây là hành động phá hoại có chủ đích. Song nghi phạm đứng sau vụ việc vẫn còn gây tranh cãi. Theo Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov, vụ tấn công vào cơ sở hạ tầng đặc biệt về mặt an ninh là tiền lệ vô cùng nguy hiểm.
Rò rỉ đường ống Dòng chảy phương Bắc ở ngoài khơi bờ biển của đảo Bornholm, Đan Mạch, ngày 26/9/2022 (Ảnh: AP)
“Thế giới phải tìm ra sự thật về kẻ đã thực hiện hành động phá hoại này. Đây là một tiền lệ rất nguy hiểm. Nếu ai đó đã làm điều đó một lần, họ có thể làm điều đó một lần nữa ở bất cứ đâu trên thế giới.Một cuộc điều tra quốc tế công khai về cuộc tấn công chưa từng có nhằm vào cơ sở hạ tầng quốc tế quan trọng như thế này là rất cần thiết. Không thể để vụ việc này xảy ra mà không phát hiện ra những kẻ chịu trách nhiệm và trừng phạt chúng”, ông Dmitri Peskov nói.
Nga từng đề xuất thành lập một cuộc điều tra chung với Thụy Điển và Đan Mạch về các vụ nổ nguy cơ khiến ba trong số bốn dòng của dự án khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 1 và 2” bị ngừng sử dụng vĩnh viễn. Nhưng cả Thụy Điển và Đan Mạch đều bác bỏ ý tưởng về sự tham gia của Nga. Trước đó, tháng 11/2022, các nhà chức trách Thụy Điển đã kết luận rằng các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 đã bị phá hoại, nhưng không nêu tên thủ phạm và vụ việc tiếp tục trở thành một điểm nóng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây./.
Thu Hoài/VOV1 (biên dịch)
Theo Reuters
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố